CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

NÉT KHỞI SẮC TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MA TUÝ CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

04/08/2011
Cỡ chữ:   Tương phản
Trước tình hình tội phạm ma tuý vẫn diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo các Chương trình phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội ngành Kiểm sát nhân dân đã xây dựng Kế hoạch số 13/KH-VKSTC-V1C ngày 15/3/2011, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy năm 2011 và ban hành một số văn bản hướng dẫn các hoạt động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy cho Viện kiểm sát nhân dân các cấp, đồng thời xây dựng Kế hoạch công tác cho từng quí. ..
 
 
NÉT KHỞI SẮC TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MA TUÝ
CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
 
Trước tình hình tội phạm ma tuý vẫn diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo các Chương trình phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội ngành Kiểm sát nhân dân đã xây dựng Kế hoạch số 13/KH-VKSTC-V1C ngày 15/3/2011, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy năm 2011 và ban hành một số văn bản hướng dẫn các hoạt động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy cho Viện kiểm sát nhân dân các cấp, đồng thời xây dựng Kế hoạch công tác cho từng quí.
Hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy của Thủ tướng Chính phủ phát động, ngày 27/5/2011 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Công văn hướng dẫn Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Viện kiểm sát quân sự và các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện.
Tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức hội thảo và xây dựng văn bản góp ý xây dựng các Dự thảo: Báo cáo công tác phòng, chống ma túy năm 2011 của Uỷ ban Quốc gia phòng chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý giai đoạn 2011 - 2015. Xây dựng báo cáo năm thứ 4 phối hợp phòng, chống ma túy vùng Tây Bắc; báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý 2006 – 2010 và đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia 2011 - 2015. Tổ chức Hội nghị sơ kết công tác giải quyết án ma tuý có đối tượng là người nước ngoài phạm tội tại thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức tọa đàm về “Kinh nghiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án ma tuý” khu vực Tây Bắc tại Yên Bái.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập trung cao độ cho giải quyết án, Vụ 1C đã thụ lí kiểm sát điều tra 21 vụ/84 bị can, tăng 02 vụ, giảm 84 bị can so với cùng kỳ năm 2010. Đã truy tố 09 vụ/66 bị can, chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử 04 vụ/28 bị cáo. Viện kiểm sát đã giám sát chặt chẽ các hoạt động điều tra và có yêu cầu điều tra vụ án kịp thời, đảm bảo việc giải quyết đúng hạn theo luật định. Đồng thời, nghiên cứu hồ sơ do Viện kiểm sát địa phương thỉnh thị, gia hạn, kịp thời cử Kiểm sát viên đến các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh nắm tình hình, hướng dẫn giải quyết một số vụ án phức tạp.
Các Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm đã thụ lý xét xử 119 vụ/208 bị cáo, đã tham gia xét xử phúc thẩm 86 vụ/141 bị cáo. Đã thụ lý nghiên cứu theo thủ tục giám đốc thẩm 17 vụ và 27 vụ án ma tuý có án tử hình; đã giải quyết xong 13 vụ giám đốc, 17 vụ có án tử hình. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử giám đốc thẩm 02 vụ án ma túy do Tòa án kháng nghị; ban hành 01 kiến nghị Toà án nhân dân tối cao khắc phục vi phạm.
Tại các Viện kiểm sát địa phương, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát cấp tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch và hướng dẫn Viện kiểm sát cấp dưới triển khai thực hiện công tác kiểm sát phòng, chống ma tuý, tổ chức các hoạt động: tăng cường phối hợp giải quyết án, tổ chức tuyên truyền. Các địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng tích cực cùng các ngành chức năng đẩy mạnh công tác xây dựng xã, phường không có ma tuý, vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới theo đề án, chương trình “5 không”, “3 có”; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An thực hiện tốt Qui chế phối hợp với các lực lượng Công an, Toà án, Bộ Đội biên phòng, Cảnh sát Biển. Viện kiểm sát nhân dân một số tỉnh vùng cao đã tham gia vận động bà con dân tộc ít người không tái trồng cây thuốc phiện, thay thế bằng các cây trồng khác, ổn định đời sống, không sử dụng chất ma tuý, không liên quan đến ma tuý.
Theo số liệu thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong 6 tháng qua (từ 01/01 đến 30/6/2011) Viện kiểm sát các cấp đã thụ lý kiểm sát điều tra 10.139 vụ/12.832 bị can, tăng 2.326 vụ (18,17%) và 2.704 bị can (27,38%) so với cùng kì năm 2010. Các tỉnh có án thụ lý cao là: Hà Nội 1.658 vụ, Tp Hồ Chí Minh 933 vụ, Sơn La 506vụ, Quảng Ninh 385 vụ, Nghệ An 379 vụ, Thanh Hóa 337 vụ, Hải Phòng 301vụ, Nam định 293 vụ, Điện Biên 228 vụ...
