Công tác thực hành quyền công tố
và kiểm sát các hoạt động tư pháp
* Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên có Thông báo số 04 ngày 01/10 năm 2010, kinh nghiệm về kiểm sát bản án hôn nhân gia đình của cấp huyện, nêu nội dung sai sót trong việc quyết định cấp dưỡng nuôi con, lệ phí, án phí…
Bản án sơ thẩm số 09/HNGĐ-ST ngày 13/7/2010, của TAND huyện Tuy An giải quyết vụ kiện “Xin ly hôn” Giữa: Nguyên đơn: Trương Thị Giao, Bịđơn: Phan Văn Dỡn ( cùng trú tại thôn Phú Sơn, xã An Ninh Đông, Tuy An, Phú Yên), Tòa án căn cứ các Điều 90,92,94,95,97 và Điều 98 Luật hôn nhân gia đình năm 2000, tuyên xử về quan hệ hôn nhân, tài sản và quyền kháng cáo của các đương sự trong vụ án.
Trong đó phần con chung bản án tuyên: Giao 3 con chung là Phan Văn Quàng – Sinh 10/4/1994, Phan Thị Ngọc- Sinh 20/2/1996 và Phan Văn Thạch- Sinh 08/3/2001 cho chị Giao tiếp tục nuôi dưỡng. Anh Phan Văn Dỡn có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi 3 con chung mỗi tháng 900.000 đồng, thời gian cấp dưỡng kể từ tháng 7/2010 cho đến khi phát sinh thuộc một trong các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng quy định tại Điều 61, Luật HNGĐ.
Qua kiểm sát Viện kiểm sát huyện Tuy An thấy quyết định của Tòa án không cụ thể mức cấp dưỡng cho từng đứa con, nên sẽ gây khó khăn trong việc thị hành án khi có phát sinh một trong các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng quy định tại điều 61 Luật HNGĐ năm 2000, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, cũng như nghĩa vụ của người được cấp dưỡng và người phải cấp dưỡng. Từ những thiếu sót trên Viện trưởng VKSND huyện Tuy An đã ban hành kháng nghị phúc thẩm đề nghị TAND tỉnh Phú Yên xét xử theo thủ tục phúc thẩm, sửa phần quyết định về cấp dưỡng nuôi con chung. Tòa án nhân dân Phú Yên đã xử và chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát sửa án sơ thẩm về phần cấp dưỡng nuôi con, quyết định buộc anh Dỡn phải phụ cấp nuôi 02 con chung, mỗi con 300.000đ/01 tháng.
Từ vụ án trên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên có thông báo để Viện kiểm sát cấp huyện rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện những vụ án có vi phạm tương tựđể kháng nghị bảo vệ quyền lợi của các đương sự, đảm bảo pháp luật được thi hành thống nhất, nâng cao chất lượng kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự.
* Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang có Thông báo số 2226/TB ngày 20/10/2010, rút kinh nghiệm việc giải quyết trách nhiệm dân sự trong hình sự, thông qua việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm vụ án Trương Văn Lên, phạm tội “Vô ý làm chết người”:
Tại bản án sơ thẩm số 19/2010/HSST ngày 06/5/2010, cuả Tòa án nhân dân huyện Tri Tôn, áp dụng khoản 1 Điều 98, điểm h,p khoản 1 Điều 46; Điều 60 và Điều 42 BLHS; điểm b khoản 2, Điều 76 BLTTHS; Điều 610, Điều 307 Bộ luật dân sự và áp dụng Nghị quyết số 02/2000/NQ- HĐTP ngày 23/12/2000, Nghị quyết số 01/2004/NQ- HĐTP ngày 28/4/2004 của Tòa án nhân dân tối cao, xử phạt Trương văn Lên, 01 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 3 năm. Bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho chị Trần Thị Kim Xuân do anh Cao Thành Lập (chồng bị hại) đại diện, số tiền 36.785.000 đồng. Anh Lập đã nhận 12.220.000 đồng, còn phải bồi thường thêm 24.585.000 đồng. Cấp dưỡng nuôi hai cháu Cao Thị Thanh Ngân và Cao Thị Thảo, mỗi tháng bằng 50% mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định, kể từ khi án có hiệu lực thi hành đến khi hai cháu đủ 18 tuổi. Ngoài ra bản án còn tuyên về phần án phí và xử lý vật chứng.
Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã xử tuyên hủy phần quyết định dân sự và án phí dân sự trong bản án sơ thẩm số 19/2010/HSST ngày 06/5/2010 cuả Tòa án nhân dân huyện Tri Tôn, giao toàn bộ hồ sơ để xét xử sơ thẩm lại vụ án về phần dân sự theo thủ tục chung vì có những thiếu sót, vi phạm trong quá trình truy tố, xét xử như:
- Về trách nhiệm dân sự: Sau khi vụ án xảy ra anh Trương Văn Lên và ông Huỳnh Văn Nghi cùng thỏa thuận lập cam kết bồi thường cho gia đình bị hại là 35 triệu đồng (anh Lên và ông Nghi mỗi người chịu 50%).
Khi xét xử, Tòa án không đưa ông Nghi tham gia tố tụng với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Về áp dụng pháp luật: Tại điểm a, tiểu mục 2, phần II Nghị quyết số 03/2006/NQ- HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, có nêu: “Thời điểm cấp dưỡng được xác định kể từ thời điểm tính mạng bị xâm phạm”. Như vậy, trong vụ án này phải tính từ ngày chị Xuân chết là ngày 23/12/2009, nhưng Bản án sơ thẩm lại xác định kể từ khi án có hiệu lực pháp luật là chưa chính xác, gây thiệt hại cho người được cấp dưỡng.
-Về áp dụng căn cưa pháp luật: Trong phần Quyết định của bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử áp dụng Nghị quyết số 01/2004/NQ- HĐTP ngày 28/4/2004 của Tòa án nhân dân tối cao đã hết hiệu lực pháp luật và đã được thay thế bằng Nghị quyết 03/2006/NQ- HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổng hợp, đăng nội dung để Viện kiểm sát các cấp tham khảo rút kinh nghiệm.
Thu Hương.