KIẾN NGHỊ KHẮC PHỤC VI PHẠM
TRONG CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT ÁN HÌNH SỰ
Thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng (Viện phúc thẩm 2) đã ban hành văn bản gửi Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Quảng Trị, Phú Yên yêu cầu khắc phục vi phạm trong công tác giải quyết các vụ án hình sự. Website Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung kiến nghị trên để bạn đọc tham khảo.
* Kiến nghị số số 20, ngày 05/01/2011 gửi Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị khắc phục vi phạm trong khi nghị án đối với vụ Phan Chí Lộc và các đồng phạm, bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”:
Tại biên bản nghị án, phần nội dung thảo luận về những vấn đề phải giải quyết chỉ thể hiện quan điểm của Hội thẩm nhân dân về các vấn đề cần giải quyết đối với vụ án, gồm tội danh, xử lý vật chứng, án phí, sau đó Hội đồng xét xử tiến hành biểu quyết luôn tất cả các vấn đề trên, mà không thể hiện ý kiến thảo luận và biểu quyết về từng vấn đề một. Trong phần quyết định của bản án sơ thẩm áp dụng Khoản 2, Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 139 Bộ luật hình sự tuyên bố các bị cáo Phan Chí Lộc, Nguyễn Thị Hòa không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, trong nội dung biên bản nghị án không thể hiện áp dụng điều luật nào của của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự.
Những việc làm trên đã vi phạm Điều 222 Bộ luật tố tụng hình sự, được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP, ngày 05/11/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về Chương XXII “Nghị án và tuyên án” của Bộ luật tố tụng hình sự, tại Điểm 1, Mục IV quy định: “Các thành viên của Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng biểu quyết theo đa số về từng vấn đề một...” và “Trong biên bản nghị án phải ghi lại các ý kiến đã thảo luận về từng vấn đề một và quyết định theo đa số của Hội đồng xét xử về từng vấn đềđó...”
* Kiến nghị số 32, ngày 12/01/2011 gửi Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên khắc phục vi phạm trong Thông báo việc kháng cáo. Tại Thông báo việc kháng cáo số 10/TB- KC, ngày 08/10/2010 của TAND tỉnh Phú Yên có nội dung: “...bị cáo La Thanh Hùng cùng đại diện hợp pháp kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt”. Tuy nhiên, theo tài liệu thống kê tại hồ sơ vụ án thì không có đơn kháng cáo của bị cáo La Thanh Hùng. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hùng khai không làm đơn kháng cáo. Như vậy đơn kháng cáo ngày 08/10/2010 của bà Trần Thị Liễu (mẹđẻ bị cáo La Thanh Hùng) là không hợp pháp, vì tại thời điểm xét xử sơ thẩm, bị cáo Hùng là người thành niên nên bà Trần Thị Liễu không có quyền kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Việc thông báo và và tiếp nhận thủ tục kháng cáo nêu trên của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên là không đúng quy định tại Điều 231 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) và Mục 1, Mục 3, Phần I Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP, ngày 08/12/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 231 BLTTHS quy định: “Bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm”
Mục 1(việc nhận kháng cáo và xử lý kháng cáo tại Tòa cấp sơ thẩm), Mục 3 (về chủ thể có quyền kháng cáo và giới hạn của việc kháng cáo), Phần I Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP, ngày 08/12/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn:
Chủ thể có quyền kháng cáo và giới hạn của việc kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm được xác định như sau: 1.1- Bị cáo, người đại diện hợp pháp (đại diện pháp luật) của bị cáo là người chưa thành niên...có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm; 3.1- Việc nhận kháng cáo và xử lý kháng cáo tại Tòa cấp sơ thẩm: a, Sau khi nhận được đơn kháng cáo, Tòa cấp sơ thẩm kiểm tra người làm đơn kháng cáo có thuộc chủ thể có quyền kháng cáo và nội dung kháng cáo có thuộc giới hạn của việc kháng cáo được quy định tại Điều 231 của BLTTHS và được hướng dẫn tại Mục 1, Phần 1 của Nghị quyết này hay không để tiến hành tiếp các công việc theo quy định của BLTTHS và hướng dẫn của Nghị quyết này...; đ, Trong trường hợp đơn kháng cáo là của người không có quyền kháng cáo thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, tòa án cấp sơ thẩm trả lại đơn cho người làm đơn. Việc trả lại đơn phải được thông báo bằng văn bản trong đó có ghi rõ lý do của việc trả lại đơn. Nếu trước đó việc kháng cáo này đã được thông báo theo quy định tại Điều 236 của BLTTHS và hướng dẫn tại Mục 6, phần I của Nghị quyết này thì thông báo trả lại đơn cũng phải được gửi cho những nơi đã có thông báo.
Viện phúc thẩm 2 yêu cầu Chánh án Tòa án tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm tra, chỉđạo rút kinh nghiệm và khắc phục vi phạm, thực hiện đúng quy định của BLTTHS và các văn bản hướng dẫn thi hành việc nhận kháng cáo và xử lý kháng cáo hình sự
Thanh Tâm