CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Khắc phục những khó khăn trong việc yêu cầu phía nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự

13/09/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với nước ngoài trong thời gian gần đây cho thấy phía nước ngoài, đặc biệt là những quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam gửi nhiều yêu cầu như Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Hoa Kỳ, Australia... vẫn yêu cầu phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện theo quy định của pháp luật trong nước; vì vậy, trong nhiều trường hợp gây khó khăn rất lớn cho các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam phải giải quyết rất nhiều vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài. Việc yêu cầu phía nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự (TTTPHS) cho Việt Nam xuyên suốt các giai đoạn tố tụng: Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Công ước về chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC) và Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc (UNTOC) đều khuyến nghị các quốc gia thành viên dành cho nhau sự tương trợ tối đa trong hoạt động TTTPHS, và điều này cũng đã được ghi nhận trong nhiều Hiệp định TTTPHS song phương và đa phương mà Việt Nam ký kết, tham gia.

Các cơ quan tiến hành tố tụng có thể lập và gửi yêu cầu TTTPHS ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào nếu xét thấy cần thiết. Nhưng trên thực tế, số lượng yêu cầu TTTPHS của Việt Nam gửi đi nước ngoài chủ yếu phát sinh trong giai đoạn khởi tố và giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Theo đó, ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, Cơ quan điều tra đã có thể lập yêu cầu TTTPHS đề nghị phía nước ngoài hỗ trợ xác minh để có cơ sở quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Giai đoạn điều tra, Cơ quan điều tra có thể lập yêu cầu tương trợ để đề nghị phía nước ngoài hỗ trợ điều tra, làm rõ những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài mà các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam giải quyết và có phát sinh yêu cầu tương trợ tư pháp gửi đi nước ngoài phải tuân thủ chặt chẽ quy định về thời hạn tố tụng của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, việc yêu cầu phía nước ngoài thực hiện TTTPHS cho Việt Nam trên thực tế gặp nhiều khó khăn như: Thiện chí hợp tác của phía nước ngoài; thời gian gửi yêu cầu và nhận kết quả thực hiện cũng như thời gian mà cơ quan có thẩm quyền của phía nước ngoài tiếp nhận, xử lý, thực hiện nội dung yêu cầu tương trợ thường kéo dài (đặc biệt khi đại dịch Covid-19 lây lan ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam; dịch vụ bưu chính quốc tế thường không đáp ứng chỉ tiêu về mặt thời gian, các cơ quan tư pháp nước ngoài cũng mất nhiều thời gian hơn để xử lý các yêu cầu tương trợ của Việt Nam do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội). Bên cạnh đó, phía nước ngoài yêu cầu phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về mặt pháp lý theo quy định của pháp luật nước được yêu cầu. Quá trình trao đổi để bổ sung các thông tin, tài liệu theo đề nghị của phía nước ngoài cũng thường mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng không nhỏ đến thời hạn, tiến độ giải quyết các vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam.

Từ thực tiễn của hoạt động TTTPHS giữa Việt Nam và nước ngoài, có thể nêu ra một số điều kiện pháp lý mà phía nước ngoài thường yêu cầu Việt Nam phải đáp ứng và coi đó là điều kiện tiền đề để xem xét việc thực hiện tương trợ cho phía Việt Nam như sau:

Yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu để chứng minh hành vi phạm tội mà phía Việt Nam đang xác minh, điều tra cũng cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật nước được yêu cầu

Nguyên tắc tội phạm kép là một nguyên tắc cơ bản được cộng đồng quốc tế thừa nhận và tuân thủ trong hoạt động TTTPHS quốc tế. Nguyên tắc tội phạm kép yêu cầu hành vi có liên quan được đề cập trong yêu cầu TTTPHS phải đồng thời cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật nước yêu cầu và nước được yêu cầu. Yêu cầu này cần phải được hiểu như sau: Giả thiết hành vi khách quan được nước yêu cầu đề cập nếu xảy ra tại nước được yêu cầu thì hành vi đó cũng cấu thành tội phạm, chứ không có nghĩa bắt buộc hành vi khách quan được nước yêu cầu đề cập trên thực tế đã xâm phạm quan hệ pháp luật mà nước được yêu cầu bảo vệ.

