Báo Lao động số 45 ngày 28/02/2011, có bài: “Xác minh rõ để xét xử đúng người, đúng tội” của tác giả Dương Minh Đức. Nội dung bài viết nêu: Ngày 17/02/2011, Văn phòng Chủ tịch nước đã có Công văn số 98/ VPCTN-PL gửi Viện trưởng VKSND tối cao và Chánh án TAND tối cao truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, yêu cầu xem xét theo trình tự Giám đốc thẩm đối với vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra tại bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An. Vì các cơ quan tố tụng chưa xác minh điều tra làm rõ hành vi phạm tội của Hồ Duy Hải được coi là thủ phạm nên có khả năng bị cáo Hải bị kết án oan...
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO CHỈ ĐẠO XỬ LÝ THÔNG TIN BÁO ĐĂNG LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN (từ ngày 25/02/2011 đến 03/03/2011)
Báo Lao động số 45 ngày 28/02/2011, có bài: “Xác minh rõ để xét xử đúng người, đúng tội” của tác giả Dương Minh Đức. Nội dung bài viết nêu: Ngày 17/02/2011, Văn phòng Chủ tịch nước đã có Công văn số 98/ VPCTN-PL gửi Viện trưởng VKSND tối cao và Chánh án TAND tối cao truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, yêu cầu xem xét theo trình tự Giám đốc thẩm đối với vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra tại bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An. Vì các cơ quan tố tụng chưa xác minh điều tra làm rõ hành vi phạm tội của Hồ Duy Hải được coi là thủ phạm nên có khả năng bị cáo Hải bị kết án oan.
Ngày 01/7/2009 Văn phòng Chủ tịch nước đã có văn bản số 723/VPCTN-PL gửi hai cơ quan nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả và đương sự tiếp tục có đơn gửi đến Chủ tịch nước.
Yêu cầu VKSND tỉnh Long An và Vụ 3 phối hợp với Vụ 1A kiểm tra vụ án trên, báo cáo lãnh đạo viện phụ trách khối.
Báo Tuổi Trẻ số 865 ngày 28/02/2011, có bài: “Có nguy cơ chìm xuồng” của tác giả Bá Thanh. Nội dung bài viết nêu về vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hà Tĩnh. Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát không khởi tố, truy tố ông Dương Viết Nhượng, Phó giám đốc công ty là bỏ lọt tội phạm vì ông Nhượng là người làm thất thoát số tiền lớn của công ty . Viện kiểm sát tỉnh Hà Tĩnh đã chuyển hồ sơ cho Tòa án gần 4 tháng nay nhưng Tòa vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử . Dư luận cho rằng vụ án có nguy cơ bị chìm xuồng.
Yêu cầu VKSND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, báo cáo lãnh đạo Viện. Vụ 1 theo dõi..
Báo Tuổi trẻ số 52 ngày 01/3/2011, có bài “Một vụ án bốn người kêu oan” của tác giả Vinh Hà nêu về việc 4 bị cáo; Nguyễn Thành Huy, Dương Quang Việt; Võ Đại Quốc Dũng; Nguyễn Văn Hùng ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế bị Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xét xử về tội “Cướp giật tài sản”. Tuy nhiên cả 4 bị cáo đều khai trước tòa là do bị cán bộ điều tra đánh đập, dọa nạt, ép phải khai theo ý của Điều tra viên. Nhân chứng và Luật sư cho rằng các bị cáo không thể có mặt tại hiện trường trong thời gian xảy ra vụ cướp, chứng cứ có nhiều mâu thuẫn. Dư luận không đồng tình với bản án của Tòa.
Yêu cầu VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra, báo cáo Lãnh đạo Viện. Vụ 3 theo dõi chỉ đạo.
Báo Tiền phong số 62 ngày 03/3/2011, có bài: “Bị đánh gãy cổ vì không đội mũ bảo hiểm” của tác giả Lê Dương. Nội dung nêu về việc ngày 28/02/2011 ông Trịnh Xuân Tùng, 54 tuổi ở 525, Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Tp Hà Nội, bị Trung tá Trần Văn Ninh, Cảnh sát trật tự Công an phường Thịnh Liệt dùng dùi cui đánh vào gáy vì lý do không đội mũ bảo hiểm, sau đó cùng một số dân phòng còng tay đa về công an phường tạm giữ. Ông bị gãy hai đốt sống cổ, tổn thương tủy, liệt toàn thân phải đa đi cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức.
Các báo “Đời Sống và Pháp Luật” số 27 ngày 03/3/2011, báo “Pháp Luật Việt Nam” số 62 ngày 03/3/2011 cùng có bài nêu về vụ việc trên và yêu cầu vụ việc này phải được điều tra làm rõ để xử lý theo pháp luật.
Yêu cầu VKSND thành phố Hà Nội kiểm tra, báo cáo VKSND tối cao, Vụ 1A và Cục 6 theo dõi.
Trang tin điện tử VKSND tối cao tiếp tục thông tin tới bạn đọc sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát trong thời gian tới.
Thu Hương.