CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Về một số biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền
trong ngành Kiểm sát nhân dân 
Ngày 23 tháng 8 năm 2012, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ban hành Chỉ thị Về một số biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền trong ngành Kiểm sát nhân dân. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đăng toàn văn để các đơn vị thực hiện.
 

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
Số: 05/CT-VKSTC-TCKS
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨ VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 
Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2012

 
CHỈ THỊ
Về một số biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền
trong ngành Kiểm sát nhân dân 
Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân đã có những chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả rõ nét. Các cơ quan báo chí của ngành như: Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật, Trang thông tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích hoạt động của mình, phối hợp chặt chẽ hơn với các đơn vị trong ngành để thực hiện công tác tuyên truyền. Các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Viện kiểm sát quân sự các cấp cũng đã tích cực tham gia, phối hợp với các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành, thực hiện công tác tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của ngành, phản ánh kịp thời, thường xuyên về hoạt động của Viện kiểm sát các cấp... Qua đó, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân thấy rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và những đóng góp của ngành Kiểm sát nhân dân vào công cuộc đổi mới đất nước, góp phần quan trọng để bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế, khiếm khuyết. Lãnh đạo một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền nên chưa quan tâm đúng mức đến công tác này; hoạt động báo chí của Ngành có lúc chưa định hướng được dư luận xã hội, phương thức tuyên truyền chưa phong phú, hình thức thể hiện chưa thực sự hấp dẫn; chất lượng một số bài báo chưa cao, nội dung còn đơn điệu, cá biệt có bài viết thông tin một chiều, thiếu chính xác. Chất lượng một bộ phận cán bộ, biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí của Ngành chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, nghiệp vụ báo chí cho các biên tập viên, phóng viên của các cơ quan báo chí trong ngành chưa được quan tâm đúng mức; việc quản lý, hướng dẫn hoạt động cho đội ngũ cộng tác viên chưa được coi trọng.
Để khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết trên; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu:
1. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự các cấp, các cơ quan báo chí của ngành cần nâng cao nhận thức về vai trò của công tác tuyên truyền, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành; thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác này, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, góp phần tích cực, có hiệu quả vào việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành.
2. Công tác tuyên truyền của ngành trong thời gian tới cần tập trung thông tin tuyên truyền kịp thời về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quan điểm mới, quy định mới có liên quan đến tổ chức và hoạt động của ngành; truyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, về việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp và kết quả các mặt hoạt động, công tác của các đơn vị trong toàn ngành, cổ vũ phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến, xây dựng hình ảnh người cán bộ kiểm sát trong sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp.
3. Thành lập Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân. Ban chỉ đạo có trách nhiệm tham mưu cho Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về định hướng nội dung tuyên truyền, xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện các kế hoạch trọng tâm công tác tuyên truyền hàng năm của ngành; đề xuất cơ chế, chính sách, phương thức, biện pháp và việc đảm bảo các điều kiện để thực hiện công tác tuyên truyền; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị trong toàn ngành, tổng hợp tình hình, kết quả, báo cáo với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Tổ tuyên truyền để tham mưu, giúp việc cho Lãnh đạo đơn vị tổ chức thực hiện tốt công tác này.
4. Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật, Trang tin điện tử của Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải thực hiện tốt vai trò là các đơn vị nòng cốt trong công tác tuyên truyền của ngành; định hướng nội dung, phương thức hoạt động tuyên truyền cho các đơn vị; tiếp tục kiện toàn về tổ chức, hoạt động và tập trung thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng bài viết... cả về nội dung và hình thức thể hiện; chú trọng công tác quản lý, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm và đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, biên tập viên, phóng viên; tăng cường quản lý, hướng dẫn hoạt động cho các cộng tác viên.
5. Các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân các địa phương, Viện kiểm sát quân sự các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành; động viên, khuyến khích cán bộ của đơn vị tham gia viết bài, cộng tác với các cơ quan báo chí.
6. Viện kiểm sát các cấp tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông ở Trung ương và địa phương trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân.
Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị này. Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị./.
 

Nơi nhận:
- Lãnh đạo VKSNDTC;
- Viện kiểm sát Quân sự Trung ương;
- Các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao;
- Các VKSND tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Lưu VT, TCKS.
 -110b-
 
VIỆN TRƯỞNG
 
( Đã ký)
 
 
Nguyễn Hòa Bình
 

 
 
TÌM KIẾM