CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Tiến sĩ Dương Thanh Biểu – Phó Viện trưởng VKSNDTC: “Nhà nước pháp quyền không có ‘vùng cấm’, Chủ tịch tỉnh hay dân đều bình đẳng trước pháp luật!”

03/06/2008
Cỡ chữ:   Tương phản
P.V: Thưa Phó Viện trưởng, gần đây ông có nắm được thông tin về sự kiện hy hữu xảy ra tại Phú Thọ khi mà chưa đầy 1 tháng Chủ tịch UBND tỉnh này 2 lần liên tiếp thua kiện người dân ?
Tiến sĩ Dương Thanh Biểu – Phó Viện trưởng VKSNDTC:
“Nhà nước pháp quyền không có “vùng cấm”, Chủ tịch tỉnh hay dân đều bình đẳng trước pháp luật!”
 
 
P.V: Thưa Phó Viện trưởng, gần đây ông có nắm được thông tin về sự kiện hy hữu xảy ra tại Phú Thọ khi mà chưa đầy 1 tháng Chủ tịch UBND tỉnh này 2 lần liên tiếp thua kiện người dân ?
PVT Dương Thanh Biểu: Hàng ngày tôi thường xuyên theo dõi thông tin trên báo chí, đặc biệt là báo BVPL. Việc báo BVPL bám sát vụ việc và đi sâu vào khai thác, thông tin kịp thời, chính xác về vụ việc hy hữu xảy ra tại Phú Thọ để tất cả chúng ta cùng nhau rút kinh nghiệm là rất đáng hoan nghênh. Tôi đề nghị báo tiếp tục bám sát để phản ánh những diễn biến mới nhất của vụ việc.
P.V: Vậy ông có đánh giá gì về sự kiện hy hữu này ?
PVT Dương Thanh Biểu: Tôi cho rằng vụ việc này là một biểu hiện rất tốt sự tiến bộ trong nhận thức, bởi chúng ta đang phấn đấu xây dựng một Nhà nước pháp quyền. Mà đã gọi là Nhà nước pháp quyền thì trong đó không có “vùng cấm”. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, trách nhiệm của ai đến đâu xử lý đến đó. Vì thế chuyện người dân kiện cơ quan công quyền để đòi hỏi quyền và lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ là hoàn toàn bình thường và chính đáng.
P.V: Thưa Phó Viện trưởng, thực tế ở các địa phương cho thấy, số lượng các vụ án dân kiện cơ quan hành chính như UBND tỉnh, UBND huyện đối với các quyết định hành chính ngày càng gia tăng, điều này nói lên điều gì ?
PVT Dương Thanh Biểu: Qua tổng kết đánh giá công tác xét xử hàng năm của VKSNDTC cho thấy, số lượng các vụ án hành chính ngày càng tăng. Việc gia tăng các vụ án hành chính càng cho thấy dấu hiệu tốt, thể hiện pháp luật của chúng ta rất dân chủ, công bằng. Nhà nước luôn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, vì thế các quyền về khiếu nại, tố cáo hành chính của người dân quy định trong pháp luật ngày càng lớn và luôn được chú trọng bảo đảm. Các cơ quan như VKSND các cấp, cơ quan TAND các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò, chức năng của mình trong việc xét xử các vụ án hành chính, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
P.V: Do đặc thù các vụ án hành chính, đối tượng bị kiện thường liên quan đến Chủ tịch UBND xã, phường, quận, huyện hoặc UBND tỉnh. Cho nên quá trình xét xử, cơ quan pháp luật địa phương thường phải chịu áp lực rất lớn hoặc có trường hợp chịu sự can thiệp. Ông có đánh giá gì về vấn đề này ?
PVT Dương Thanh Biểu: Qua các vụ án hành chính cho thấy, đúng là có hiện tượng có lúc, có nơi cơ quan công quyền tạo ra những áp lực hoặc có sự can thiệp vào quá trình xử lý vụ án. Tuy nhiên, Lãnh đạo VKSNDTC cũng chưa nhận được báo cáo và số liệu cụ thể về vấn đề này. Những trường hợp mà có sự can thiệp cho thấy, bản thân cơ quan quản lý hành chính của địa phương đó chưa hiểu rõ quy định của pháp luật và chưa xác định được quyền và nghĩa vụ của mình là gì. Chúng ta cần phải xoá bỏ vấn đề này, bởûi hoạt động tố tụng của các cơ quan pháp luật mang tính độc lập, nên mọi sự can thiệp đều trái với quy định của pháp luật. Tất cả chúng ta đều phải tuân thủ triệt để nguyên tắc “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, vì vậy các cơ quan tố tụng không thể vì những áp lực hoặc những tác động mà làm trái nguyên tắc trên.
P.V: Thông thường, Lãnh đạo UBND các cấp của địa phương có tâm lý rất ngại phải ra “hầu Toà” trong các vụ kiện hành chính, hoặc khi bị thua kiện họ tỏ ra rất “cay cú” vì ảnh hưởng tới uy tín của họ trước dân. Vậy ông nghĩ sao về vấn đề này?
