CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự: Viện kiểm sát tham gia tất cả vụ án dân sự?

30/11/2010
Cỡ chữ:   Tương phản
Sáng 25/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS). Qua hơn 5 năm thi hành BLTTDS, một số quy định đã bộc lộ hạn chế, bất cập, có những quy định mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác, hoặc còn chưa phù hợp, chưa đầy đủ và thiếu rõ ràng.
Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự: Viện kiểm sát tham gia tất cả vụ án dân sự?
Sáng 25/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS). Qua hơn 5 năm thi hành BLTTDS, một số quy định đã bộc lộ hạn chế, bất cập, có những quy định mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác, hoặc còn chưa phù hợp, chưa đầy đủ và thiếu rõ ràng. Dự thảo Luật lần này bổ sung và bãi bỏ 61 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung 43 điều; bổ sung 12 điều, bãi bỏ 6 điều sẽ góp phần bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giải quyết những vụ án dân sự nhanh chóng, chính xác. Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba khẳng định: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS là cần thiết, sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập trong thi hành BLTTDS, đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp. Đa số các đại biểu đồng tình đánh giá, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung lần này đã được chuẩn bị công phu trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn áp dụng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Thảo luận về các vấn đề cụ thể trong dự thảo Luật, các đại biểu đã đi sâu phân tích các nội dung: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự; Hội đồng định giá; Thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự…
Đa số các đại biểu tán thành với việc sửa đổi Điều 21 của BLTTDS  theo hướng Viện kiểm sát nhân dân sẽ tham gia 100% các vụ án dân sự. Đại biểu Đặng Văn Khanh (TP.Hà Nội) ủng hộ quan điểm “việc dân sự cốt ở hai bên”. Tuy nhiên, từ khi BLTTDS có hiệu lực pháp luật, qua hoạt động thực tế đã bộc lộ rất nhiều bất cập cần thiết phải sửa đổi bổ sung, trong đó có vai trò của Viện kiểm sát tham gia trong quá trình tố tụng dân sự. Theo quy định tại Điều 21 của Luật Tố tụng Dân sự hiện hành thì Viện kiểm sát chỉ tham gia các phiên tòa đối với những vụ án do Tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại. Điều này dẫn đến tình trạng hiện nay là rất nhiều trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập, xuất trình chứng cứ cho Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Thêm vào đó, rất nhiều trường hợp đương sự không thật sự am hiểu pháp luật để tự mình đưa ra lý lẽ, lập luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong khi đó không phải đương sự nào cũng có thể thuê luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và không phải trường hợp nào đương sự cũng có thể phát hiện được sự thiếu khách quan của Thẩm phán trong quá trình thu thập chứng cứ để khiếu nại và đề nghị Viện kiểm sát tham gia phiên tòa. Thực tế này dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự không được bảo vệ ngay từ cấp sơ thẩm và cũng là hệ quả của việc kháng cáo các vụ án dân sự ngày một nhiều. Vì vậy, đại biểu Khanh tán thành quy định Viện kiểm sát tham gia vào tất cả các phiên tòa, phiên họp về giải quyết các vụ án dân sự, vụ việc dân sự.
Các đại biểu Hà Công Long (Gia Lai), Hồ Văn Năm (Đồng Nai)… cũng nhất trí cao với việc sửa đổi Điều 21 của BLTTDS theo hướng Viện kiểm sát nhân dân sẽ tham gia 100% các vụ án dân sự. Về phát biểu của Viện kiểm sát tại phiên tòa, đại biểu Hà Công Long cho rằng, việc tham gia của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo việc xét xử được kịp thời và đúng pháp luật thì đương nhiên trong quá trình tham gia từ khi thụ lý vụ án cho đến phiên tòa sơ thẩm, Viện kiểm sát phải thể hiện quan điểm của mình trên cơ sở nghiên cứu đơn của đương sự, phát biểu của đương sự để đối chiếu với các quy định của Bộ luật Dân sự cũng như các văn bản pháp luật khác. “Tôi cho rằng sự phát biểu, đánh giá đó của Kiểm sát viên càng làm tăng thêm tính khách quan để Hội đồng xét xử nghiên cứu, cân nhắc, xem xét, quyết định”, đại biểu Hà Công Long nói.
Các đại biểu Phạm Quốc Anh, Hồ Văn Năm (Đồng Nai) đặt vấn đề, chức năng của Viện kiểm sát là ở đâu có xét xử, ở đó phải có vai trò của Viện kiểm sát để giám sát hoạt động xét xử của Tòa án. Các đại biểu đồng tình với quan điểm tăng cường sự có mặt của Viện kiểm sát để giám sát quá trình xét xử vụ việc dân sự.
Về quy định trao cho Toà án quyền huỷ quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác, một số ý kiến đại biểu đồng tình với quan điểm tại Tờ trình của TANDTC cho rằng: Trước đây, tại Điều 12 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 quy định trong quá trình xét xử vụ án dân sự, Tòa án có quyền huỷ quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác xâm phạm quyền lợi hợp pháp của đương sự trong vụ án mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Tuy nhiên BLTTDS năm 2004 đã bỏ quy định này. Từ những bất cập trên, các đại biểu cho rằng, việc Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung lần này bổ sung thêm thẩm quyền cho Toà án: “Khi xét xử vụ án dân sự, Tòa án có quyền huỷ quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác xâm phạm quyền lợi hợp pháp của đương sự trong vụ án mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết nhưng không trái với các quy định khác của pháp luật” là phù hợp với tình hình thực tiễn.
Hoàng Long
Tìm kiếm