CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiến nghị khắc phục vi phạm trong xét xử vụ án hình sự

22/03/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Công tác kiến nghị khắc phục vi phạm trong xét xử vụ án hình sự là một trong những hoạt động thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân. Để nâng cao chất lượng công tác này, đòi hỏi Kiểm sát viên cần quán triệt, nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng; nắm vững các dạng vi phạm của Tòa án; đảm bảo chặt chẽ nội dung và hình thức của bản kiến nghị.

Kiến nghị khắc phục vi phạm trong xét xử vụ án hình sự, được quy định tại Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2014 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đây là quyền năng pháp lý mà Luật quy định chỉ Viện kiểm sát được thực hiện khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, trong đó có thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự. Vì thế, cùng với công tác kháng nghị phúc thẩm, công tác kiến nghị khắc phục vi phạm trong xét xử vụ án hình sự có ý nghĩa quan trọng.

Theo đó, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị đối với những hành vi, quyết định có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng nhằm khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật; nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của VKSND theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, VKSND hai cấp tỉnh Phú Yên đã thực hiện tốt công tác kiến nghị trong xét xử các vụ án hình sự của Tòa án, phát hiện nhiều vi phạm và ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu Tòa án sửa chữa, khắc phục vi phạm. Cụ thể: Kiến nghị của VKSND tỉnh Phú Yên đối với Chánh án một số Tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện do không gửi đầy đủ bản án hình sự sơ thẩm mà Tòa án đã xét xử, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm của Viện kiểm sát; vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ, áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cho bị cáo hưởng án treo và xử lý vật chứng… Cũng trong năm 2020, VKSND tỉnh Phú Yên đã tổng hợp những vi phạm trong xét xử các vụ án hình sự của Tòa hình sự TAND tỉnh và các TAND huyện, thị xã, thành phố, trong đó nổi lên một số vi phạm sau: Vi phạm trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự (không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; hoặc áp dụng một tình tiết vừa là tình tiết định tội, định khung hình phạt, vừa là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự); vi phạm trong việc áp dụng các quy định về án treo (cho hưởng án treo không đúng; không tuyên hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách của người phạm tội được hưởng án treo…); không ra quyết định phân công Thẩm phán; vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử và thông báo việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử; vi phạm trong việc giao, gửi quyết định của Tòa án…

Các kiến nghị đều có căn cứ, bảo đảm được yêu cầu về nội dung và hình thức, nêu rõ những vi phạm và những nội dung kiến nghị, được Tòa án chấp nhận. Qua đó, đã bảo đảm cho việc xét xử của Tòa án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời; góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Để đạt được những kết quả nói trên, trước hết là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của VKSND tối cao và lãnh đạo VKSND tỉnh Phú Yên đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự nói chung, công tác kiến nghị khắc phục vi phạm trong xét xử án hình sự của Tòa án nói riêng. Kế hoạch công tác kiểm sát hàng năm của VKSND tỉnh Phú Yên đều xác định công tác kiến nghị là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời coi công tác kiến nghị là một chỉ tiêu trong việc bình xét thi đua.

VKSND hai cấp tỉnh Phú Yên đã được quán triệt, nghiên cứu và nắm vững ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiến nghị. Kiểm sát viên luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt vai trò đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, bảo đảm việc xét xử của Tòa án đúng người, đúng pháp luật. Từ đó, đã thực hiện tốt công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, phát hiện nhiều vi phạm và ban hành nhiều kiến nghị có chất lượng.

VKSND tỉnh Phú Yên cũng rất quan tâm đến công tác sơ kết, tổng kết, xây dựng các báo cáo chuyên đề, thông báo rút kinh nghiệm… Qua đó, đã giúp cho các Kiểm sát viên nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự nói chung, công tác kiến nghị khắc phục vi phạm trong xét xử vụ án hình sự nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác kiến nghị cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa chú trọng thực hiện các biện pháp nhằm phát hiện vi phạm; công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án có lúc, có nơi chưa kịp thời nên không phát hiện được vi phạm để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Viện xem xét việc kiến nghị yêu cầu Tòa án sửa chữa, khắc phục vi phạm; Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự có nhiều quy định mới nhưng việc giải thích, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời, không đầy đủ. Nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng hai Bộ luật này chưa được giải quyết hoặc được giải quyết nhưng chưa sát với thực tế, gây khó khăn trong quá trình áp dụng.

Để nâng cao chất lượng công tác kiến nghị khắc phục vi phạm trong xét xử vụ án hình sự trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiến nghị khắc phục vi phạm trong xét xử án hình sự: Theo Điều 13 Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự ban hành kèm theo quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy chế số 505): “Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự, nếu phát hiện vi phạm pháp luật, thiếu sót của Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thì Viện kiểm sát thực hiện việc kiến nghị để khắc phục vi phạm pháp luật và phòng ngừa vi phạm, tội phạm theo Điều 5 Luật tổ chức VKSND và quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Việc kiến nghị có thể theo từng vụ việc cụ thể hoặc tổng hợp nhiều vi phạm để kiến nghị nhưng phải kịp thời. Kiến nghị có thể bằng văn bản hoặc trao đổi trực tiếp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm, thiếu sót. Trường hợp kiến nghị tổng hợp nhiều vi phạm thì phải bằng văn bản…”.

Kiến nghị là một trong những hoạt động tố tụng đặc thù trong quá trình thực hiện thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND. Do đó, kiến nghị khắc phục vi phạm trong xét xử án hình sự vừa là trách nhiệm, đồng thời là quyền năng pháp lý quan trọng mà Luật chỉ giao cho VKSND thực hiện. Vì vậy, để thực hiện tốt công tác kiến nghị, Kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự cần phải nghiên cứu, quán triệt đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng và các quy định của pháp luật về kiến nghị của Viện kiểm sát.

