CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Nhận diện một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội và giải pháp nâng cao chất lượng công tác đấu tranh đối với loại tội phạm này

09/03/2021
Cỡ chữ:   Tương phản

1. Nhận diện một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội

Trong thời gian qua, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong những tội phạm xảy ra phổ biến trong xã hội, chủ yếu xuất phát và ẩn giấu từ trong các giao dịch dân sự do đó thường khó phát hiện và ngăn ngừa. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản giờ đây không chỉ thông qua các hành vi vay, mượn tiền, tài sản đơn thuần mà đã biến tướng dưới nhiều dạng hành vi khác phức tạp và tinh vi hơn, đặc biệt là thông qua mạng xã hội.

Ở Việt Nam hiện nay rất nhiều mạng xã hội đang được sử dụng công khai với số lượng người sử dụng đông đảo như Facebook, Zalo, Instagram,… đó là điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc đăng ký và tạo lập các tài khoản một cách dễ dàng dẫn đến tình trạng rất nhiều tài khoản giả mạo, tài khoản ảo tồn tại tràn lan trên mạng xã hội, rất khó để kiểm soát và phân biệt được với các tài khoản thật. Bằng các chiêu trò như ứng dụng lừa đảo, đường link clip, hình ảnh nóng,… các đối tượng dễ dàng đánh cắp thông tin và chiếm quyền sử dụng (hack) tài khoản của người khác. Thông qua những tài khoản giả mạo và tài khoản thật bị chiếm quyền sử dụng, các đối tượng dễ dàng lấy được lòng tin của nhiều người, sau đó hỏi mượn, vay tài sản với mục đích chiếm đoạt, phổ biến nhất là hỏi vay tiền và nhờ nạp tiền điện thoại. Tinh vi hơn nữa, các đối tượng tạo thành một nhóm cùng đưa ra những thông tin giả một cách ăn khớp với nhau, làm cho nạn nhân không thể biết được thông tin nào là thật, thông tin nào là giả. Thực tế cho thấy, mặc dù dạng hành vi này không còn quá mới, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người trở thành nạn nhân.

Trong năm 2020, VKSND tỉnh Lạng Sơn đã và đang kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 04 vụ án, vụ việc về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến mạng xã hội, trong đó chủ yếu là hình thức hứa tặng quà, tiền ngoại tệ gửi từ nước ngoài về để yêu cầu chuyển tiền.

Điển hình là vụ việc Đ.L.T. tố giác bị đối tượng tự xưng là người Anh có tên tài khoản Facebook “Satya Neel Kamal Kamal” lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 6 tỷ đồng. T quen đối tượng này qua mạng xã hội Facebook và thường xuyên nói chuyện, trao đổi thông tin. Sau một thời gian quen nhau, đối tượng này nói sẽ gửi quà về Việt Nam cho T với giá trị lớn và không cần thanh toán tiền, vì vậy T tin tưởng. Tuy nhiên, sau đó T nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ tự nhận là nhân viên sân bay yêu cầu T nếu muốn nhận quà thì phải chuyển khoản để thanh toán các khoản như phí dịch vụ, phí phát sinh trong quá trình vận chuyển từ nước ngoài về… Do tin tưởng nên T đã nhiều lần chuyển tiền với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng, sau đó các đối tượng này biến mất, chiếm đoạt toàn bộ số tiền và không gửi quà cho T.

Dạng thủ đoạn này diễn ra rất nhiều trong thời gian qua trên phạm vi toàn quốc. Qua tổng hợp, dạng thủ đoạn này do 2 nhóm cấu kết với nhau cùng thực hiện. Nhóm thứ nhất là các đối tượng người nước ngoài, nhóm này có trách nhiệm tạo lập các tài khoản ảo, gắn mác là người giàu có, thành đạt và muốn làm quen, gửi tiền, quà tặng giúp đỡ những người Việt Nam đang gặp khó khăn. Sau khi khai thác được thông tin, nhóm này sẽ gửi cho nhóm thứ hai là các đối tượng người Việt Nam. Nhóm này đóng giả là nhân viên của đơn vị vận chuyển, sử dụng sim rác gọi xác nhận đã nhận được quà, hàng hóa, yêu cầu bị hại nộp các loại phí và chiếm đoạt.

Hậu quả từ thủ đoạn trên rất khó khắc phục. Sau khi nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu, số tiền này ngay lập tức được chuyển đi nhiều tài khoản khác. Xác minh về chủ các tài khoản tiền chuyển đến, những người này được một hoặc một số đối tượng không rõ lai lịch nhờ mở tài khoản và trả tiền công, sau đó các đối tượng sẽ sử dụng những tài khoản này. Sau khi tiền chuyển vào, các đối tượng có thể tẩu tán bằng nhiều hình thức khác nhau như chuyển đến tài khoản nước ngoài, chuyển đổi sang các dạng tài sản khác hoặc mua tiền ảo, vật phẩm ảo trong game làm dòng tiền biến mất. Vì khó xác định được dòng tiền đi đâu, không xác định được các đối tượng này là ai nên Cơ quan điều tra chưa thể xử lý.

