Chiều 23/10, Quốc hội nghe báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Bên lề kỳ họp Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Bảo vệ pháp luật về một số vấn đề liên quan.
Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng: Các cơ quan pháp luật cần phải nhìn lại mình để làm cho đúng hơn
(Đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Trung ương Đảng,
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
Chiều 23/10, Quốc hội nghe báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Bên lề kỳ họp Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Bảo vệ pháp luật về một số vấn đề liên quan.
PV:Theo thống kê năm 2008, số vụ án tham nhũng giảm 30% và số bị can giảm 25%. Là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đồng chí có bình luận gì về thống kê này, thưa đồng chí?
Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng: Để trả lời chính xác về vấn đề này thì hơi khó. Hiện có rất nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng tình hình án thụ lý không phản ánh đúng tình hình thực tế tham nhũng hiện nay. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng phần lớn những vụ án đang thụ lý hiện nay là những vụ án được phát hiện từ 2 - 3 năm trước. Để đánh giá thế nào tôi không thể nói ngay được. Cần phải có một đánh giá chính xác trước khi khẳng định.
PV: Năm 2005, 2006 cơ quan tư pháp chỉ ra 8 vụ án điểm, 2 năm gần đây không có vụ án điểm, phải chăng tình hình nhận thức vụ án điểm đã khác đi?
Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng: Án điểm là khái niệm tương đối chứ không phải mang tính luật định. Luật không quy định thế nào là án điểm. Luật chỉ xác định 4 loại án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Án điểm hội tụ nhiều yếu tố để xác định, do từng cấp xác định để xét xử.
PV: Thưa Viện trưởng, đồng chí đánh giá thế nào về số lượng vụ án được đình chỉ trong năm qua ?
Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng: Số lượng đình chỉ khởi tố như vậy không phải là lớn. So với số bị can đã khởi tố thì số lượng đình chỉ chiếm tỷ lệ ít. Vì trong quá trình khởi tố khi có dấu hiệu, trong quá trình điều tra bắt đầu thấy được việc trước đây phải đánh giá lại quá trình điều tra. Trong quá trình ấy phải được Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự cho phép. Có nghĩa rằng, nếu trong trường hợp không đủ căn cứ thì phải đình chỉ. Tôi cho rằng đó là sự đúng đắn của luật pháp và là sự đúng đắn của những người thi hành pháp luật. Nếu không đủ cơ sở thì phải đình chỉ để đảm bảo quyền dân chủ của công dân. Còn việc để số lượng đình chỉ khởi tố như vậy thì theo tôi phải xem xét một cách đầy đủ, trong đó có trách nhiệm của cơ quan điều tra, của kiểm sát viên, của điều tra viên. Có phần nào đấy do không nhận thức được hết, trong quá trình hành xử của mình, do trình độ, do nhận thức pháp luật.
PV: Thưa đồng chí Viện trưởng, có nhiều trường hợp bị can bị khởi tố tạm giam thời gian rất dài, sau đó lại đình chỉ. Phải chăng do vấn đề nào đấy không bình thường?
Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng: Các cơ quan pháp luật cần phải nhìn lại mình để làm cho đúng hơn, để phấn đấu có một nền pháp luật thật sự công bằng, công minh, dân chủ, để đảm bảo trước hết không được để lọt tội phạm, nhưng đồng thời không để oan người vô tội. Đó phải là mục tiêu đầu tiên các cơ quan pháp luật cần phấn đấu. Tôi nghĩ rằng, dư luận đánh giá hay đòi hỏi các cơ quan pháp luật phải làm đúng. Đó là đòi hỏi hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, trong hàng vạn vụ án (một năm khoảng trên 4.000 vụ án) thì chuyện sai sót không thể tránh khỏi. Phấn đấu giảm thiểu tới mức thấp nhất cũng mệt mỏi lắm, chứ không phải một lúc mà làm được. Phải có thời gian và phải nâng cao trình độ hơn nữa.
PV: Thưa đồng chí, khi đưa ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến cho rằng các vụ án tham nhũng lớn, các vụ án điểm ban đầu rất “nóng” nhưng sau lại “lạnh”, đồng chí nhận xét như thế nào?
Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng: Ở một khía cạnh nào đó, người dân sốt ruột với tình hình vi phạm và tội phạm là hoàn toàn chính đáng. Nhưng mặt khác, cơ quan pháp luật phải đối mặt với tình hình là phải xử lý đúng. Mà cứ lúc đầu như nào sau như vậy thì rất khó, vì nó còn cả một quá trình điều tra dài để chứng minh tội phạm. Theo tôi, giai đoạn điều tra vẫn phải như vậy. Do vậy, việc xử lý cũng phải tính. Nhưng đòi hỏi của pháp luật phải đứng ở cả hai phía. Không để lọt tội phạm, không để oan người vô tội. Nếu khi khởi tố rồi, cứ đinh ninh người ta có tội, phải bắt buộc đưa ra truy tố, bắt buộc đưa ra xử lý, xét xử thì rõ ràng không thể được. Phải bằng chứng cứ, bằng pháp luật và bằng tranh tụng tại phiên toà. Đã hình sự thì phải có hình thức cưỡng chế nghiêm khắc nhất, một chế tài nghiêm khắc nhất của nhà nước, đòi hỏi phải thực hiện theo đúng luật pháp. Mọi hành vi của cơ quan tố tụng phải thực hiện theo đúng Luật Tố tụng mà Quốc hội thông qua, vi phạm nó là không được. Người đó có tội hay không là do tòa tuyên án. Về mặt tư pháp, cần phải có cái nhìn và đánh giá toàn diện như vậy.
PV: Xin cảm ơn Viện trưởng!
Hoàng Long (thực hiện)