Qua sơ kết công tác giải quyết các vụ án ma tuý có đối tượng phạm tội là người nước ngoài trong 3 năm (2008 - 2010), ngày 25/7/2011, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành kiến nghị số 10/KN-VKSTC-V1C, kiến nghị Bộ Công an về công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam. Trang thông tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung bản kiến nghị:...
Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Kiến nghị Bộ Công an về việc quản lý người nước ngoài tại Việt Nam.
Qua sơ kết công tác giải quyết các vụ án ma tuý có đối tượng phạm tội là người nước ngoài trong 3 năm (2008 - 2010), ngày 25/7/2011, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành kiến nghị số 10/KN-VKSTC-V1C, kiến nghị Bộ Công an về công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam. Trang thông tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung bản kiến nghị:
Tình hình vi phạm, tội phạm về ma tuý trong thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp, tính chất, phương thức thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, liều lĩnh nhất là các vụ án ma tuý có đối tượng phạm tội là người nước ngoài ngày càng gia tăng, các đối tượng là người nước ngoài nhập cảnh sau đó ở lại Việt Nam trái phép, cấu kết với người Việt Nam hình thành nhiều đường dây tội phạm buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Đã xảy ra nhiều vụ mua bán, vận chuyển với số lượng ma tuý rất lớn, đặc biệt nghiêm trọng từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại, việc mua bán ma tuý diễn ra trong một thời gian dài, ma tuý được cất giấu nguỵ trang rất tinh vi, như: giấu trong cơ thể người, để lẫn trong hàng hóa khi xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu, khu vực biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia hoặc qua đường hàng không; gửi trong bưu phẩm, bưu kiện qua đường Bưu điện; vận chuyển ma tuý bằng đường biển...
Kết quả trong 3 năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố điều tra 90 vụ án, khởi tố 188 bị can, trong đó có 127 bị can là người nước ngoài, gồm: 49người mang quốc tịch Lào; 31 bị can quốc tịch Trung Quốc; 15 bị can quốc tịch Campuchia; 13 bị can quốc tịch Nigeria; 13 bị can quốc tịch Australia; 03 bị can quốc tịch Philippine và 03 bị can quốc tịch Zimbabwe, Cộng hoà Séc và Mỹ. Trong số các vụ án thụ lý và giải quyết có một số vụ án đạt kết quả tốt như: vụ Lu Ming Cheng, Chan Kwok Kwong, Wang Hui Lan, Ieong Chi Kai và Ngan Chiu Kuen, đều quốc tịch Trung Quốc, vận chuyển trái phép 7,9 tấn nhựa cần sa; vụ Nnaji David Ete người Nigeria (08 bị can) phạm tội mua bán trái phép hơn 11 kg heroin; vụ Chime Chidike Ben, quốc tịch Nigeria (05 bị can) vận chuyển trái phép 1.021 gam hêrôin; vụ Lê Văn Bước, quốc tịch Australia, Tô Văn Nam, quốc tịch Mỹ, mua bán trái phép 984,3gam Methamphetamine; vụ Michael Ikenna Nduanya, quốc tịch Nigeria, vận chuyển trái phép 988,7 gam hêrôin.... Việc các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đã kịp thời phát hiện điều tra, truy tố và đưa ra xét xử, tuyên các bị cáo với mức án nghiêm khắc đã có tác dụng phòng ngừa tội phạm và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Qua giải quyết các vụ án ma tuý có đối tượng là người nước ngoài phạm tội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận thấy có nguyên nhân từ những sơ hở, thiếu sót của các đơn vị chức năng trong việc quản lý xuất, nhập cảnh và quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể như sau:
+ Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh của lực lượng chức năng tại các cửa khẩu, sân bay có lúc có nơi còn chưa chặt chẽ, ý thức của một số cán bộ chưa cao, với hệ thống máy móc kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu nên không phát hiện kịp thời các đối tượng cất giấu, vận chuyển ma tuý trái phép; hoặc có nơi được trang bị máy móc hiện đại nhưng kiểm tra chưa đầy đủ và chặt chẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ma tuý từ nước ngoài thẩm lậu vào Việt Nam ngày càng gia tăng.
+ Việc quản lý các đối tượng người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam, nhất là các đối tượng người châu Phi của một số đơn vị chức năng còn hạn chế nên không nắm chắc được nơi các đối tượng là người nước ngoài tạm trú. Nhiều đối tượng người Nigeria tụ tập thuê nhà hoặc sống thành từng nhóm ở công viên Phạm Ngũ Lão, Tp. Hồ Chí Minh nhưng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý. Một số đối tượng là người châu Phi bị bắt khai nhận khi hết hạn Visa đã dùng tiền nhờ một số Đại lý bán vé máy bay hoặc Công ty du lịch để gia hạn Visa. Bên cạnh đó, có một số đối tượng là người nước ngoài phạm tội về ma tuý đã nhập cảnh bất hợp pháp từ Trung Quốc, Lào, Campuchia vào Việt Nam, nhưng không bị cơ quan chức năng phát hiện. Các đối tượng này đã lôi kéo, xúi giục những người Việt Nam phạm tội.
Để khắc phục những sơ hở, thiếu sót nêu trên trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam của các cơ quan chức năng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an quan tâm chỉ đạo một số vấn đề sau:
1. Có văn bản thông báo về những sơ hở trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, nhất là việc quản lý người nước ngoài đến Việt Nam đã quá hạn Visa, thời gian lưu trú được phát hiện thông qua việc giải quyết các vụ án ma tuý có đối tượng phạm tội là người nước ngoài như đã nêu trên đến các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an để rút kinh nghiệm chung và có biện pháp phòng ngừa những sơ hở tương tự xảy ra.
2. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác xuất, nhập cảnh và quản lý hành chính cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, du lịch… và ngăn ngừa việc phạm tội của họ tại Việt Nam.
3. Chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ đối với người nước ngoài đến Việt Nam và tạm trú tại địa phương, xử lý nghiêm, buộc về nước các trường hợp hết hạn Visa, nhưng vẫn cư trú bất hợp pháp tại Việt Nam; kịp thời phát hiện đấu tranh ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của họ tại Việt Nam nhằm ổn định tình hình trật tự trị an trên địa bàn quản lý./.