CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Tin hoạt động VKSND địa phương Quảng Ninh – Thái Nguyên – Nghệ An – Quảng Nam – Gia Lai

14/09/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Tin hoạt động VKSND địa phương ngày 14/9/2021 gồm những nội dung chính sau: VKSND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước thuộc ngành Kiểm sát nhân dân và sơ kết công tác 9 tháng năm 2021; VKSND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị triển khai chuyên đề nghiệp vụ; VKSND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quy chế phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm…

VKSND tỉnh Quảng Ninh: Ngày 10/9/2021, VKSND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước thuộc ngành Kiểm sát nhân dân và sơ kết công tác 9 tháng năm 2021.

Đồng chí Lương Phúc Sơn, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh chủ trì Hội nghị

Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Anh Tuyên, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh đã triển khai tập huấn các nội dung theo Quyết định số 247 ngày 06/8/2021 của VKSND tối cao ban hành quy định về bảo vệ bí mật nhà nước thuộc VKSND, chủ trì phần thảo luận, đồng thời giải đáp vướng mắc có liên quan đến nội dung triển khai quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Buổi chiều cùng ngày, đồng chí Lưu Văn Hưng, Chánh Văn phòng tổng hợp VKSND tỉnh đã báo cáo tóm tắt kết quả công tác 9 tháng năm 2021 bằng việc trình chiếu slide các kết quả nổi bật ở các khâu công tác. Đồng thời, nêu rõ những chỉ tiêu chưa đạt, những hạn chế, thiếu sót cần rút kinh nghiệm để phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác trong 3 tháng cuối năm 2021.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lương Phúc Sơn, Viện trưởng VKSND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước thuộc ngành Kiểm sát nhân dân; đồng thờikiểm điểm việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch công tác và những hạn chế, thiếu sót đã được tổng hợp, từ đó đề ra biện pháp khắc phục và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác 3 tháng cuối năm.

Cũng tại Hội nghị, đồng chí Lương Phúc Sơnđã phát động tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động VKS hai cấp đợt thi đua nước rút 3 tháng cuối nămđể đảm bảo hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch công tác năm 2021.

VKSND tỉnh Thái Nguyên: Ngày 10/9/2021, VKSND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị triển khai chuyên đề nghiệp vụ “Những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong việc áp dụng một số tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và giải pháp thực hiện”. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phùng Đức Tiến, Viện trưởng VKSND tỉnh nhấn mạnh, việc xây dựng chuyên đề triển khai đến các cán bộ, Kiểm sát viên là hết sức cần thiết, giúp cho Kiểm sát viên đúc rút được kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng phát hiện vi phạm của Tòa án trong việc giải quyết các vụ án hình sự, là phương pháp tự đào tạo, góp phần nâng cao năng lực, trình độ cán bộ, Kiểm sát viên.

Đồng chí Phùng Đức Tiến, Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên
phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tại Hội nghị, đồng chí Đàm Thị Hoàn, Trưởng phòng 7 đã  trình bày các nội dung chính của chuyên đề nghiệp vụ “Những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong việc áp dụng một số tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và giải pháp thực hiện” thông qua trình chiếu Powerpoint. Trong đó nêu rõ, các vụ án đã giải quyết hầu hết đều đảm bảo có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, không có trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội. Thông qua các phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm cho thấy đã có 2.380 bị cáo/2.395 bị cáo Hội đồng xét xử ở cấp sơ thẩm chấp thuận, đồng nhất với đề nghị của Viện kiểm sát về áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (chiếm 99,3%). Có 15 bị cáo/2.395 bị cáo đã xét xử quan điểm đề nghị áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự giữa VKS và Hội đồng xét xử có sự khác nhau (chiếm 0,6%). Trong thời điểm thực hiện chuyên đề, VKS hai cấp đã ban hành 8 kháng nghị phúc thẩm, 24 kiến nghị, trong đó có 1 kháng nghị và 3 kiến nghị đối với Tòa án liên quan đến việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đều được chấp nhận, tiếp thu. Báo cáo chuyên đề cũng đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại trong việc đề nghị áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nâng cao chất lượng các bản kháng nghị, kiến nghị trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phùng Đức Tiến, Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các đơn vị cần triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp trong chuyên đề đã nêu, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để báo cáo lãnh đạo Viện tháo gỡ kịp thời nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đơn vị và của ngành Kiểm sát Thái Nguyên.

VKSND tỉnh Nghệ An: Ngày 13/9/2021, VKSND tỉnh Nghệ An phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ “Kỹ năng chuyên sâu về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm tội phạm giết người, cố ý gây thương tích”. Lớp học được tổ chức theo hình thức trực tuyến, diễn ra trong thời gian 5 ngày.