Việc tăng cường và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiến nghị khắc phục vi phạm trong xét xử án hình sự là nhằm đảm bảo những vi phạm pháp luật của Tòa án được sửa chữa, khắc phục kịp thời, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, là nhiệm vụ quan trọng để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử  hình sự. Do vậy, cần coi đây là một trong những chỉ tiêu nghiệp vụ trong kế hoạch công tác kiểm sát hàng năm, đồng thời xem đây là một tiêu chí khi bình xét thi đua.

Hai là, tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo đối với công tác kiến nghị nói chung, công tác kiến nghị khắc phục vi phạm trong xét xử vụ án hình sự nói riêng. Kinh nghiệm cho thấy, ở đơn vị nào mà lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho Kiểm sát viên và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, rút kinh nghiệm thì chất lượng, hiệu quả công tác kiến nghị khắc phục vi phạm ở đơn vị đó được nâng cao.

Ba là, nâng cao trách nhiệm của Kiểm sát viên, xác định chính xác những vi phạm của Tòa án để kiến nghị: Kiến nghị khắc phục vi phạm trong xét xử vụ án hình sự phải bảo đảm tính có căn cứ. Vì vậy, cần phải xác định chính xác vi phạm của Tòa án, được quy định tại điều, khoản nào của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và văn bản pháp luật có liên quan. Để làm tốt việc phát hiện vi phạm trong xét xử án hình sự của Tòa án, cần tập trung thực hiện các nội dung sau:

Nâng cao trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của Kiểm sát viên.  Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa là thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của VKSND, bảo đảm cho việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, bảo đảm việc xét xử của Tòa án đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời. Do đó, Kiểm sát viên phải nắm vững các quy định của pháp luật (Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và văn bản pháp luật có liên quan…), đối chiếu với việc áp dụng pháp luật của Tòa án trong xét xử án hình sự để phát hiện vi phạm.

Kiểm sát chặt chẽ bản án, quyết định của Tòa án là một trong những giải pháp quan trọng nhằm kịp thời phát hiện vi phạm. Khi gửi bản án, quyết định sơ thẩm cho Viện kiểm sát cấp trên phải có phiếu kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm theo đúng mẫu của VKSND tối cao. Phiếu kiểm sát do Kiểm sát viên tham gia phiên tòa sơ thẩm lập, trong đó nêu rõ ý kiến đề xuất của Kiểm sát viên; ý kiến của lãnh đạo đơn vị.

Mở sổ theo dõi, tổng hợp vi phạm trong xét xử các vụ án hình sự của Tòa án, thường xuyên cập nhật vi phạm, phản ánh đầy đủ, chính xác các vi phạm đã được phát hiện. Định kỳ tháng, quý, 06 tháng, hàng năm phải nhận xét, đánh giá về tính chất, mức độ vi phạm để báo cáo lãnh đạo Viện xem xét, quyết định việc kiến nghị theo từng vụ án, từng dạng vi phạm hay kiến nghị tổng hợp.

Bốn là, bảo đảm chặt chẽ về hình thức và nội dung của bản kiến nghị: Nội dung văn bản kiến nghị cần phân tích, chứng minh vi phạm của Tòa án một cách cụ thể, rõ ràng. Các vi phạm phải được xác định chính xác, tập hợp theo từng dạng, nêu rõ vi phạm điều, khoản nào của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và văn bản pháp luật có liên quan…, đồng thời trích dẫn chính xác điều luật làm căn cứ xác định vi phạm. Bên cạnh đó, cũng cần xác định nguyên nhân (chủ quan và khách quan) dẫn đến vi phạm.

Khi ban hành văn bản kiến nghị, cần chú ý đến thẩm quyền kiến nghị, đảm bảo việc kiến nghị chính xác, có tính khả thi; đồng thời cũng phải xem xét đến thẩm quyền, trách nhiệm của người bị kiến nghị trong việc tổ chức, rút kinh nghiệm và sửa chữa, khắc phục vi phạm. Sau khi kiến nghị, cần theo dõi việc sửa chữa, khắc phục vi phạm của Tòa án.

Ngoài những giải pháp đã nêu ở phần trên, chúng tôi xin đề xuất một số vấn đề sau:

Thứ nhất, thực tiễn thực hiện công tác kiến nghị trong thời gian qua cho thấy, khi ban hành văn bản kiến nghị khắc phục vi phạm trong xét xử án hình sự, các Viện kiểm sát địa phương xây dựng văn bản kiến nghị không theo mẫu thống nhất. Có đơn vị ban hành văn bản kiến nghị theo hình thức công văn; có đơn vị vận dụng theo mẫu của khâu công tác khác. Do đó, phần nào đã làm giảm hiệu quả của văn bản kiến nghị. Trong khi đó, ở một số khâu công tác khác như kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, VKSND tối cao đã ban hành mẫu văn bản kiến nghị. Vì vậy, đề nghị VKSND tối cao ban hành mẫu văn bản kiến nghị khắc phục vi phạm trong xét xử vụ án hình sự để các Viện kiểm sát địa phương thống nhất thực hiện.

Thứ hai, VKSND tối cao thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên sâu cho các VKSND địa phương về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự nói chung, công tác kiến nghị trong xét xử vụ án hình sự nói riêng; đồng thời có thông báo rút kinh nghiệm về công tác này để VKSND địa phương nghiên cứu, thực hiện./.

Hồ Ngọc Thảo

(kiemsat.vn)
Tìm kiếm