Nguyên tắc tội phạm kép là biểu hiện cụ thể của nguyên tắc “chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự” trong hoạt động TTTPHS quốc tế. Nguyên tắc tội phạm kép đòi hỏi việc tương trợ của nước được yêu cầu đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự của nước yêu cầu phải dựa trên cơ sở nguyên tắc “chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”, tránh việc hợp tác tương đối với việc giải quyết các yêu cầu có liên quan đến các hành vi không cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật nước được yêu cầu. Vì vậy, nguyên tắc tội phạm kép là nguyên tắc bắt buộc tuân thủ trong lĩnh vực dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Trong hoạt động TTTPHS, việc tuân thủ nguyên tắc tội phạm kép thông thường không đòi hỏi quá khắt khe. UNTOC và UNCAC đều thể hiện sự linh hoạt và cởi mở đối với vấn đề áp dụng nguyên tắc tội phạm kép trong hoạt động TTTPHS. Khoản 9 Điều 18 UNTOC quy định nước được yêu cầu có quyền coi nguyên tắc tội phạm kép là lý do để từ chối tương trợ, nhưng cũng đồng thời quy định: “Nước được yêu cầu trong phạm vi mà mình cho là hợp lý xem xét thực hiện yêu cầu TTTPHS, bất luận hành vi trong yêu cầu có cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật nước được yêu cầu hay không”. UNCAC cũng có quy định tương tự về việc thực hiện tương trợ trên cơ sở áp dụng linh hoạt nguyên tắc tội phạm kép với những điều kiện nhất định như sau: 1) Thực hiện tương trợ phù hợp với các khái niệm cơ bản của pháp luật nước được yêu cầu; 2) Nội dung yêu cầu không liên quan đến các hoạt động mang tính cưỡng chế. Quy định cụ thể như sau: “Các quốc gia thành viên có thể coi việc không đáp ứng nguyên tắc tội phạm kép là lý do để từ chối thực hiện các hoạt động tương trợ được quy định trong Công ước. Tuy nhiên, nước được yêu cầu trong những trường hợp phù hợp với khái niệm cơ bản của pháp luật nước mình nên thực hiện các hoạt động tương trợ không mang tính cưỡng chế cho nước yêu cầu”.

Tuy nhiên, qua theo dõi các yêu cầu TTTPHS mà Việt Nam gửi đi nước ngoài thời gian qua có thể nhận thấy, một số quốc gia vẫn áp dụng đầy đủ nguyên tắc tội phạm kép đối với các yêu cầu. Theo quy định của Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự năm 1998 giữa Việt Nam và Trung Quốc, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao Trung Quốc là cơ quan đầu mối tiếp nhận, xử lý các yêu cầu tương trợ tư pháp của Việt Nam. Điều này có nghĩa khi tiếp nhận các yêu cầu TTTPHS của Việt Nam, VKSND tối cao Trung Quốc sẽ nghiên cứu, thẩm định hồ sơ yêu cầu, nếu xét thấy hành vi nêu trong yêu cầu không cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật Trung Quốc thì VKSND tối cao Trung Quốc sẽ có Công hàm yêu cầu phía Việt Nam bổ sung các thông tin để chứng minh hành vi cũng cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật Trung Quốc; nếu phía Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu này thì VKSND tối cao Trung Quốc sẽ từ chối thực hiện tương trợ.

Chẳng hạn, đối với Tội trốn thuế, cơ quan lập yêu cầu cần nêu rõ trong Yêu cầu tương trợ tư pháp về số tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước nhưng cá nhân/pháp nhân bị tố giác hoặc bị can trong vụ án đã không nộp; đối với Tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng giả… cơ quan lập yêu cầu cần nêu rõ trong Yêu cầu tương trợ tư pháp về giá trị hàng hóa, tiền tệ là vật phạm pháp trong vụ việc hoặc vụ án; đối với các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… và các tội khác có liên quan đến thiệt hại về tài sản, cơ quan lập yêu cầu cần nêu rõ trong Yêu cầu tương trợ tư pháp về giá trị tài sản bị chiếm đoạt, bị thiệt hại; đối với hành vi buôn lậu thuốc lá điếu, pháo nổ, hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại… theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam, pháp luật Trung Quốc không tội phạm hóa những hành vi này nên phía Trung Quốc sẽ không thực hiện yêu cầu tương trợ có liên quan.

Vì vậy, để bảo đảm nguyên tắc tội phạm kép trong hoạt động TTTPHS giữa Việt Nam và Trung Quốc, các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam khi lập Yêu cầu TTTPHS gửi Trung Quốc có thể trao đổi trước với Vụ 13 VKSND tối cao để được hướng dẫn cách lập yêu cầu nhằm tránh việc phía Trung Quốc yêu cầu bổ sung thông tin, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện tương trợ và thời hạn giải quyết vụ án ở trong nước.