Một hình thức khác là lừa đảo thông qua sàn giao dịch tiền ảo. Thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động đầu tư, kinh doanh, các sàn giao dịch tiền ảo có dấu hiệu hoạt động mạnh mẽ trở lại, tăng lên cả về số lượng người dùng và số lượng sàn giao dịch. Về phương thức hoạt động, khi đầu tư người dân phải sử dụng tiền thật để mua đồng tiền ảo, sau đó nạp tiền ảo này vào tài khoản của công ty sở hữu sàn giao dịch để mua tiền ảo nội bộ với các tên gọi khác nhau như “gem”, “xu”, “kim cương”, “thiên kim”,… Sau khi số lượng tiền ảo nạp vào đủ lớn, đối tượng đứng sau các sàn giao dịch sẽ đánh sập sàn hoặc đưa giá trị tiền ảo nội bộ (gem, xu, kim cương,…) tụt dốc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách hàng đã bỏ ra để mua tiền ảo nội bộ. Mặc dù đã xảy ra nhiều vụ việc lừa đảo liên quan đến sàn giao dịch tiền ảo, tuy nhiên hiện nay pháp luật Việt Nam không công nhận tiền ảo là phương thức thanh toán, là tài sản hay một loại hàng hóa, dịch vụ, vì vậy Cơ quan chức năng không có căn cứ để bảo vệ nạn nhân.

Có thể thấy, đặc điểm chung của những dạng thủ đoạn này cũng giống với các dạng lừa đảo khác đó là đánh vào lòng tham của các nạn nhân, như việc không cần mất phí vẫn nhận được phần quà giá trị lớn, đưa ra mức lãi suất đầu tư siêu lợi nhuận. Tuy nhiên, các dạng thủ đoạn này nguy hiểm và dễ dẫn dụ hơn rất nhiều vì thực hiện có hệ thống, có sự bàn bạc và câu kết thực hiện một cách bài bản, một số sàn giao dịch tiền ảo đã phát triển thành các ứng dụng (app) có thể đăng ký, nạp tiền, sử dụng dễ dàng ngay trên 1 chiếc điện thoại thông minh, khả năng tiếp cận dễ dàng với các ứng dụng này giúp cho các đối tượng có một số lượng “con mồi” đông đảo. Tính cá nhân trong việc sử dụng các ứng dụng khiến cho hành vi lừa đảo khó bị phát hiện hơn, người dùng khi bị thua lỗ thường không dám nói ra ngoài, có tâm lý cố gắng “hồi vốn” và ngày càng mất nhiều tiền cho các ứng dụng lừa đảo.

2. Giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội

Từ thực tiễn trên, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ việc, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần có sự đổi mới trong cả tư duy và cách thức tiếp cận. Kiểm sát viên cần kịp thời trang bị các kiến thức về công nghệ thông tin, về cách thức vận hành, hoạt động của các trang mạng xã hội và các sàn giao dịch điện tử. Gắn với từng vụ việc, vụ án cụ thể, Kiểm sát viên cần yêu cầu Điều tra viên, Cơ quan điều tra khẩn trương tiến hành các biện pháp phong tỏa tài khoản, đóng băng dòng tiền để ngăn chặn các đối tượng tẩu tán tài sản, hạn chế thiệt hại xảy ra; chủ động trao đổi với Điều tra viên thực hiện ủy thác điều tra, ủy thác tương trợ tư pháp với các cơ quan tố tụng nước ngoài để thu thập thông tin nhằm xác định đường đi của dòng tiền, đối tượng thu hưởng, qua đó xác định đối tượng và thực hiện các biện pháp thu hồi tài sản.

Dòng tiền trong các vụ án lừa đảo qua mạng xã hội biến động nhanh, di chuyển liên tục, khó kiểm soát, vì vậy cần yêu cầu Cơ quan điều tra, Điều tra viên thực hiện đầy đủ quy định tại khoản 5 Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự, thường xuyên cung cấp tài liệu cho Kiểm sát viên để nghiên cứu, nắm bắt tiến độ giải quyết, xác định những vấn đề cần tiếp tục điều tra. Về quy định này, cần tiếp tục kiến nghị sửa đổi khoản 5 Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự theo hướng Điều tra viên có trách nhiệm phải chuyển các tài liệu thu thập được trong các vụ việc, vụ án cho Kiểm sát viên nghiên cứu và đóng dấu bút lục của Viện kiểm sát, thay vì quy định chỉ đóng dấu bút lục các tài liệu của các vụ án như hiện nay.

Kiểm sát viên cần tích cực học tập, trau dồi kinh nghiệm, thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới liên quan đến các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử để làm cơ sở nghiên cứu, xử lý khi có vụ án, vụ việc xảy ra; đối chiếu với các tội phạm khác trong Bộ luật Hình sự để có sự so sánh, phân biệt tránh nhầm lẫn, như hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp (điểm h Khoản 1 Điều 206 BLHS) và hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290 BLHS).

Nguyễn Huy Hoàng

(vienkiemsatlangson.gov.vn)
Tìm kiếm