Qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm và kiểm tra bản án hình sự sơ thẩm trong tháng 01, 02 năm 2011, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Tuyên Quang đã ban hành văn bản gửi Viện kiểm sát nhân dân huyện, thị trong tỉnh rút kinh nghiệm về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Website Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung thông báo trên để bạn đọc tham khảo...
THÔNG BÁO RÚT KINH NGHIỆM QUA CÔNG TÁC KIỂM SÁT XÉT XỬ VÀ KIỂM SÁT BẢN ÁN HÌNH SỰ
Qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm và kiểm tra bản án hình sự sơ thẩm trong tháng 01, 02 năm 2011, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Tuyên Quang đã ban hành văn bản gửi Viện kiểm sát nhân dân huyện, thị trong tỉnh rút kinh nghiệm về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Website Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung thông báo trên để bạn đọc tham khảo.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk
- Trong tổng số 43 bản sao bản án do Viện kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột gửi Viện kiểm sát tỉnh, có 38 bản án gửi đúng hạn, có 28 phiếu kiểm sát bản án; Qua nghiên cứu các bản án thấy rằng: Vụ Nguyễn Thanh Biên phạm tội “Trộm cắp tài sản” bản án ghi tiền án của bị cáo không chính xác (3 năm tù + 2 năm tù = 4 năm tù).
- Viện kiểm sát nhân dân thị xã Buôn Hồ đã gửi 3 bản sao bản án đúng hạn; có 2 phiếu kiểm sát bản án.
Qua nghiên cứu bản án thấy rằng: Vụ Lê Châu Thanh Trung, phạm tội “Trộm cắp tài sản”, án sơ thẩm chưa áp dụng Điểm g, Khoản 1, Điều 46 BLHS đối với bị cáo là thiếu sót, vì bị cáo phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại, phần nhân thân ghi: “Ngày 20/7/2010 bị TAND huyện Đắk RLấp – tỉnh Đăk Nông xử phạt 6 tháng tù về tội: trộm cắp tài sản, đến ngày 12/8/2009 được miễn chấp hành hình phạt…” là không đúng, nhưng Kiểm sát viên không phát hiện để yêu cầu đính chính bản án. Mặt khác, bị cáo có nhân thân xấu, nay lại phạm tội nhưng Kiểm sát viên đề nghị hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo là chưa nghiêm minh.
- Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Păk đã gửi 12 bản sao bản án đúng hạn; có 12 phiếu kiểm sát bản án.
Qua nghiên cứu bản án thấy rằng: Vụ án Nguyễn Văn Giáp, cùng đồng bọn phạm tội “Trộm cắp tài sản”, bị cáo Giáp và bị cáo Tuấn là người chưa thành niên nhưng Kiểm sát viên đề nghị mức án cao hơn các bị cáo đã thành niên là không đúng theo quy định tại Khoản 5, Điều 69 và Khoản 1, Điều 74 BLHS.
- Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Năng gửi 10 bản sao bản án, có 9 bản án gửi đúng hạn, có 10 phiếu kiểm sát bản án; 1 bản án gửi VKS cùng cấp chậm so với quy định.
Qua nghiên cứu bản án thấy rằng: Vụ Trương Quang Duy Hùng cùng đồng bọn phạm tội “Trộm cắp tài sản”, bị cáo xúi giục người chưa thành niên phạm tội nhưng án sơ thẩm chưa áp dụng Điểm n, Khoản 1, Điều 48 BLHS là thiếu sót; Vụ YJô MLô phạm tội “Cố ý gây thương tích” án sơ thẩm vừa áp dụng tình tiết tăng nặng định khung tại Điểm e, Khoản 1, Điều 104 BLHS đồng thời vừa áp dụng Điểm đ, Khoản 1, Điều 46 BLHS là không chính xác.
- Viện kiểm sát nhân dân huyện EaH’Leo gửi 12 bản sao bản án, có 8 bản sao bản án gửi đúng hạn, 12 phiếu kiểm sát bản án.
