CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hoạt động của Đoàn đại biểu VKSNDTC Việt Nam tại Hội nghị Viện trưởng Công tố các nước Trung Quốc – ASEAN lần thứ 5

04/12/2008
Cỡ chữ:   Tương phản
Nhận lời mời của Viện trưởng Viện công tố cộng hoà Philippin, đoàn đại biểu của VKSNDTC Việt Nam do Tiến sỹ Khuất Văn Nga – Phó Viện trưởng VKSNDTC đã đến dự Hội nghị Viện trưởng, Công tố trưởng các nước Trung Quốc – ASEAN lần thứ 5 tại Manila từ ngày 9/11 đến ngày 14/11/2008.
 
Hoạt động của Đoàn đại biểu VKSNDTC Việt Nam tại Hội nghị Viện trưởng Công tố các nước Trung Quốc – ASEAN lần thứ 5
 
 
 
(Tiến sỹ Khuất Văn Nga, Phó Viện trưởng VKSNDTC
dẫn đầu Đoàn đại biểu VKSNDTC dự Hội nghị)
 
Nhận lời mời của Viện trưởng Viện công tố cộng hoà Philippin, đoàn đại biểu của VKSNDTC Việt Nam do Tiến sỹ Khuất Văn Nga – Phó Viện trưởng VKSNDTC đã đến dự Hội nghị Viện trưởng, Công tố trưởng các nước Trung Quốc – ASEAN lần thứ 5 tại Manila từ ngày 9/11 đến ngày 14/11/2008.
Chủ đề được trao đổi, thảo luận tại Hội nghị là hợp tác để đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm xuyên quốc gia. Bởi lẽ, tội phạm xuyên quốc gia ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp, gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng trong khu vực và trên toàn thế giới. Liên Hợp Quốc đã có công ước về đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia mà Việt Nam đã ký kết và chuẩn bị tham gia.
Tham dự Hội nghị có: Đoàn đại biểu của VKSNDTC Cộng hoà nhân dân Trung Hoa do ngài Tào Kiến Minh dẫn đầu; Đoàn đại biểu của Viện công tố Hồng Kông; Cơ quan chống tham nhũng Hồng Kông, Viện công tố Ma Cao, Ủy ban chống tham nhũng Ma Cao và 10 nước ASEAN gồm: nước chủ nhà Philippin, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Myama, Malaixia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam. Ngôn ngữ được sử dụng trong Hội nghị là tiếng Anh.
Trong bài phát biểu khai mạc, ngài Jovencito R.Zuno – Viện trưởng Viện công tố Cộng hoà Philippin nêu rõ tầm quan trọng trong việc hợp tác nội vùng, quốc tế và hợp tác song phương trong việc đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia. Cần phải thiết lập một cơ sở dữ liệu chung của các nước ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia.
 
(Phó Viện trưởng VKSNDTC Khuất Văn Nga tại diễn đàn Hội nghị)
 
Ngài Tào Kiến Minh – Viện trưởng VKSNDTC Cộng hoà nhân dân Trung Hoa khẳng định: Cần phải tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin, hỗ trợ và hợp tác đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi, xoá bỏ các khác biệt để tăng cường hợp tác đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia; đặc biệt là tội phạm tham nhũng và rửa tiền. Cần hợp tác một cách sâu sắc hơn nữa giữa cơ quan công tố ASEAN và Trung Quốc; Tiếp tục thực hiện các cuộc viếng thăm cấp cao, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, đào tạo để phát triển ngành Công tố và Kiểm sát ở mỗi nước.
 
