Thông qua công tác điểm báo tuần Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp xử lý thông tin báo nêu liên quan đến hoạt động kiểm sát, Web Viện kiểm sát nhân dân tối cao đăng toàn văn nội dung sau:
1. Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh số 297 ngày 01/11/2010 có bài: “Người bị hại phải đóng án phí?” của Tiến Hiểu. Nội dung bài viết nêu: Ngày 21/9/2010 Tòa án nhân dân huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Trộm cắp tài sản”, Hội đồng xét xử đã kết tội bị cáo H, đồng thời cũng buộc người bị hại là chị Hiền phải nộp gần 700 nghìn đồng án phí dân sự sơ thẩm do bác yêu cầu của chị Hiền đòi bị cáo phải bồi thường một số tài sản bị mất. Bài báo nêu ý kiến của một số chuyên gia pháp luật cho rằng: Trong vụ án này, người yêu cầu (chị Hiền) không phải là nguyên đơn, cũng không phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, mà là người bị hại thì họ có quyền yêu cầu bị cáo bồi thường theo ý chủ quan của họ, Tòa thấy không hợp lý hoặc không có bằng chứng chứng minh thì có quyền bác yêu cầu chứ không thể buộc người bị hại nộp án phí.
Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý
thông tin báo nêu liên quan đến hoạt động của
ngành Kiểm sát nhân dân
Thông qua công tác điểm báo tuần Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp xử lý thông tin báo nêu liên quan đến hoạt động kiểm sát, Web Viện kiểm sát nhân dân tối cao đăng toàn văn nội dung sau:
1. Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh số 297 ngày 01/11/2010 có bài: “Người bị hại phải đóng án phí?” của Tiến Hiểu. Nội dung bài viết nêu: Ngày 21/9/2010 Tòa án nhân dân huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Trộm cắp tài sản”, Hội đồng xét xửđã kết tội bị cáo H, đồng thời cũng buộc người bị hại là chị Hiền phải nộp gần 700 nghìn đồng án phí dân sự sơ thẩm do bác yêu cầu của chị Hiền đòi bị cáo phải bồi thường một số tài sản bị mất. Bài báo nêu ý kiến của một số chuyên gia pháp luật cho rằng: Trong vụ án này, người yêu cầu (chị Hiền) không phải là nguyên đơn, cũng không phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, mà là người bị hại thì họ có quyền yêu cầu bị cáo bồi thường theo ý chủ quan của họ, Tòa thấy không hợp lý hoặc không có bằng chứng chứng minh thì có quyền bác yêu cầu chứ không thể buộc người bị hại nộp án phí.
Yêu cầu Viện trưởng VKSND tỉnh Long An báo cáo VKSNDTC. Vụ 3 theo dõi.
2. Báo Pháp luật Việt Nam số 306 ngày 02/11/2010 có bài: “Nỗi oan chôn tuổi thanh xuân” của Khoa Lâm. Nội dung báo nêu: Sáu năm trôi qua với 2 vòng tố tụng và 4 phiên tòa, vụ án Cố ý gây thương tích “Ao Cầu Nẩy” xảy ra ngày 15/02/2004 tại xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ) vẫn chưa đi đến kết thúc thấu tình, đạt lý. Số phận pháp lý của các bị cáo Nguyễn Trường Đại, Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Đức Thuận vẫn bị treo trong vòng tố tụng bởi sau khi bị hủy để điều tra lại, các cơ quan tiến hành tố tụng không có bất cứ động thái nào chứng tỏ đang giải quyết vụ án.
Yêu cầu VKSND TP. Hà Nội kiểm tra, báo cáo VKSNDTC. Vụ 1A theo dõi.
3. Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh số 300 ngày 04/11/2010 có bài: “Không thể xử lý hình sự” phản ánh ý kiến của một số chuyên gia pháp luật về vụ án “Con bò lạc” xảy ra tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Vụ án bị Viện kiểm sát TP. Đà Lạt đình chỉ đối với các bị can với lý do không cần thiết phải xử lý hình sự. Tuy nhiên, sau đó Viện kiểm sát TP. Đà Lạt lại hủy các quyết định đình chỉ và phục hồi điều tra vì cho rằng hành vi của các đương sự có dấu hiệu phạm tội. Các ý kiến mà báo nêu cho rằng: Các đương sự trong vụ án trên không phạm tội và vụ án phải bị đình chỉ, bởi hành vi không thỏa mãn dấu hiệu của tội nào trong Bộ luật hình sự:
Yêu cầu VKSND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, báo cáo VKSNDTC. Vụ 1 theo dõi.