Yêu cầu cung cấp những thông tin, tài liệu để trình lên Toà án có thẩm quyền xem xét ban hành Lệnh, quyết định liên quan đến việc thực hiện nội dung tương trợ của phía Việt Nam

Cơ quan trung ương về TTTPHS của nước ngoài sau khi tiếp nhận các yêu cầu TTTPHS của Việt Nam cũng như của nước khác sẽ nghiên cứu, thẩm định hồ sơ yêu cầu tương trợ để bảo đảm phù hợp với các quy định có liên quan của pháp luật nước mình trước khi chuyển hồ sơ yêu cầu cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Việc thực hiện nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp cho Việt Nam cũng phải tuân theo các quy định về pháp luật tố tụng của nước được yêu cầu.

Đối với loại yêu cầu thu thập chứng cứ: Theo quy định của pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia theo hệ thống pháp luật common law như Hoa Kỳ, Canada, Australia…, việc thực hiện các hoạt động điều tra nhằm thu thập thông tin, tài liệu làm chứng cứ trong vụ án hình sự phải có Lệnh khám xét, thu giữ của Tòa án có thẩm quyền. Trước đó, cơ quan chức năng (mà trong hoạt động TTTPHS là Cơ quan trung ương về TTTPHS) phải trình hồ sơ với nhiều tài liệu đủ để thuyết phục Tòa án có thẩm quyền nhận thấy có căn cứ ban hành Lệnh khám xét, thu giữ, từ đó mới có cơ sở thực hiện các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của phía Việt Nam. Quá trình này thường kéo dài và mất nhiều thời gian, nếu theo đuổi tiến trình tố tụng của phía nước ngoài thì cũng đồng nghĩa với việc vụ án trong nước phải tạm đình chỉ để chờ kết quả thực hiện tương trợ từ nước ngoài. Trong nhiều trường hợp nếu đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu của phía nước ngoài thì có lẽ chúng ta cũng không còn cần phía nước ngoài thực hiện tương trợ nữa, tức là những nội dung mà phía nước ngoài yêu cầu chúng ta phải bổ sung để có đủ căn cứ trình hồ sơ đề nghị Toà án có thẩm quyền ban hành Lệnh khám xét, thu giữ cũng chính là những nội dung Việt Nam đang đề nghị phía nước ngoài hỗ trợ xác minh, thu thập. Có thể nhận thấy đây là khó khăn rất lớn trong quá trình yêu cầu phía nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp.