Có một số quan điểm mới, đáng chú ý của các đoàn được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị, chẳng hạn quan điểm: mỗi quốc gia khi đấu tranh có hiệu quả với các tội phạm xuyên quốc gia thì chính là điều kiện tốt đảm bảo việc bảo vệ an ninh quốc gia của đất nước mình; Hoặc quan điểm dù pháp luật ở các nước do truyền thống, lịch sử và hoàn cảnh kinh tế khác nhau có những quy định khác nhau nhưng việc đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia vẫn có nhiều điểm chung bảo đảm được sự phối hợp. Sự khác biệt về luật pháp của các nước không cản trở việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia.v.v...
Bài phát biểu của Đoàn đại biểu VKSNDTC do Tiến sỹ Khuất Văn Nga trình bày đã được các đoàn đánh giá rất cao (toàn văn được đăng cùng số báo này). Bài phát biểu của Việt Nam khẳng định 3 quan điểm cơ bản về đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia có hiệu quả. Biện pháp hàng đầu là tiến hành cải cách tư pháp nhằm nâng cao năng lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật; Thứ hai là Đổi mới, hoàn thiện chính sách hình sự nhằm đảm bảo tính hiệu quả của cuộc đấu tranh, đặc biệt là nhằm đáp ứng những diễn biến mới của loại tội phạm này, trong đó có tính đến phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Hình sự đối với các tội thuộc nhóm tội phạm xuyên quốc gia; Thứ ba là Hoạt động tương trợ tư pháp giữa các nước trong khu vực và trên toàn thế giới có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc các cơ quan tư pháp các nước hợp tác với nhau trong đấu tranh chống tội phạm.
 
 
 
 
(Phó Viện trưởng VKSNDTC Khuất Văn Nga tiếp xúc với các đại biểu dự Hội nghị)
 
 
Bài phát biểu của đoàn đại biểu VKSNDTC Việt Nam cũng đưa ra các giải pháp cụ thể và có tính khả thi, có ý nghĩa thiết thực trong tình hình cấp thiết của sự phối hợp hiện nay; Đặc biệt trong việc phối hợp đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan tư pháp và việc thiết lập một cơ chế để nghiên cứu đề xuất chiến lược chung của Trung Quốc và ASEAN trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Tham gia Hội nghị, Đoàn đại biểu VKSNDTC Việt Nam đã gặp gỡ và trao đổi riêng với các đoàn: Trung Quốc, Philippin, Thái Lan, Lào, Campuchia, Inđônêxia… Đặc biệt, Việt Nam đã đề nghị một phiên họp chính thức các trưởng đoàn và được Ban tổ chức nước chủ nhà đồng ý. Tại cuộc họp này, Trưởng Đoàn Việt Nam đã đưa ra lời mời chính thức đăng cai Hội nghị lần thứ 6 tại Việt Nam. Trưởng đoàn đại biểu VKSNDTC nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Tào Khiến Minh đồng tình, ủng hộ và điều này đã được ghi trong tuyên bố chung của Hội nghị.
Ngoài ra, Đoàn đại biểu VKSNDTC Việt Nam còn gặp gỡ và tiếp kiến ngài Hon.Raul M.Gonzalez, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cộng hoà Philippin. Tại buổi gặp, ngài Gonzalez đã điểm lại những nét hào hùng của lịch sử Việt Nam, sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong giai đoạn khó khăn. Tiến sỹ Khuất Văn Nga đã cảm ơn những tình cảm tốt đẹp của ngài Gonzalez dành cho nhân dân Việt Nam; những sự quan tâm chu đáo của Viện công tố Philippin dành cho đoàn; Đồng thời trân trọng mời ngài Gonzalez tới thăm Việt Nam và VKSNDTC Việt Nam.
Có thể nói: Hội nghị Viện trưởng, Công tố trưởng các nước Trung Quốc – ASEAN lần thứ 5 tổ chức tại Manila đã thành công tốt đẹp. Hoạt động của đoàn đại biểu VKSNDTC Việt Nam có kết quả cao tại Hội nghị đã nêu cao vị thế của VKS Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Qua Hội nghị này cũng cho thấy VKS Việt Nam cần phải cố gắng trong công tác tổ chức, đặc biệt là sự hoạt động phối hợp của các đoàn, trình độ ngoại ngữ của các cán bộ, nhân viên hướng dẫn. Điều đặc biệt có ý nghĩa quyết định cho Hội nghị thành công tốt đẹp là việc chuẩn bị nội dung đáp ứng được những vấn đề cấp thiết của cuộc đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia ở từng nước và trong toàn khu vực.
PV
Tìm kiếm