CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

15/01/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

Tăng mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Các hình thức xử phạt chính đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 01 tháng đến 12 tháng; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng. Trong đó, mức phạt tiền đối trong hình thức phạt tiền theo Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được quy định như sau:

- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 36 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 05 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân. Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP để xử phạt.

- Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức và 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân.

Mức phạt này đã tăng so với quy định trước đây tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 145/2016/NĐ-CP: Mức phạt tiền tối đa với tổ chức vi phạm là 2.000.000.000 đồng; với cá nhân vi phạm là 1.000.000.000 đồng.

- Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được áp dụng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 15, khoản 2 và khoản 4 Điều 30, khoản 3 và khoản 5 Điều 39 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Nghiêm cấm sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán

Theo quy định tại Điều 35 Nghị định này, hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền gấp 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này để xử phạt.

Ngoài ra, đối tượng có hành vi vi phạm còn có thể bị xử phạt bổ sung:

- Đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có hành vi vi phạm.

- Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 18 tháng đến 24 tháng đối với người hành nghề chứng khoán có hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, đối tượng có hành vi vi phạm bị buộc nộp lại khoản thu trái pháp luật có được do sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán.

Vi phạm thao túng thị trường chứng khoán

Theo Nghị định, “thao túng thị trường chứng khoán” là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán, gồm một, một số hoặc tất cả các hành vi dưới đây:

1. Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.

2. Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo.

3. Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường.

4. Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán.

5. Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó.

6. Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Căn cứ Điều 35 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này để xử phạt.

Ngoài ra, đối tượng có hành vi thao túng thị trường chứng khoán có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 18 tháng đến 24 tháng…

Đáng chú ý, đối với hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm Nghị định số 156/2020/NĐ-CP có hiệu lực mà bị phát hiện hoặc xem xét ra quyết định xử phạt khi Nghị định số 156/2020/NĐ-CP đã có hiệu lực thì áp dụng quy định của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn.

Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành trước ngày Nghị định số 156/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 108/2013/NĐ-CP và Nghị định số 145/2016/NĐ-CP để giải quyết.

NTH
Tìm kiếm