Thực tiễn của hoạt động tương trợ tư pháp cho thấy đối với loại yêu cầu thu thập chứng cứ, đặc biệt là dữ liệu điện tử, phía nước ngoài thường yêu cầu cơ quan lập yêu cầu của Việt Nam phải mô tả rất cụ thể, chi tiết nội dung vụ án, đặc biệt là quá trình thực hiện hành vi phạm tội của bị can, bị cáo và các đối tượng có liên quan (đặc biệt là những đối tượng đang có mặt trên lãnh thổ phía nước được yêu cầu); cung cấp đầy đủ thông tin về địa điểm hoặc phương thức có thể thu thập được những dữ liệu, tài liệu mà phía Việt Nam đang cần thu thập; trình bày được mối liên hệ giữa dữ liệu, tài liệu mà phía Việt Nam đang cần thu thập với tổ chức, cá nhân đang nắm giữ những dữ liệu, tài liệu đó tại nước được yêu cầu... Ví dụ: Yêu cầu TTTPHS của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đ gửi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đề nghị hỗ trợ thu thập và cung cấp toàn bộ dữ liệu được lưu trữ tại một trang web do Nguyễn Văn T thuê máy chủ quản lý dữ liệu đặt tại Hoa Kỳ để giải quyết tố giác về tội phạm liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của T. Sau khi nhận được yêu cầu nêu trên, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã thông báo để thực hiện các nội dung yêu cầu tương trợ này, pháp luật Hoa Kỳ quy định Bộ Tư pháp Hoa Kỳ phải trình hồ sơ lên Toà án có thẩm quyền để đề nghị ban hành Lệnh khám xét. Để có thể thuyết phục được Toà án có thẩm quyền của Hoa Kỳ đồng ý ra Lệnh khám xét, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cần cung cấp được những chứng cứ để Toà án có thẩm quyền có thể tin rằng tội phạm đã được thực hiện và tài khoản cần khám xét thực sự có chứa dữ liệu là chứng cứ chứng minh tội phạm. Tức là chỉ khi nào phía Việt Nam đáp ứng được những điều kiện về mặt pháp lý mà phía Hoa Kỳ đặt ra thì cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ mới tiếp tục xem xét việc có thực hiện yêu cầu tương trợ của phía Việt Nam hay không. Trong thời gian chờ phía Việt Nam bổ sung các thông tin, tài liệu để hoàn thiện hồ sơ trình Toà án có thẩm quyền, phía Hoa Kỳ sẽ không có bất cứ hoạt động xác minh, điều tra nào để thực hiện nội dung yêu cầu tương trợ. Bên cạnh đó, phía Hoa Kỳ cũng sẽ ấn định một khoảng thời gian (thông thường là 03 tháng kể từ ngày yêu cầu bổ sung thông tin) để cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam bổ sung thông tin, tài liệu hoàn thiện hồ sơ; nếu hết thời hạn này không bổ sung thông tin, tài liệu thì phía Hoa Kỳ sẽ cho rằng bên yêu cầu không còn cần kết quả thực hiện tương trợ nữa và đình chỉ việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp. Như vậy, có thể thấy, do sự khác biệt về hệ thống pháp luật giữa Việt Nam và nước được yêu cầu, các yêu cầu tương trợ tư pháp gửi đi gặp phải nhiều khó khăn, đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng trong nước phải cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu nhằm thoả mãn những điều kiện tiên quyết theo quy định của pháp luật nước được yêu cầu cầu để có thể được phía nước ngoài đồng ý thực hiện và cung cấp kết quả tương trợ. Những dữ liệu, tài liệu mà cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp giúp làm sáng tỏ bản chất của vụ án và là nguồn chứng cứ quan trọng được đưa vào hồ sơ vụ án, củng cố thêm những chứng cứ mà cơ quan tiến hành tố tụng trong nước đã thu thập được; trên cơ sở đó có thể chứng minh một cách khách quan, toàn diện và đúng quy định của pháp luật đối với hành vi phạm tội mà các bị can, bị cáo đã thực hiện. Vì vậy, để tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc thu thập dữ liệu, tài liệu cho phía Việt Nam, cơ quan tiến hành tố tụng lập uỷ thác cần cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của phía nước ngoài và hướng dẫn của Vụ 13 VKSND tối cao.

Bên cạnh đó, yêu cầu thu thập dữ liệu điện tử trong nhiều trường hợp không thực hiện được do dữ liệu trên máy chủ đặt tại nước ngoài đã bị xoá hoặc không tồn tại; quá trình từ khi đáp ứng các điều kiện tiên quyết về mặt pháp lý của nước được yêu cầu đặt ra cho đến khi các cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu tiến hành các hoạt động khám xét, thu giữ để có được các dữ liệu, tài liệu cung cấp cho phía Việt Nam thường kéo dài nên khó đáp ứng quy định về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, dẫn đến nhiều trường hợp Cơ quan điều tra phải tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác về tội phạm hoặc tạm đình chỉ điều tra vụ án do hết thời hạn theo luật định mà vẫn chưa có kết quả thực hiện tương trợ tư pháp do phía nước ngoài cung cấp.

Đối với loại yêu cầu thu hồi tài sản do phạm tội mà có: Hiện nay, các yêu cầu tương trợ tư pháp của Việt Nam gửi đi nước ngoài đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hỗ trợ thực hiện việc thu hồi tài sản do công dân Việt Nam phạm tội mà có để phục vụ quá trình thi hành án ở Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện về mặt pháp lý theo quy định của pháp luật nước được yêu cầu như: Cung cấp những thông tin cụ thể, chi tiết về khối tài sản hoặc tài khoản ngân hàng ở nước được yêu cầu mà phía Việt Nam yêu cầu thu hồi; chứng minh được khối tài sản hoặc tiền trong tài khoản ngân hàng hiện đang ở nước được yêu cầu có được hoặc được hình thành từ hoạt động tội phạm. Tuy nhiên, việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện được, vì các yêu cầu tương trợ thường phát sinh ở giai đoạn điều tra, chưa có nhiều thông tin hoặc chưa chứng minh được mối liên hệ giữa bị can với khối tài sản của bị can ở nước ngoài. Có trường hợp Cơ quan điều tra còn tách những tài liệu có liên quan đến bị can với tài sản ở nước ngoài ra khỏi hồ sơ vụ án và chỉ tập trung điều tra hành vi phạm tội ở trong nước, dẫn đến tình trạng đến giai đoạn xét xử, bản án không đề cập đến khối tài sản của bị can ở nước ngoài, gây khó khăn rất lớn cho việc đề nghị phía nước ngoài hỗ trợ thu hồi tài sản do phạm tội mà có của người chấp hành án hiện đang có mặt trên lãnh thổ nước ngoài ở giai đoạn thi hành án.