4. Báo Đời sống và pháp luật số 95 ngày 04/11/2010 có bài: “Cơ quan tố tụng quá tay” của P.V. Báo nêu về một vụ án đang được các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Điện Biên giải quyết, nội dung: Hai anh em Ly A Ly và Ly A Chía trú tại xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên dẫn người em họ Lý A Tủa đến cửa hàng xe máy Trải-Nguyệt ở chợ Bản Phủ, huyện Điện Biên, thỏa thuận mua chịu xe máy của chị Nguyệt- chủ Cửa hàng với điều kiện Ly, Chía đứng ra bảo lãnh cho Tủa, đến hạn Tủa không trả tiền thì Ly, Chía phải trả nợ thay. Đến thời hạn trả nợ, Tủa không trả nợ tiền, chị Nguyệt sau đó gặp Chía yêu cầu thực hiện cam kết và đã giữ xe máy của Chía, bảo khi nào có tiền thì mang đến trả và lấy xe về. Các cơ quan tố tụng huyện Điện Biên đã khởi tố, truy tố chị Nguyệt về tội “Cướp tài sản”, Tòa án huyện Điện Biên đưa vụ án ra xét xử, nhưng phải hoãn vì thiếu người làm chứng và dự kiến sẽ xét xử vào ngày 09/11/2010. Bài báo nêu ý kiến của một số chuyên gia pháp lý cho rằng: Đây thực chất là một quan hệ dân sự đang bị các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Điện Biên “Hình sự hóa”.
Yêu cầu VKSND tỉnh Điện Biên kiểm tra, chỉ đạo giải quyết và báo cáo VKSNDTC. Vụ 3 theo dõi.
5. Báo Tiền phong số 308 ngày 04/11/2010 có bài: “Có sót người, lọt tội?” của Nhóm PVTT. Nội dung báo nêu: Liên quan đến vụ xà xẻo tiền cứu trợ thiên tai ở tỉnh Lạng Sơn, VKSND tỉnh Lạng Sơn vừa có cáo trạng truy tố hai cán bộ ủy ban Mặt trận tổ quốc (UBMTTQ) tỉnh là Hoàng Thị Thiềm (Kế toán) và Hà Thị Loan (Thủ quỹ) về các hành vi cố ý làm trái và tham ô tài sản. Điều ngạc nhiên là một số quan chức có liên quan (như: Ông Ngô Xuân Từ, nguyên Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lạng Sơn, ông Nông Quốc Toản, nguyên Trưởng ban phong trào và hiện là Phó chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lạng Sơn) chưa bị xử lý, dù hành vi vi phạm của họ đã được làm rõ. Việc “Trảm quân, lơ tướng” trong vụ án này đang gây bức xúc trong dư luận địa phương.
Yêu cầu VKSND tỉnh Lạng Sơn kiểm tra, báo cáo VKSNDTC. Vụ 1B theo dõi.
6. Báo Thanh tra số 132 ngày 04/11/2010 có bài: “Một bản án gây bất bình lòng dân” của Hồng Bài. Nội dung báo nêu về vụ “Tranh chấp chia tài sản chung” tại khu 1, xã Văn Bán, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, tranh chấp mảnh đất do bố mẹ để lại và vợ chồng con trai Nguyễn Hữu Kiên-Phạm Thị Hải đang sử dụng đã được cấp giấy chứng nhận QSD đất năm 1999. Các bản án sơ thẩm số 02/2010/DSST ngày 06/01/2010 của Tòa án huyện Cẩm Khê và bản án phúc thẩm số 23/2010/DSPT ngày 11/5/2010 của Tòa án tỉnh Phú Thọ đều quyết định: Mảnh đất gia đình bà Hải đang sử dụng là di sản thừa kế chung và chia theo phần cho các bà Nguyễn Thị Thiềng, Nguyễn Thị Thực, Nguyễn Thị Nga… là anh chị em ruột với ông Kiên. Bà Hải không đồng tình với 2 bản án trên, đã viết đơn kiến nghị gửi Chánh án TAND tối cao, trong đơn còn có đại diện 47 chủ hộ ở xã Văn Bán và một số người có chức trách ở địa phương ký nhận đồng tình ủng hộ. Vụ án đang được dư luận địa phương rất quan tâm.
Yêu cầu VKSND tỉnh Phú Thọ báo cáo VKSNDTC. Vụ 5 theo dõi.
Website Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về tin báo liên quan đến hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân kỳ tiếp theo
Thu Hương