CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hội nghị giao ban VKS các tỉnh vùng Tây Bắc: Công tác cán bộ ở vùng sâu, vùng xa cần được đặc biệt quan tâm.

16/07/2008
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 11/7/2008, VKSNDTC đã tổ chức Hội nghị giao ban Viện kiểm sát vùng Tây Bắc dưới sự chủ trì của Phó Viện trưởng VKSNDTC Dương Thanh Biểu. Vùng Tây Bắc có 13 tỉnh với trên 2.540km đường biên giới giáp với Trung Quốc, Lào trong những năm vừa qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc, việc phát triển kinh tế-xã hội đã có nhiều tiến bộ.
Hội nghị giao ban VKS các tỉnh vùng Tây Bắc:
Công tác cán bộ ở vùng sâu, vùng xa cần được đặc biệt quan tâm
 

Ngày 11/7/2008, VKSNDTC đã tổ chức Hội nghị giao ban Viện kiểm sát vùng Tây Bắc dưới sự chủ trì của Phó Viện trưởng VKSNDTC Dương Thanh Biểu. Vùng Tây Bắc có 13 tỉnh với trên 2.540km đường biên giới giáp với Trung Quốc, Lào trong những năm vừa qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc, việc phát triển kinh tế-xã hội đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn là vùng kinh tế còn nhiều khó khăn, quy mô kinh tế nhỏ bé, cơ sở hạ tầng có nhiều yếu kém nên việc khai thác tiềm năng, lợi thế còn khó khăn. Bên cạnh đó, một số vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết triệt để, trình độ đội ngũ cán bộ (nhất là ở cơ sở) chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy khi triển khai giải phóng mặt bằng của nhiều dự án gặp nhiều khó khăn do việc khiếu kiện của nhân dân, nếu không giải quyết kịp thời rất dễ trở thành “điểm nóng”. Mặt khác, vùng Tây Bắc do gần khu “Tam giác vàng” nên chịu tác động trực tiếp của các loại tội phạm ma tuý, số vụ bắt giữ liên quan tới ma tuý chiếm 50% toàn quốc, số lượng ma tuý thu giữ được rất lớn (hêrôin chiếm 50%, thuốc phiện chiếm 70% toàn quốc) chủ yếu tập trung ở các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên. Các VKS vùng Tây Bắc đã chủ động phối hợp với các cơ quan Công an, Toà án, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, các sở, ban, ngành, đoàn thể như: Thanh tra, Thương binh xã hội, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ và các cơ quan thông tin báo chí trong việc tiếp nhận, xử lý các tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, đồng thời giữ mối liên hệ với Ban chỉ đạo Tây Bắc, Mặt trận tổ quốc, Ban Tôn giáo, Ban dân tộc của tỉnh để nắm thông tin về vi phạm và tội phạm để có biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra điểm nóng.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đạt tỷ lệ khá cao (85%), đã chú trọng tổ chức tiếp công dân, không để xảy ra khiếu kiện đông người hoặc gây rối tại trụ sở VKS. Các VKS đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành ở địa phương giải quyết tốt việc tranh chấp của nhân dân, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động, xuyên tạc; đảm bảo việc tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật và của Ngành. Các KSV thực hành quyền công tố tại phiên toà có sự nghiên cứu kỹ hồ sơ để tranh luận một cách dân chủ, khách quan, bảo vệ đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.Trong buổi thảo luận, Đại tá Nguyễn Xuân Bắc- Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Bộ đội Biên phòng cho rằng: Việc phối hợp giữa VKS dân sự và VKS quân sự có trường hợp chưa nhịp nhàng việc chuyển hồ sơ vụ án khi thời hạn điều tra và kiểm sát sắp hết theo luật định nên VKSNDTC cần có quy chế về vấn đề này.“Nóng” nhất tại Hội nghị giao ban là công tác tổ chức cán bộ. Nhiều ý kiến đề nghị cần có cơ chế riêng trong việc tuyển chọn công chức cho các VKS vùng đặc biệt khó khăn. Theo đó, ông Mai Quốc Giáp - Viện trưởng VKSND tỉnh Cao Bằng phát biểu: VKSND tỉnh Cao Bằng hiện còn thiếu gần 10 biên chế nhưng không tuyển được theo tiêu chuẩn của Ngành quy định. Theo ông việc những người đủ tiêu chuẩn thì lại ở thành phố hoặc có về địa phương thì lại vào các ngành có chế độ đãi ngộ cao hơn vì chế độ đãi ngộ của ngành Kiểm sát chưa theo kịp tình hình kinh tế. Ông cũng cho biết, hiện nay tại Cao Bằng nhiều Kiểm sát viên xin ra khỏi Ngành hoặc chuyển ngành về các ngành như Ngân hàng, Tài chính... Đồng tình với ý kiến này, Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Kạn Hoàng Đức Văn phát biểu, công tác tổ chức cán bộ của Bắc Kạn cũng khó khăn, hiện tại thiếu 5 biên chế nhưng tình trạng này diễn ra không chỉ của ngành Kiểm sát mà các ngành khác ở Bắc Kạn cũng có tình trạng tương tự. Ông cho biết thêm hiện công tác xây dựng trụ sở VKS đối với các tỉnh, huyện cần được chú trọng hơn nữa. Hiện tại Bắc Kạn có trụ sở VKS huyện phải thuê nhà dân.Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Kính, quyền Vụ trưởng Vụ An ninh- Quốc phòng, Ban chỉ đạo Tây Bắc nhận xét: Thời gian qua, VKS các tỉnh Tây Bắc đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chương trình, kế hoạch đề ra; thường xuyên củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp có hiệu quả các nội dung về công tác phòng, chống tội phạm. Nhờ đó tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội trong vùng cơ bản ổn định không có các vụ việc lớn, bức xúc xảy ra và chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới được tập trung chỉ đạo giải quyết được nhiều điểm tranh chấp tạo điều kiện cho môi trường phát triển kinh tế. Kết thúc Hội nghị giao ban, Phó Viện trưởng VKSNDTC Dương Thanh Biểu ghi nhận các ý kiến của VKS địa phương. Phó Viện trưởng nhận xét, dù còn nhiều khó khăn nhưng các VKS vùng Tây Bắc đã bám sát chủ trương, phối hợp với các ngành giải quyết nhanh nhiều vụ án không để án đọng, án oan sai, đó là sự cố gắng lớn góp phần vào việc ổn định tình hình kinh tế, chính trị tại địa phương. Các VKS vùng Tây Bắc đã thực hiện tốt Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị và Chỉ thị của Viện trưởng VKSNDTC trong công tác phòng ngừa tội phạm. Bên cạnh đó, Phó Viện trưởng cũng rất trăn trở về cơ chế, chế độ cho cán bộ ngành Kiểm sát nói riêng và cán bộ các ngành Tư pháp nói chung, vấn đề này cần thiết phải có kế hoạch và được bàn bạc khi xem xét sửa đổi Pháp lệnh Kiểm sát viên và Thẩm phán trong thời gian tới.

Tìm kiếm