PVT Dương Thanh Biểu: Pháp luật đã quy định cho người dân có quyền khiếu nại về hành chính, khi mà việc giải quyết khiếu nại của các cấp chính quyền không giải quyết được vấn đề, thì người dân có quyền khởi kiện ra Toà hành chính. Khi đã ra đến Toà thì tất cả đều phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về thủ tục tố tụng. Chúng tôi muốn lưu ý rằng các cơ quan quản lý hành chính địa phương cần phải thay đổi tư duy và nhận thức, bởi chúng ta xây dựng một Nhà nước pháp quyền, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, vì thế chuyện Chủ tịch tỉnh đại diện cho UBND tỉnh tham gia tố tụng trước Toà là chuyện hết sức bình thường. Khi Toà tuyên án thì đó là quyết định pháp lý cao nhất, buộc tất cả phải thi hành, điều này vừa bảo đảm quyền lợi của cho người dân, nhưng mặt khác nó cũng bảo đảm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý hành chính trước việc làm của mình.
P.V: Thưa ông, trong tố tụng hình sư, nếu cơ quan tiến hành tố tụng như Công an, VKS, Toà án mà làm oan sai thì không những phải công khai xin lỗi người dân mà còn phải bồi thường. Thế nhưng, trong lĩnh vực quản lý hành chính, việc UBND xã, phường, quận, huyện, tỉnh cứ “tuỳ tiện” ban hành các quyết định trái pháp luật, sau đó dân kiện ra Toà, Toà chỉ tuyên huỷ văn bản đó đi là…xong. Còn vấn đề trách nhiệm của “ông Uỷ ban” phải xin lỗi trước dân và xem xét việc bồi thường thiệt hại cho người dân lại thường không được đề cập. Như vậy, liệu có quá bất cập ?
PVT Dương Thanh Biểu: Đúng! Đây là điểm thiếu sót và bất cập trong pháp luật của chúng ta. Vì vậy, Bộ Tư pháp đang chủ trì và phối hợp với VKSNDTC tham gia tiến hành soạn thảo Luật Bồi thường Nhà nước. Theo đo,ù trong thời gian tới đây khi Luật được hoàn thiện, ban hành thì tất cả mọi lĩnh vực, nhất là các cơ quan Nhà nước đã thực hiện theo đúng chức năng của mình mà làm sai cho người dân, ảnh hưởng tới quyền lợi của họ thì phải bồi thường, xin lỗi người dân. Mặc dù, Luật chưa được ban hành, nhưng chúng tôi cũng khuyến nghị các cơ quan khi mình đã “trót” làm sai điều gì ngoài vấn đề xem xét bồi thường thiệt hại cho người dân, thì trước hết cần nên có động thái xin lỗi công khai trước dân, đây là việc làm thể hiện tinh thần cầu thị, tiến bộ, văn minh của người cán bộ công quyền.
P.V: Trong hoạt động tư pháp, nếu các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán làm oan cho người khác mà sau đó bị đình chỉ vụ án, hoặc Toà tuyên huỷ bản án, hay bị bồi thường oan sai thì bị xem xét xử lý trách nhiệm hoặc bị kỷ luật. Thế nhưng, trong quản lý hành chính, người tham mưu hoặc trực tiếp ký vào các quyết định hành chính sau đó bị Toà tuyên huỷ vì trái pháp luật lại thường không bị xử lý trách nhiệm. Quan điểm của ông về vấn đề này ?
PVT Dương Thanh Biểu: Không riêng gì trong hoạt động tư pháp mà tất cả các lĩnh vực khác, nếu vì làm sai mà gây hậu quả thiệt hại cho người khác đều phải xem xét xử lý trách nhiệm một cách nghiêm túc. Phải phân tích việc làm sai đó là do trình độ, năng lực cán bộ yếu kém hay do động cơ mục đích nào khác để có biện pháp xử lý thoả đáng. Sắp tới đây, pháp luật sẽ phải quy định rõ hơn nữa về vấn đề này, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý hành chính, chứ không thể để tình trạng cán bộ quản lý hành chính làm sai thì dân chịu, còn người làm ra cái sai đó lại không bị xử lý.
P.V: Vậy thưa ông, trách nhiệm của UBND trong việc chấp hành bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật thì sao?
PVT Dương Thanh Biểu: Bản án của Toà án tuyên ra là quyết định có giá trị pháp lý cao nhất, tất cả các cơ quan, tổ chức và công dân có liên quan đều phải nghiêm chỉnh chấp hành. UBND là cơ quan quản lý cao nhất ở địa phương có trách nhiệm đôn đốc, triển khai việc thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật, nên khi anh là đối tượng phải thi hành thì lại càng phải gương mẫu, tuyệt đối nghiêm chỉnh chấp hành đúng các quy định của pháp luật.
P.V: Xin cảm ơn Phó Viện trưởng!
 Đức Sơn (thực hiện)
Tìm kiếm