Phía nước ngoài còn yêu cầu VKSND tối cao Việt Nam cung cấp giấy chứng nhận và các tài liệu kèm theo để chứng minh các vấn đề sau: Thủ tục tố tụng nhằm mục đích thực hiện việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có đã được quyết định ở Việt Nam; Lệnh hoặc quyết định về việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có của Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành đã có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị; tất cả những cá nhân có liên quan và chịu ảnh hưởng bởi Lệnh hoặc quyết định về việc thu hồi tài sản đều đã được thông báo và biết về việc thu hồi khối tài sản (yêu cầu này nhằm bảo đảm quyền sở hữu đối với tài sản của các cá nhân có liên quan, tuy nhiên trên thực tế sẽ là khó khăn rất lớn cho các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam để có thể tống đạt các văn bản thông báo về thủ tục thu hồi tài sản cho những người đồng sở hữu khối tài sản với người chấp hành án khi những người đó không có mặt tại Việt Nam hoặc thậm chí là không xác định được họ ở đâu, nhiều trường hợp đã xuất cảnh đi nước ngoài từ trước khi vụ án bị khởi tố); số tiền do phạm tội mà có vẫn chưa được nộp lại vào ngân sách Việt Nam hay tài sản do phạm tội mà có vẫn chưa được thu hồi về cho Nhà nước. Sau khi phía Việt Nam cung cấp được đầy đủ những tài liệu đó, cơ quan trung ương về TTTPHS của nước được yêu cầu mới trình hồ sơ lên Toà án có thẩm quyền để xin đăng ký Lệnh thu hồi tài sản của nước ngoài. Ở giai đoạn này, phía nước ngoài có thể thực hiện việc phong tỏa khối tài sản mà Việt Nam yêu cầu thu hồi. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để có thể thu hồi tài sản về cho Việt Nam đó là: Toà án có thẩm quyền của phía nước ngoài sẽ chỉ xem xét thực hiện việc thu hồi tài sản cho Việt Nam nếu phía Việt Nam cung cấp được đầy những thông tin, tài liệu theo yêu cầu của phía nước ngoài và bản án có hiệu lực pháp luật của Toà án Việt Nam trong đó nêu rõ việc phải thu hồi số tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc khối tài sản hiện đang có ở nước được yêu cầu (tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng đơn giản vì để nội dung đó được thể hiện trong bản án thì kết quả của hoạt động điều tra, truy tố, xét xử phải chứng minh được số tiền hay khối tài sản ở nước ngoài của bị can có được là từ hoạt động phạm tội của bị can, bị cáo).

Như vậy, có thể nhận thấy, việc đáp ứng các điều kiện về mặt pháp lý theo quy định của pháp luật nước ngoài để yêu cầu phía nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp cho Việt Nam là điều chúng ta phải chấp nhận khi tham gia “sân chơi” chung về hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự. Điều này cho thấy mặc dù cộng đồng quốc tế đề cao việc các quốc gia dành cho nhau sự tương trợ tối đa để cùng chung tay đấu tranh chống tội phạm đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, nhưng không có nghĩa các quốc gia có thể nhượng bộ quyền tư pháp của mình để bỏ qua các quy định của pháp luật trong nước và dành sự tương trợ trong lĩnh vực tư pháp hình sự cho một quốc gia khác trong mọi trường hợp. Việc áp dụng điều ước quốc tế phải bảo đảm “không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia” vẫn là nguyên tắc thượng tôn đối với các quốc gia. Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, cơ quan trung ương về TTTPHS của Việt Nam là VKSND tối cao cần chú trọng việc tổng hợp những điều kiện về mặt pháp lý mà phía nước ngoài thường yêu cầu bổ sung, đáp ứng; đồng thời chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các quy định của pháp luật các nước, đặc biệt là những quốc gia, vùng lãnh thổ mà ta có nhiều yêu cầu gửi đến, để từ đó làm tốt công tác hướng dẫn cơ quan tiến hành tố tụng trong nước lập yêu cầu tương trợ đúng với quy định của nước ngoài, đáp ứng yêu cầu về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài của Việt Nam./.

Cẩm Tú - Hải Bằng

(kiemsat.vn)
Tìm kiếm