CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022

24/11/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Thực hiện Phiên họp thứ 5, sáng ngày 23/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Tại Phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết việc bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra, trình Quốc hội xem xét vào tháng 5/2022; giao Chính phủ xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp tháng 3/2022 đồng thời với việc quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao Ủy ban Pháp luật hoàn chỉnh Nghị quyết về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 với nội dung như Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa biểu quyết, trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết
về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. 


 Trước đó, tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022); trường hợp thay đổi phạm vi để sửa đổi toàn diện Luật thì đề nghị Chính phủ chuẩn bị lại hồ sơ cho phù hợp. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, bổ sung, làm rõ ý kiến của các cơ quan của Quốc hội trong Báo cáo thẩm tra, khẩn trương tổ chức soạn thảo, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chậm nhất tại phiên họp tháng 3/2022.

Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), thông qua tại  Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội nhận thấy, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trước đây đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, sau đó điều chỉnh sang Chương trình năm 2020 để thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, khắc phục những vấn đề bất cập, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, ngày 06/3/2020, Chính phủ đã có Tờ trình số 75/TTr-CP về dự án Luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Tuy nhiên, qua xem xét ý kiến thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận “Tạm thời rút dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ra khỏi Chương trình kỳ họp thứ 9 để Chính phủ, ngành y tế tập trung dành thời gian cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng kết, đánh giá bổ sung, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng có liên quan, hoàn thiện hồ sơ bảo đảm chất lượng, tạo sự đồng thuận giữa các cơ quan có liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc bổ sung vào Chương trình trình Quốc hội sau khi xem xét, cho ý kiến về nội dung dự án Luật”.

Do đó, việc Chính phủ tiếp tục đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình năm 2022 là thực hiện đúng kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cũng như yêu cầu tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; bảo đảm kịp thời triển khai nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV./.

Bích Lan-Minh Thành (quochoi.vn)
Tìm kiếm