Viện kiểm sát đã quyết định truy tố 6.308 vụ/7.937 bị can. Viện kiểm sát các cấp thụ lí kiểm sát xét xử sơ thẩm 7.020 vụ/8.938 bị cáo; đã thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm 6.094 vụ/ 7.551 bị cáo. Đã thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm: 711 vụ/865 bị cáo; thụ lý xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm: 11 vụ/12 bị cáo; đã thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm 06 vụ/06 bị cáo.
Đặc biệt, việc tổ chức các xét xử lưu động được thực hiện tốt ở nhiều địa phương. Điển hình: Viện kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh đã thực hành quyền công tố xét xử 50 vụ; Nghệ An 54 vụ; Phú Thọ 38 vụ; Hải Phòng 29 vụ; Sơn La 24 vụ; Bắc Giang 23 vụ; Lào Cai, Hải Dương mỗi nơi 22 vụ; Đồng Nai 14 vụ; Nam Định 19 vụ; Bắc Ninh 10 vụ; Thái Bình 19 vụ; Đồng Tháp 09 vụ; Hoà Bình, Thanh Hoá, Bắc Giang và Tây Ninh mỗi nơi 08 vụ...
Viện kiểm sát nhân dân các cấp thường xuyên quan hệ với Trại tạm giam, Nhà tạm giữ kiểm soát chặt chẽ chống việc đưa ma tuý từ bên ngoài vào. Vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hình phạt tù  Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức kiểm sát tình hình phạm nhân nghiện ma tuý tại 22 Trại giam, như: Xuyên Mộc, Phước Hoà, Thanh Xuân, Đồng Sơn, Yên Hạ, Xuân Phước...Qua kiểm sát thấy 200 trường hợp vi phạm, trong đó có 24/28 phạm nhân bị truy tố, xét xử. Đã ban hành các bản kết luận kiến nghị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý người nghiện tại các Trại giam.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức tiếp nhận trang thiết bị Dự án “Tăng cường năng lực cho các cơ quan điều phối quốc gia về phòng, chống ma tuý tại Việt Nam” do Viện công tố tối cao Hàn Quốc tài trợ. Viện kiểm sát các tỉnh có chung đường biên giới như Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Lao Cai, Quảng Ninh, Lai Châu đều có cửa khẩu và đường biên giới, địa hình phức tạp nên rất quan tâm đến trao đổi thông tin, kinh nghiệm xử lí tội phạm ma túy với tỉnh bạn có chung đường biên giới. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết tốt các vụ án có bị can là người gốc Phi. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai phối hợp với cơ quan chức năng phòng, chống ma túy của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc phát hiện và xử lí vụ Dương Vạn Quách (quốc tịch Trung Quốc) vận chuyển trái phép 338,41 gam hêrôin trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Nhìn lại kết quả công tác phòng, chống ma tuý 6 tháng cho thấy các địa phương, đơn vị nghiệp vụ đã có nhiều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ theo Kế hoạch số 13/KH-VKSTC-V1C ngày 15/3/2011 về chỉ đạo công tác phòng chống ma tuý năm 2011, trong đó tập trung vào giải quyết án ma túy, tuyên truyền, góp ý xây dựng văn bản. Các hoạt động phòng, chống ma tuý đã được tiến hành bài bản, toàn diện hơn, làm thay đổi sự nhìn nhận, đánh giá của Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm cũng như các Bộ, ngành về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân đối với công tác phòng, chống ma tuý. 
Tuy nhiên, công tác phòng, chống ma tuý còn một số hạn chế như: các hoạt động phòng, chống ma tuý chưa được tổ chức đồng bộ ở một số địa phương, các đơn vị chỉ quan tâm đến nghiệp vụ giải quyết án, chưa kết hợp với tổ chức tuyên truyền, địa phương chưa tranh thủ được sự ủng hộ của chính quyền địa phương; công tác kiểm tra, hướng dẫn chưa được quan tâm đúng mức; việc thực hiện chế độ báo cáo chưa kịp thời. Nguyên nhân của những tồn tại trên là do: mối quan hệ giữa Viện kiểm sát nhân dân với các cơ quan chức chưa chặt chẽ; chế độ, chính sách đối với cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác phòng, chống ma tuý cũng như nghiệp vụ chưa được thường xuyên, nhất là ở các địa bàn trọng điểm về ma tuý.
Trong 6 tháng cuối năm toàn ngành Kiểm sát sẽ tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Tổ chức Hội thảo về quản lí người nghiện ma tuý tại 02 Trại giam. Tổ chức điều tra thống kê 05 năm về các vụ án ma tuý có bị can là người nước ngoài. Tổ chức Hội thảo quốc tế về phòng, chống tội phạm ma tuý và tương trợ tư pháp trong giải quyết các vụ án ma tuý có bị can là người nước ngoài. Tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác báo cáo thống kê phòng, chống ma tuý thực hiện Quyết định số 127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong toàn. Tổ chức sơ kết 03 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLN ngày 24/12/2007 của Toà án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Tư pháp và Bộ Công an hướng dẫn áp dụng một số qui định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma tuý” của BLHS năm 1999. Tổ chức kiểm tra công tác kiểm sát phòng chống ma tuý…
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma tuý, Viện kiểm sát các cấp phối hợp với cơ quan chức năng cầntăng cường hoạt động tuyên truyền, đưa giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý vào các trường học, có chính sách quản lí người nghiện ma tuý chặt chẽ hơn, việc cai nghiện bắt buộc phải thực hiện triệt để, đúng qui định; tăng cường trao đổi thông tin với các cơ quan Công an, Biên phòng, Hải quan về tình hình tội phạm, công tác phòng, chống ma tuý; tổ chức tập huấn liên ngành về Luật Tương trợ tư pháp, bồi dưỡng nghiệp vụ, cho Kiểm sát viên, nghiên cứu khoa học, trang thiết bị… cho công tác này./.             
Mai Nga
 
Tìm kiếm