CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hướng dẫn hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động

01/03/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn số 20/HD-VKSTC về hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động có vai trò quan trọng trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự; thể hiện trực tiếp, chính thức, tập trung, phản ánh rõ ràng và đầy đủ kết quả hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự; góp phần củng cố vai trò, vị trí của VKSND trong tố tụng dân sự, thể hiện trách nhiệm của Kiểm sát viên VKSND đối với xã hội và nhân dân; là cơ sở quan trọng để Tòa án xem xét ban hành bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự có căn cứ và đúng pháp luật; là phương thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật của người tham gia tố tụng và nhân dân; là cơ sở để nhân dân thực hiện giám sát trực tiếp đối với các hoạt động của VKSND trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Để nâng cao hơn nữa khâu công tác này trong thời gian tới, VKSND tối cao hướng dẫn một số nội dung liên quan đến hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự như sau:

Để hoạt động phát biểu đảm bảo chất lượng, Kiểm sát viên cần tuân thủ một số yêu cầu chủ yếu sau đây: Nắm vững tính chất, phạm vi của từng giai đoạn tố tụng: Ở giai đoạn sơ thẩm, Kiểm sát viên cần xem xét kỹ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có), yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có); ở giai đoạn phúc thẩm, Kiểm sát viên cần xem xét kỹ phạm vi kháng cáo, kháng nghị toàn bộ hay một phần bản án, quyết định sơ thẩm; ở giai đoạn giám đốc thẩm, Kiểm sát viên cần xem xét kỹ căn cứ và điều kiện kháng nghị theo quy định tại Điều 326 của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2015; ở giai đoạn tái thẩm, Kiểm sát viên cần xem xét kỹ tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ban hành bản án, quyết định đó (Điều 351, 352 BLTTDS năm 2015).

Trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ, toàn diện hồ sơ vụ án, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo lãnh đạo đơn vị, dự thảo phát biểu và đề cương hỏi. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải theo dõi, cập nhật những nội dung mới phát sinh tại phiên tòa để điều chỉnh, bổ sung vào phát biểu, tránh trường hợp phát biểu nguyên văn dự thảo đã chuẩn bị trước nếu tại phiên tòa có phát sinh những nội dung mới. Sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải thực hiện chế độ báo cáo đúng, đầy đủ kết quả kiểm sát xét xử theo quy định.

Về phong thái, trang phục, ứng xử của Kiểm sát viên tại phiên tòa: Thực hiện đúng Quyết định số 46/QĐ-VKSTC ngày 20/02/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc ban hành Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án.

Yêu cầu cụ thể đối với hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa

Nắm chắc, đầy đủ các quy định của pháp luật về tố tụng: Bên cạnh những văn bản pháp luật liên quan là BLTTDS năm 2015, Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa VKSND và Tòa án nhân dân (TAND) trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS năm 2015 (gọi tắt là Thông tư 02), Kiểm sát viên phải bám sát các quy định của Ngành và những văn bản khác có liên quan.

Nắm chắc, đầy đủ các quy định của pháp luật về nội dung, đặc biệt là các quy định của pháp luật chuyên ngành: Kiểm sát viên phải phân biệt vụ án thuộc lĩnh vực nào, tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại (KDTM) hay lao động. Trong từng loại án, Kiểm sát viên còn phải phân định từng loại tranh chấp khác nhau (ví dụ trong vụ án dân sự có tranh chấp thừa kế tài sản, tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng dân sự...; trong vụ án KDTM có tranh chấp thành viên công ty với công ty, tranh chấp hợp đồng tín dụng đều có mục đích kinh doanh...; trong vụ án lao động có tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động ... để áp dụng cho đúng những căn cứ pháp luật). Trên cơ sở Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, còn phải chú ý áp dụng các luật chuyên ngành, như Bộ luật Lao động, Bộ luật Hàng hải, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Bảo hiểm xã hội ... và những văn bản pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế qua các thời kỳ để vận dụng một cách chính xác thời điểm văn bản có hiệu lực áp dụng đối với quan hệ tranh chấp xảy ra…

Nghiên cứu kỹ, chi tiết, toàn diện hồ sơ vụ án: Trên cơ sở nắm chắc các quy định của pháp luật về tố tụng, nội dung, Kiểm sát viên phải nghiên cứu toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nắm chắc nội dung các tài liệu đó; kiểm tra các tài liệu trong hồ sơ vụ án, qua đó xác định tài liệu nào là chứng cứ, tài liệu nào không phải là chứng cứ, các tài liệu, chứng cứ bị trùng (thường do đương sự gửi nhiều lần kèm theo đơn); xem có cần phải thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hay không; nhận dạng, tập hợp các vi phạm của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để đưa ra các yêu cầu, kiến nghị kịp thời; đồng thời xem các tài liệu nào cần phải trích cứu, tài liệu, chứng cứ nào cần phải sao chụp để lập hồ sơ kiểm sát.

Kiểm sát viên phải tập trung phân tích theo từng vấn đề hoặc nhóm vấn đề cụ thể, như phân tích yêu cầu của nguyên đơn, hệ thống tài liệu, chứng cứ mà nguyên đơn xuất trình; phân tích nội dung trình bày hoặc yêu cầu phản tố của bị đơn, hệ thống tài liệu, chứng cứ mà bị đơn xuất trình; phân tích yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, hệ thống tài liệu, chứng cứ mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xuất trình; phân tích lời khai của người làm chứng, hệ thống tài liệu, chứng cứ mà người làm chứng xuất trình (nếu có), các tài liệu do Tòa án thu thập... Xác định các tài liệu, chứng cứ nào có giá trị quan trọng trong việc chứng minh các tình tiết khách quan của vụ án.

Khi phát biểu, Kiểm sát viên phải đề cập toàn diện, đầy đủ các yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có) trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa; xem xét tính có căn cứ của các tài liệu do đương sự xuất trình hoặc Tòa án thu thập được, tính hợp pháp của việc cung cấp, thu thập chứng cứ.

Bên cạnh đó, Hướng dẫn này còn quy định về hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên đối với một số loại án cụ thể như: Tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất; tranh chấp về thừa kế tài sản; tranh chấp về hợp đồng vay tài sản; tranh chấp về hôn nhân gia đình; tranh chấp thành viên công ty với công ty; tranh chấp hợp đồng tín dụng; tranh chấp hợp đồng xây dựng; tranh chấp lao động…

File đính kèm
TL (Giới thiệu)
Tìm kiếm