Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát được quy định tại Điều 21 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, là nội dung của nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Thực tiễn cho thấy, để phát hiện được vi phạm của Tòa án khi nghiên cứu, kiểm sát bản án, quyết định giải quyết các vụ việc dân sự trong khi Viện kiểm sát không kiểm sát lập hồ sơ của Tòa án, không tham gia phiên tòa xét xử, là một công tác rất khó khăn, đòi hỏi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên ngoài năng lực chuyên môn, còn phải thường xuyên nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Có những dạng vi phạm trong bản án, quyết định không phản ánh đầy đủ các tình tiết khách quan của vụ án, do đó khó phát hiện vi phạm trên thực tế...
Công tác kiểm sát những bản án, quyết định của Tòa án: Những dạng vi phạm khó phát hiện
Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát được quy định tại Điều 21 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, là nội dung của nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Thực tiễn cho thấy, để phát hiện được vi phạm của Tòa án khi nghiên cứu, kiểm sát bản án, quyết định giải quyết các vụ việc dân sự trong khi Viện kiểm sát không kiểm sát lập hồ sơ của Tòa án, không tham gia phiên tòa xét xử, là một công tác rất khó khăn, đòi hỏi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên ngoài năng lực chuyên môn, còn phải thường xuyên nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Có những dạng vi phạm trong bản án, quyết định không phản ánh đầy đủ các tình tiết khách quan của vụ án, do đó khó phát hiện vi phạm trên thực tế.
Vụ án thứ nhất: Bản án dân sự sơ thẩm số 28/2010/HNGĐ-ST ngày 28/6/2010 của Toà án nhân dân huyện X, giải quyết vụ "Yêu cầu ly hôn", giữa chị Lương Thị Như Hoa và anh Võ Minh Hoàng.
Tại bản án sơ thẩm nhận định: Chị Lương Thị Như Hoa và anh Võ Minh Hoàng tự nguyện kết hôn với nhau có đăng ký kết hôn. Tháng 4/2007, anh Võ Minh Hoàng bỏ đi khỏi địa phương, không có tin tức gì cho chị Hoa và gia đình, mặc dù chị Hoa đã yêu cầu đăng tin tìm người mất tích. Tòa án đã áp dụng đầy đủ những biện pháp theo quy định của pháp luật. Nhưng cho đến nay vẫn không có tin tức gì về việc anh Hoàng còn sống hay đã chết. Điều này thể hiện tình cảm vợ chồng anh Hoàng không còn yêu thương chị Hoa. Do đó, yêu cầu xin ly hôn của chị Hoa được chấp nhận.
Với những tình tiết, nội dung theo nhận định như nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án xử cho chị Lương Thị Như Hoa được ly hôn với anh Võ Minh Hoàng.
Qua kiểm sát bản án, Viện kiểm sát nhận thấy trong trường hợp nêu trên, ngày 16/4/2010, theo yêu cầu của chị Lương Thị Như Hoa, Tòa án nhân dân huyện X đã tuyên bố anh Võ Minh Hoàng mất tích (Quyết định giải quyết việc dân sự số 04/2010/QĐGQ-VDS ngày 16/4/2010 của Tòa án nhân dân huyện X) - tình tiết này không được phản ánh trong bản án sơ thẩm.
Việc anh Võ Minh Hoàng bị Tòa án tuyên bố mất tích, là căn cứ để cho ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, khi chị Lương Thị Như Hoa có đơn xin ly hôn.
Tuy nhiên, tại bản án sơ thẩm không thể hiện nội dung anh Võ Minh Hoàng đã bị tuyên bố mất tích, là không phản ánh đầy đủ các tình tiết khách quan của vụ án, không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 về căn cứ để cho ly hôn.
Vụ án thứ hai: Quyết định đình chỉ số 02/2010/QĐST-DS ngày 18/5/2010 của Tòa án nhân dân huyện T, giải quyết vụ kiện “tranh chấp về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm” giữa anh Lê Hồng Vương, Mai Viết Hưng, Mai Viết Hùng, Nguyễn Luận.
Nội dung vụ án: Theo đơn khởi kiện đề ngày 03/5/2010, nguyên đơn là anh Lê Hồng Vương khởi kiện yêu cầu Toà án buộc bị đơn là các anh Mai Viết Hùng, Nguyễn Luận, Mai Viết Hưng phải bồi thường cho anh Vương số tiền 5.059.000 đồng. Hai khoản thiệt hại về sức khoẻ và tài sản.
