CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

HỘI NGHỊ BÀN TRÒN Phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, cơ chế thực thi pháp luật, tăng cường sự liêm chính

27/11/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 25/11/2015, tại Hà Nội. Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia tại Việt Nam 2012 - 2017, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tổ chức Hội nghị bàn tròn với chủ đề “Phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, cơ chế thực thi pháp luật, tăng cường sự liêm chính”...

 HỘI NGHỊ BÀN TRÒN

Phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, cơ chế thực thi pháp luật, tăng cường sự liêm chính
 
Đ/c Dương Văn Phùng, Vụ trưởng Vụ THQCT & KSĐT án tham nhũng, chức vụ phát biểu khai mạc
Ngày 25/11/2015, tại Hà Nội. Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia tại Việt Nam 2012 - 2017, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tổ chức Hội nghị bàn tròn với chủ đề “Phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, cơ chế thực thi pháp luật, tăng cường sự liêm chính”. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Dương Văn Phùng, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cùng dự có Tiến sỹ Giovanni Broussard, Phụ trách Khu vực Chương trình toàn cầu phòng chống tội phạm về rừng và động vật hoang dã của cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc; Ngài Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam. Đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công An, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Tổng cục Hải quan, Bộ đội biên phòng, Kiểm toán Nhà nước và đại diện một số đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham dự hội nghị.
 
Tiến sỹ Giovanni Broussard, Phụ trách Khu vực Chương trình toàn cầu phòng chống tội phạm về rừng và động vật hoang dã của cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc phát biểu tại hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Dương Văn Phùng, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, chương trình quốc gia mà Việt Nam đã ký kết với UNODC chính thức bắt đầu từ tháng 7/2012 dự kiến kết thúc vào tháng 7/2017 đã đề cập một số nội dung quan trọng gồm: Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và buôn bán trái phép; Phòng chống tham nhũng; Chương trình về Tư pháp hình sự “Tăng cường sự liêm chính, giải quyết vấn đề miễn tố và phát triển hệ thống tư pháp chuyên nghiệp là những nhân tố quan trọng”. Với mục đích thực hiện các nội dung trong khuôn khổ hợp tác đã thỏa thuận, thời gian qua UNODC và các cơ quan, tổ chức quốc tế đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành của Việt Nam trong việc thực hiện và triển khai công tác phòng chống tham nhũng, thực thi pháp luật và tăng cường sự liêm chính.
 
Toàn cảnh hội nghị
Tại Việt Nam, những năm gần đây hành vi tham nhũng và tội phạm tham nhũng có diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực như: ngân hàng, tín dụng, tài chính, xây dựng cơ bản…Tội phạm tham nhũng đã làm thất thoát lớn về tài sản và làm tha hóa một số cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Theo thống kê của Cục Thống kê tội phạm, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong 2 năm 2014 và 2015 (tính từ 01/10/2013 - 30/9/2015), các cơ quan bảo vệ pháp luật trên cả nước đã khởi tố nhiều vụ án và bị can về tội tham nhũng…
Với tình hình tội phạm tham nhũng có những diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi hơn, các đại biểu đã thống nhất một số biện pháp trọng tâm, trong đó phòng chống tham nhũng phải có sự vào cuộc của toàn xã hội và trao quyền cho người dân từ tiếp cận thông tin cho đến các cơ chế khiếu nại. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, đặc biệt trong việc thực hiện các giao dịch kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài sản công… Ngoài ra, các cơ quan chuyên trách trong phòng chống tội phạm tham nhũng cần được tăng thẩm quyền và năng lực, đồng thời quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn kiểm tra, thanh tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nhằm bảo đảm tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật.
Các đại biểu tham luận tại hội nghị
 
 
 
Tại hội nghị, các đại biểu đưa ra thảo luận nhiều nội dung như: Mối liên hệ giữa tham nhũng và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án tham nhũng; hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng; tăng cường phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức về các vấn đề tham nhũng cho cán bộ và người dân; quy trình khiếu nại công khai và các kết quả giải quyết khiếu nại…
Phát biểu bế mạc hội nghị, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ Viện kiểm sát nhân dân tối cao Dương Văn Phùng đánh gia cao đại diện UNDOC và một số tổ chức liên quan đã phối hợp với Việt Nam trong hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian qua. Trong đó, UNDOC đã hỗ trợ Việt Nam các vấn đề như: Trao đổi, học tập kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của các nước trên thế giới, nhất là các nước trong khu vực. Đồng thời tiếp tục đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ hoạch định về việc nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế chính sách phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Quốc Hưng
Tìm kiếm