Qua nghiên cứu bản án thấy rằng: Vụ án Nguyễn Lưu Thông, phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, bản án không ghi tiền án, tiền sự của bị cáo, bị cáo bị tạm giam hay tại ngoại, có mặt tại phiên tòa hay không, Kiểm sát viên đã không phát hiện được sai sót trên để yêu cầu Tòa án đính chính bổ sung bản án; Vụ Phạm Công Trọng, phạm tội “Cố ý gây thương tích” bản án nhận định bị cáo phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần nhưng chưa áp dụng Điểm đ, Khoản 1, Điều 46 BLHS đối với bị cáo là thiếu sót. Vụ Lê Thanh Cầu, phạm tội “Cố ý gây thương tích” hành vi của bị cáo thể hiện tính côn đồ hung hãn nhưng án sơ thẩm chưa áp dụng Điểm i, Khoản 1, Điều 104 BLHS là thiếu sót, mức hình phạt đối với bị cáo quá nhẹ, vì vậy Viện kiểm sát tỉnh đã kháng nghị phúc thẩm.
- Viện kiểm sát nhân dân huyện CưMgar gửi 6 bản sao bản án, có 4 bản án gửi đúng hạn, 5 phiếu kiểm sát bản án.
Qua nghiên cứu bản án thấy rằng: Vụ án Y Duễn Ayun, phạm tội “Trộm cắp tài sản” bị cáo ra đầu thú nhưng bản án không nhận định để áp dụng Khoản 2, Điều 46 BLHS là thiếu sót.
- Viện kiểm sát nhân dân huyện CưKuin gửi 4 bản sao bản án; có 3 bản sao bản án đúng hạn, 4 phiếu kiểm sát bản án.
Qua nghiên cứu bản án thấy rằng: Vụ H’Nĩm HMừk, phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Viện kiểm sát và Tòa án sơ thẩm áp dụng Điểm h, Khoản 1, Điều 48 đồng thời áp dụng Điểm g, Khoản 1, Điều 46 BLHS là không đúng.
- Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Buk gửi 1 bản sao bản án đúng hạn; có 1 phiếu kiểm sát bản án.
Qua nghiên cứu bản án thấy rằng: Vụ Phạm Văn Phước, phạm tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”, bị cáo phạm tội đang trong thời gian thử thách của bản án trước nhưng Kiểm sát viên không đề nghị tổng hợp hình phạt của hai bản án đối với bị cáo là thiếu sót.
Trong số 101 bản sao bản án mà Viện kiểm sát tỉnh nhận được, có Viện kiểm sát nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Buôn Hồ và Viện kiểm sát nhân dân huyện CưM’gar gửi không đầy đủ phiếu kiểm sát bản án. Một số Viện kiểm sát gửi bản án còn chậm so với quy định, điển hình như: Viện kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột, Krông păk, Krông Bông CưMgar …
Viện kiểm sát nhân dân huyện Buôn Đôn, Lăk, M’Đrăk, Krông Ana không gửi bản sao bản án nào.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang
Bản án hình sự sơ thẩm số 56/HSST ngày 26/11/2010 của Tòa án nhân dân huyện Hàm Yên đã áp dụng Điểm a, Khoản 1, Điều 175; Điểm h, p, q Khoản 1, Khoản 2, Điều 46; điểm i, Khoản 1, Điều 48 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Ma Văn Lòng 12 tháng tù.
Bản án Hình sự sơ thẩm số 60/HSST, ngày 21/12/2010 của Tòa án nhân dân huyện Hàm Yên đã áp dụng Khoản 2, Điều 175; Điểm p, Khoản 1 Điều 46; điểm i, Khoản 1, Điều 48 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Nình Văn Biên 24 tháng tù.
Hai bản án trên áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 48 đối với các bị cáo là không chính xác về khách thể, Điều 175 Bộ luật hình sự đã là tài sản nhà nước (đã là tình tiết định tội, không thể là tình tiết tăng nặng).
Viện kiểm sát nhân dân một số huyện gửi bản án cho Viện kiểm sát nhân tỉnh còn chậm, ảnh hưởng đến việc kiểm tra bản án và thời hạn xem xét kháng nghị theo trình tự phúc thẩm. Điển hình là Viện kiểm sát nhân dân huyện Chiêm Hóa gửi 07 bản án cho Viện kiểm sát tỉnh chậm từ 27 đến 48 ngày.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắc Lắc, Tuyên Quang yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh cần có biện pháp tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 03; Quy chế về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự. Đồng thời, có biện pháp kiến nghị, tác động để Tòa án cùng cấp gửi bản án đúng hạn. Đối với những vi phạm, thiếu sót của Tòa án cấp sơ thẩm, đề nghị các đơn vị cần tổng hợp để kiến nghị yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm khắc phục, sửa chữa kịp thời.
Thanh Tâm