CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động

21/10/2020
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 08/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020.

Thông tư số 08/2020/TT-BLĐTBXH quy định về trình tự, thủ tục bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động, thân nhân của người tố cáo, bao gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động (gọi chung là người được bảo vệ); trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ việc làm của người được bảo vệ.

Thông tư đã giải thích rõ: Người làm việc theo hợp đồng lao động là người lao động theo quy định của pháp luật lao động, bao gồm cả người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động đối với một số công việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

Bảo vệ việc làm của người được bảo vệ là việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp cần thiết quy định tại khoản 2 Điều 57 Luật Tố cáo để bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ.

"Điều 57. Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm

1. ...

2. Biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ là người làm việc theo hợp đồng lao động bao gồm:

a) Yêu cầu người sử dụng lao động chấm dứt hành vi vi phạm; khôi phục vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ;

b) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật."

Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm

Khi có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật Tố cáo về việc "Vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo…", người tố cáo hoặc người giải quyết tố cáo có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ. Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 50 Luật Tố cáo, bằng cách "Người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản".

Lưu ý, văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm của người tố cáo phải có các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Tố cáo (bao gồm: Ngày, tháng, năm đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên, địa chỉ của người cần được bảo vệ; lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo) và được thực hiện theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 08/2020/TT-BLĐTBXH.

Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm của người tố cáo (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2020/TT-BLĐTBXH)
Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm của người tố cáo (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2020/TT-BLĐTBXH)

Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm của người giải quyết tố cáo được thực hiện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Việc phát hành, xử lý, lưu trữ văn bản phải đảm bảo giữ bí mật thông tin về việc bảo vệ theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật Tố cáo.

Nghiêm cấm hành vi trả thù người được bảo vệ

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 08/2020/TT-BLĐTBXH, người sử dụng người lao động có trách nhiệm thực hiện những yêu cầu sau đây:

1. Không được phân biệt đối xử về việc làm đối với người được bảo vệ.

2. Không được trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm của người được bảo vệ.

3. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.

4. Báo cáo cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm và thông báo cho tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở về kết quả thực hiện biện pháp bảo vệ.

5. Cơ quan chủ quản của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh; người sử dụng lao động chính đối với trường hợp người được bảo vệ làm việc tại chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền bảo vệ việc làm trong quá trình tiếp nhận, xác minh và áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm.

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp đối với việc bảo vệ việc làm của người được bảo vệ

Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp trong việc xem xét, quyết định bảo vệ việc làm theo quy định tại Điều 51 Luật Tố cáo; thực hiện biện pháp bảo vệ việc làm kể từ ngày ban hành quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật Tố cáo. Đồng thời, phải bố trí phương tiện, kinh phí tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ.

Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan yêu cầu người sử dụng lao động chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ theo quy định của pháp luật; xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về lao động đối với người được bảo vệ.

NTH
Tìm kiếm