Toà án cấp sơ thẩm đã thụ lý vụ án trên để giải quyết theo thẩm quyền và tại Thông báo thụ lý vụ án số 07/TB-TLVA ngày 4/5/2010, Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 02/2010/QĐST-DS ngày 18/5/2010, Toà án chỉ xác định và thông báo thụ lý vụ án với quan hệ pháp luật là “tranh chấp về bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm” mà không đề cập đến nội dung yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản.
Do vậy, trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, Tòa án quyết định sung vào ngân sách Nhà nước số tiền tạm ứng án phí mà nguyên đơn đã nộp.
Trong vụ án này, theo như yêu cầu của nguyên đơn trong đơn khởi kiện thì quan hệ pháp luật là “tranh chấp về bồi thường thiệt hại do sức khoẻ, tài sản bị xâm phạm”, được quy định tại Điều 608, 609 của Bộ luật Dân sự.
Lẽ ra, trong Thông báo thụ lý vụ án, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án Tòa án phải xác định quan hệ pháp luật giải quyết trong vụ án đầy đủ là "tranh chấp về bồi thường thiệt hại do sức khỏe và tài sản bị xâm phạm" mới đúng yêu cầu của nguyên đơn.
Việc Toà án cấp sơ thẩm chỉ xác định quan hệ pháp luật là “tranh chấp về bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm”, trong thông báo thụ lý, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, là không đầy đủ như yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không phản ánh đầy đủ tình tiết khách quan của vụ án.
Trong trường hợp này, nếu chỉ nghiên cứu, kiểm sát thông báo thụ lý vụ án, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án thì sẽ xác định được việc Tòa án buộc đương sự nộp tiền tạm ứng án phí với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, sau đó sung vào ngân sách Nhà nước số tiền đó khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện, là không đúng quy định tại khoản 6 Điều 11 Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án.
Chỉ khi nghiên cứu hồ sơ mới phát hiện trong vụ án nguyên đơn có cả yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm và với yêu cầu này, nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí là đúng quy định của pháp luật.
Trong trường hợp hai vụ án nêu trên, nếu chỉ kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án của Tòa án mà không xem xét các tình tiết quan trọng khác có trong hồ sơ vụ án thì những vi phạm mà Viện kiểm sát phát hiện thông qua kiểm sát bản án, quyết định đều không đúng với thực tiễn khách quan được phản ánh trong hồ sơ. Nếu Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm chỉ trên cơ sở bản án, quyết định của Tòa án thì sẽ dẫn đến sai lầm, không đúng với các tình tiết được phản ánh trong hồ sơ vụ án.
Từ những vi phạm phát hiện qua kiểm sát bản án, quyết định, được xem xét kiểm tra lại qua nghiên cứu toàn diện, đầy đủ hồ sơ như đã nêu ở trên cho thấy:
Về nguyên tắc thìbản án, quyết định giải quyết vụ án của Tòa án phải bảo đảm thể hiện đầy đủ nội dung, các tình tiết khách quan của vụ án, cũng như các tình tiết quan trọng có tính chất quyết định làm căn cứ để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều trường hợp bản án, quyết định giải quyết vụ án của Tòa án không phản ánh đầy đủ các tình tiết khách quan của vụ án nên quyết định giải quyết vụ án trong bản án, quyết định không phù hợp với những nội dung được nêu trong chính bản án, quyết định đó nhưng lại phù hợp với các tình tiết có trong hồ sơ vụ án.
Do vậy, khi thực hiện kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án, đối với những trường hợp có nghi vấn về việc bản án, quyết định không thể hiện đầy đủ nội dung khách quan của vụ kiện như các trường hợp tương tự nêu trên, để có căn cứ vững chắc trong quá trình thực hiện kháng nghị, kiến nghị; Kiểm sát viên, Kiểm tra viên hoặc chuyên viên cần thận trọng xem xét lại các vi phạm này trước khi tham mưu cho Lãnh đạo Viện kiến nghị hoặc kháng nghị. Để bảo đảm cho kiến nghị và kháng nghị của Viện kiểm sát là có căn cứ, đúng pháp luật, cần yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ để nghiên cứu. Qua đó, các vi phạm đã phát hiện khi thực hiện kiểm sát bản án, quyết định sẽ được kiểm chứng lại trên cơ sở các tình tiết khách quan có trong hồ sơ vụ án, bảo đảm việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị có chất lượng, có căn cứ, đúng pháp luật.
Nguyễn Thành Duy