CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

 

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
                  TỐI CAO
                
Số: 62/KH-VKSTC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 
             Hà Nội, ngày 25 tháng  5  năm 2015 
                   
KẾ HOẠCH
Tổ chức Hội nghị tăng cường giải pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự
 
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Viện kiểm sát các cấp, toàn Ngành đánh giá khách quan, toàn diện và chính xác về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” trong phạm vi đơn vị và toàn Ngành thời gian qua.
- Trên cơ sở kiểm điểm, đánh giá tình hình oan, sai và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự sẽ đề ra các giải pháp thiết thực, cụ thể; đồng thời, quyết liệt tổ chức thực hiện nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống oan, sai và bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự.
2. Yêu cầu
- Nội dung Hội nghị phải đảm bảo đúng với chủ đề của Hội nghị; đúng trọng tâm và bảo đảm chất lượng.
- Hội nghị bằng hình thức trực tuyến đến Viện kiểm sát cấp huyện. Công tác chuẩn bị hội nghị phải kỹ lưỡng, chu đáo; tổ chức Hội nghị phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
- Tài liệu, thông tin trong Hội nghị không được thông tin, phát tán ra ngoài cơ quan, trên các phương tiện thông tin.
II. NỘI DUNG HỘI NGHỊ
1. Nội dung
- Báo cáo đánh giá khái quát tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát trong 3 năm qua (01/10/2011-30/9/2014).
- Thông qua các vụ án oan, sai đã xảy ra và kết quả giám sát của Quốc hội vừa qua, tiến hành thảo luận, phân tích làm rõ, chính xác những nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan; nguyên nhân chủ yếu, thứ yếu; những điều kiện dẫn đến oan, sai và những hạn chế, tồn tại trong giải quyết bồi thường cho người bị oan thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát.
- Trên cơ sở làm rõ nguyên nhân, điều kiện dẫn đến oan, sai và hạn chế, tồn tại trong bồi thường do oan thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát, tham mưu, đề xuất các biện pháp, giải pháp thiết thực, cụ thể đối với mỗi đơn vị, Viện kiểm sát địa phương và toàn Ngành nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc xảy ra oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại kịp thời cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát theo đúng quy định pháp luật. 
- Trao đổi, thảo luận các nội dung trong dự thảo Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.
III. HÌNH THỨC, THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC HỘI NGHỊ
1. Hình thức tổ chức Hội nghị:
- Hội nghị tổ chức trực tuyến từ VKSND tối cao đến VKSND cấp huyện.
2. Thời gian, địa điểm tổ chức Hội nghị
- Hội nghị trực tuyến toàn ngành Kiểm sát nhân dân tổ chức trong 01 buổi sáng Thứ 3, ngày 02/6/2015; bắt đầu từ 08 giờ 00’.
- Điểm cầu chính tổ chức Hội nghị đặt tại Hội trường tầng 4, nhà A, Trụ sở VKSND tối cao, số 44, Lý Thường Kiệt, Hà Nội với các điểm cầu tại VKS Quân sự trung ương, Viện kiểm sát cấp tỉnh, VKSND cấp huyện.
IV. THÀNH PHẦN HỘI NGHỊ
1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị; đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì Hội nghị;
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Kiểm sát viên cao cấp các đơn vị: Vụ 1, Vụ 1A, Vụ 1B, Vụ 1C, Vụ 2, Vụ 3, Vụ 4, Cục 6, Vụ 7, các Viện Phúc thẩm 1, 2, 3 (VKSND cấp cao tại thành phố Hà Nội, VKSND cấp cao tại thành phố Đà Nẵng, VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh), Vụ HTQT và TTTPHS, Thanh tra, Cục TKTP và CNTT và Văn phòng.
- Đại diện lãnh đạo VKSND cấp tỉnh và đại diện lãnh đạo 01 Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết án hình sự của VKSND: Tp. Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Ninh Bình, Thái Nguyên, Nam Định, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Bắc Ninh.
- Truyền hình kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí kiểm sát, Trang thông tin điện tử của Ngành: mỗi đơn vị cử 01 Phóng viên hoặc cán bộ.
2. Viện kiểm sát địa phương
Lãnh đạo VKSND cấp tỉnh; các Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Kiểm sát viên của các Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết án hình sự, Phòng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, Phòng khiếu tố VKSND cấp tỉnh; lãnh đạo và Kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết án hình sự của VKSND cấp huyện.
3. Viện kiểm sát quân sự
- Lãnh đạo Viện kiểm sát quân sự các cấp; lãnh đạo, Kiểm sát viên các đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết án hình sự.
(Những Viện kiểm sát quân sự quân khu chưa có điểm cầu và Viện kiểm sát khu vực tham dự Hội nghị tại điểm cầu của VKSND cấp tỉnh hoặc VKSND cấp huyện nơi đơn vị đóng quân).
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phân công trách nhiệm
- Văn phòng VKSND tối cao: xây dựng Kế hoạch, Chương trình Hội nghị; chuẩn bị một số tài liệu (Báo cáo tóm tắt tình hình oan, sai và giải quyết bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự; dự thảo phát biểu khai mạc; các nội dung kết luận Hội nghị; dự kiến đơn vị và nội dung tham luận,...).
Phát hành Công văn triệu tập Hội nghị; chuẩn bị Hội trường (Market, âm thanh, ánh sáng,...) tại VKSND tối cao.
- Vụ 3: tham mưu cho Viện trưởng VKSND tối cao xây dựng dự thảo Chỉ thị về tăng cường biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, để trao đổi, thảo luận tại Hội nghị.
- Vụ 1, 1A, Cục 6, Thanh tra, VKSND tối cao và 06 VKSND cấp tỉnh (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai) chuẩn bị các nội dung tham luận tại Hội nghị (tham luận phải có tính khái quát cao, nỗi dung chắt lọc; mỗi tham luận tối đa 03 trang A4 và trình bày không quá 10 phút). Nội dung các tham luận và đơn vị thực hiện cụ thể như sau:
+ Vụ 1: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát việc áp dụng khoản 1, khoản 2 Điều 25 Bộ luật hình sự, nhất là đối với các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, nhằm chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm hoặc trốn tránh trách nhiệm bồi thường.
+ Vụ 1A: Một số giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát điều tra nhằm chống bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra các vụ án truy xét về tội giết người, hiếp dâm, cướp tài sản.
+ Cục 6: Thực trạng và giải pháp tăng cường phát hiện, khởi tố, điều tra và xử lý nghiêm minh những vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp dẫn đến oan, sai.
+ Thanh tra: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý  nghiêm minh trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong những trường hợp để xảy ra oan, sai.
+ VKSND Tp. Hà Nội: Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm hạn chế những vi phạm pháp luật dẫn đến oan, sai; khắc phục vi phạm thời hạn giải quyết các vụ án hình sự.
+ VKSND tỉnh Bình Phước: Nguyên nhân và giải pháp khắc phục triệt để việc xảy ra các vụ án oan, sai; các vụ án vi phạm thời hạn giải quyết, kéo dài nhiều năm.
+ VKSND Tp. Hải Phòng: Những bài học kinh nghiệm qua thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử vụ án Đỗ Minh Đức bị kết án chung thân về tội Giết người, sau đó bị TANND tối cao hủy án để điều tra, xét xử lại.
+ VKSND tỉnh Bắc Giang: Một số bài học kinh nghiệm qua thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án: Nguyễn Thanh Chấn bị kết án chung thân oan về tội Giết người; Hàn Đức Long bị kết án tử hình về tội Giết người, Hiếp dâm; Đỗ Thị Hằng bị kết án về tội Mua bán phụ nữ sau đó bị TANND tối cao hủy án để điều tra, xét xử lại.
+ VKSND tỉnh Bình Thuận: Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử vụ án Huỳnh Văn Nén bị kết án chung thân về tội Giết người, Cướp tài sản, sau đó bị TANND tối cao hủy án để điều tra, xét xử lại.
+ VKSND tỉnh Đồng Nai: Một số kinh nghiệm và biện pháp nhằm đảm bảo kịp thời việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát.
- Các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh, VKS Quân sự chủ động nghiên cứu các tài liệu chuẩn bị tham luận về nội dung của Hội nghị và đóng góp ý kiến vào dự thảo Chỉ thị về tăng cường biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.
- Cục thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin: phối hợp với Cơ quan viễn thông đảm bảo kỹ thuật phục vụ cho Hội nghị.
VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện, VKS quân sự trung ương, đại diện Văn phòng VKSND tối cao tại Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với cơ quan viễn thông địa phương để chuẩn bị hội trường tại các điểm cầu.
- VKSND cấp tỉnh, VKS Quân sự trung ương hướng dẫn các đơn vị cấp dưới triển khai thực hiện Kế hoạch này.
2. Tài liệu phục vụ Hội nghị
- Báo cáo tóm tắt tình hình oan, sai và bồi thường cho người bị oan trong giải quyết án hình sự;
- Dự thảo Chỉ thị về tăng cường biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự;
- VKSND cấp tỉnh trên cơ sở kết quả thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự và qua kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc của Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương về Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật, để tham gia tham luận tại Hội nghị.
3. Trang trí hội nghị
Phông Hội nghị theo mẫu thống nhất toàn Ngành, gồm:  tên đơn vị; tiêu đề Hội nghị và ngày tổ chức Hội nghị;
 
       VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
 
HỘI NGHỊ
TĂNG CƯỜNG GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG OAN, SAI
VÀ BẢO ĐẢM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI CHO NGƯỜI BỊ OAN
TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
 
                                              ............., ngày 02 tháng 6 năm 2015
 
4. Kinh phí tổ chức Hội nghị
Kinh phí tổ chức Hội nghị được sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của VKSND các cấp và hỗ trợ của dự án Chương trình đối tác tư pháp.
Trên đây là Kế hoạch tổ chức Hội nghị tăng cường giải pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự. Quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị cần phản ánh kịp thời về Văn phòng VKSND tối cao để báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao xem xét, giải quyết./.
 
  Nơi nhận:
- Đ/c Viện trưởng VKSND tối cao (để b/c);
- Các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao;
- VKSND cấp tỉnh (để thực hiện);
- Viện kiểm sát quân sự TW (để thực hiện);
- Các vụ: 1, 1A, 1B, 1C, 2, 3, 4, 7, VPT1, VPT2, VPT3 (các VKSND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh), Cục 6, Thanh tra,  Cục TKTP và CNTT (để thực hiện);
- Văn phòng VKSND tối cao;
- Lưu: VT.
KT. VIỆN TRƯỞNG
PHÓ VIỆN TRƯỞNG
 
 
 
(Đã ký)
 
 
 
Nguyễn Hải Phong
 
 
 

 

TÌM KIẾM