Toàn cảnh Lễ khai giảng tại điểm cầu VKSND tỉnh Nghệ An

Phát biểu tại Lễ khai giảng, đồng chí Phan Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội nhấn mạnh, mục tiêu của lớp bồi dưỡng nhằm trang bị những kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác cho học viên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm tội phạm giết người, cố ý gây thương tích. Để đảm bảo chất lượng khóa học trong điều kiện giảng dạy, học tập theo hình thức trực tuyến, đồng chí yêu cầu các học viên chấp hành nghiêm nội quy, quy định của Nhà trường và của Ngành. Trong quá trình học tập, học viên cần chủ động nghiên cứu tài liệu, tích cực tương tác với giảng viên, đưa ra những tình huống, vấn đề khó khăn, vướng mắc tại địa phương để cùng trao đổi, thảo luận. Đối với các giảng viên, cần kết hợp tài liệu bồi dưỡng và kinh nghiệm thực tiễn để truyền đạt, trao đổi, giải đáp thấu đáo những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác kiểm sát, giúp cho học viên dễ tiếp thu và vận dụng có hiệu quả trong thực tiễn công tác.

Thay mặt lãnh đạo, công chức VKSND tỉnh Nghệ An, đồng chí Tôn Thiện Phương, Viện trưởng VKSND tỉnh gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban giám hiệu Nhà trường cùng đội ngũ giảng viên và mong muốn nhận được quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà trường trong quá trình diễn ra lớp học.

VKSND tỉnh Quảng Nam: Ngày 11/9/2021, VKSND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Quy chế phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.

Báo cáo sơ kết nêu rõ: Ngày 09/4/2018, VKSND và Tòa án nhân dântỉnh đã ký kết Quy chế số 01/QCPH-VKS-TA về phối hợp trong việc tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm. Từ đó đến nay, VKSND và Tòa án nhân dânhai cấp đã phối hợp tổ chức được 975 phiên tòa rút xét xử kinh nghiệm. Hai ngành đã tăng cường trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trong việc tổ chức các phiên tòa xét xử. Thông qua việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp, kỹ năng của Kiểm sát viên và Thẩm phán, Thư ký được nâng lên rõ rệt, từng bước đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.

Hội nghị đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý củacác đồng chí lãnh đạo cũng như Thẩm phán, Kiểm sát viên hai cấp tỉnh Quảng Nam về việc sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp, đồng thời thống nhất ký kết quy chế tổ chức các phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm.

Lãnh đạo VKSND và Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam ký kết quy chế sửa đổi, bổ sung
quy chế phối hợp trong việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm

Thay mặt lãnh đạo liên ngành, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Viện trưởng VKSND tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị, ghi nhận những kết quả đạt được trong việc phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp trong 3 năm qua. Đồng chí nhấn mạnh, đây là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của Kiểm sát viên, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng điều hành phiên tòa, chất lượng xét xử của Thẩm phán, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới. Đồng chí mong rằng, VKSND và Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa trong việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, góp phần tích cực trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hộitại địa phương.

VKSND huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai: Trong thời gian từ ngày 17/6/2021 đến 8/7/2021, VKSND huyện Kông Chro đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của 15 hồ sơ thi hành án dân sự. Quá trình xác minh nhận thấy, một số cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án cung cấp thông tin không chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Cụ thể:

Theo quyết định thi hành án số 02/QĐ-CCTHA ngày 12/10/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kông Chro, ông Nguyễn Văn Ng phải thi hành khoản tiền trả nợ cho bà Trần Thị Tr số tiền 9.000.000 đồng có điều kiện thi hành án. Qua xác minh, xác định ông Nguyễn Văn Ng có 3 thửa đất sản xuất nông nghiệp nhưng từ năm 2016 đến nay, Chi cục Thi hành án dân sự huyện nhiều lần tiến hành xác minh tại Văn phòng đăng ký đất đai huyện Kông Chro và UBND xã Chơ Long, huyện Kông Chro đều xác định ông Nguyễn Văn Ng không có tài sản hoặc có đất đai nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại công văn số 150/CNVPĐKĐĐ ngày 20/7/2020 của Văn phòng đăng ký đất đai huyện Kông Chro xác định: Ông Nguyễn Văn Ng không có đất đai đăng ký tại huyện Kông Chro.

Các biên bản xác minh tại UBND xã Chơ Long, huyện Kông Chro đều xác nhận ông Nguyễn Văn Ng có đất và nhà ở nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Việc cung cấp thông tin không chính xác theo quy định pháp luật nêu trên đã dẫn đến việc tổ chức thi hành án tồn đọng, kéo dài, giảm hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật nói chung và thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nói riêng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.

Để đảm bảo hoạt động thi hành án dân sự, hành chính được thực hiện nghiêm chỉnh, đúng quy định của pháp luật, Viện trưởng VKSND huyện Kông Chro đã ban hành Kiến nghị phòng ngừa số 03/KN-VKS đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kông Chro tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền như: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và các cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Sau khi nhận được kiến nghị trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kông Chro đã ban hành Công văn số 2431/UBND-NC chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm kiến nghị của Viện kiểm sát, đồng thời khẩn trương xử lý vụ việc mà Viện kiểm sát đã phản ánh theo đúng quy định pháp luật.

HQ (tổng hợp)
Tìm kiếm