CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Đề nghị tăng quyền cho Viện kiểm sát nhân dân

07/06/2014
Cỡ chữ:   Tương phản
(BVPL) - Thảo luận tại hội trường sáng 5/6 về dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), đa số đại biểu đề nghị trao thêm quyền cho Viện kiểm sát trong việc điều tra, khởi tố bởi đây là kênh phòng chống tội phạm có hiệu quả cả về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng...
Đề nghị tăng quyền cho Viện kiểm sát nhân dân

(BVPL) - Thảo luận tại hội trường sáng 5/6 về dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), đa số đại biểu đề nghị trao thêm quyền cho Viện kiểm sát trong việc điều tra, khởi tố bởi đây là kênh phòng chống tội phạm có hiệu quả cả về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng.

ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Đoàn Phú Thọ) xác định: “Trước hết, tôi cũng thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với dự luật đã được trình bày tại Quốc hội. Tôi cho rằng đây là dự luật đã được VKSNDTC chuẩn bị khá kỹ lưỡng, công phu, nghiêm túc, bám sát được tinh thần cải cách tư pháp, quá trình tiến hành xây dựng đã có phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt TANDTC. Cho nên có sự tương đồng giữa hai dự luật trình ra Quốc hội”.

 

ĐB Nguyễn Doãn Khánh.

Ông Khánh cho rằng, thực tiễn tội phạm trong hoạt động tư pháp ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Theo kết quả của Viện kiểm sát cho thấy, từ năm 2010 đến nay, cơ quan điều tra VKSNDTC đã khởi tố 169 vụ với 206 bị can là người của các cơ quan tư pháp phạm tội trong hoạt động tư pháp. Vì vậy, việc tổ chức cơ quan điều tra VKSNDTC để trực tiếp điều tra các tội phạm trong hoạt động tư pháp do người của các cơ quan tư pháp thực hiện là cần thiết, góp phần nâng cao tính khách quan và hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm trong hoạt động tư pháp nói riêng.

Mặt khác, Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh cũng cho rằng cần nghiên cứu mở rộng thêm thẩm quyền của cơ quan điều tra VKSNDTC không chỉ giới hạn trong phạm vi đối với các tội phạm trong hoạt động tư pháp do người của cơ quan tư pháp thực hiện trong 2 trường hợp: Một là, khi Viện kiểm sát thấy có dấu hiệu của sự bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc có dấu hiệu oan sai và yêu cầu điều tra bổ sung nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát, trong trường hợp này cần có sự điều tra trực tiếp của Viện kiểm sát. Trường hợp thứ hai là khi Viện kiểm sát có đầy đủ căn cứ để khẳng định, nếu giao cho Cơ quan điều tra khác thực hiện điều tra thì sẽ không đảm bảo tính khách quan, minh bạch, tính nghiêm minh của pháp luật, đặc biệt người phạm tội là người thuộc cơ quan điều tra thì trường hợp này cũng nên giao cho Viện kiểm sát trực tiếp điều tra.

Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, xuất phát từ tính chất đặc thù của các loại hoạt động tư pháp, tội phạm tư pháp mà chủ thể đặc biệt đó là cán bộ các cơ quan tư pháp có sự hiểu biết về pháp luật cao. Điều này lý giải tại sao số lượng các vụ án Viện kiểm sát điều tra có mức độ, các vụ án Viện kiểm sát khởi tố điều tra ít hơn các loại tội phạm khác. Thực trạng nền tư pháp nước ta vẫn còn một số mặt hạn chế, tồn tại đã được Đảng ta đánh giá như sau: Chất lượng hoạt động tư pháp còn chưa cao, vẫn còn tình trạng bắt giam, giữ người trái pháp luật, để xảy ra oan sai trong điều tra, truy tố, xét xử và một bộ phận cán bộ tư pháp xuống cấp về đạo đức. Vì vậy, việc duy trì Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát với tư cách là một cơ quan điều tra chuyên trách, độc lập, để phát hiện, điều tra, xử lý khách quan và phòng ngừa có hiệu quả đối với các tội phạm này là cần thiết.

Còn ĐB Đỗ Văn Đương (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) phát biểu: Xuất phát từ chức năng của VKSND thì công tố là quyết định việc buộc tội cho nên cũng quyết định cả việc bắt giam, quyết định cả việc khởi tố và quyết định việc truy tố, suy cho cùng, Cơ quan điều tra dù có được đặt ở bộ hay ngành nào thì cũng là để dọn đường cho công tố đưa vụ án ra tòa và buộc tội người đó trước Tòa án. Nếu Tòa án thấy không đủ căn cứ, Tòa án trả về cho điều tra bổ sung, Tòa án tuyên hủy, Tòa án tuyên không có tội, tranh tụng mà thua thì Viện kiểm sát phải bồi thường. Pháp luật các nước cũng như là pháp luật nước ta bao giờ cũng dành cho công tố quyền điều tra và quyền điều tra một số vụ án chứ không phải nhiều, do các chức năng kiểm sát tư pháp, cho nên Viện kiểm sát điều tra một số loại tội xảy ra trong hoạt động tư pháp.

 

ĐB Đỗ Văn Đương

Nếu Viện kiểm sát chỉ phát hiện và kiến nghị xử lý những hoạt động vi phạm bề nổi thì sẽ không loại trừ được những hành vi phạm tội ẩn nấp đằng sau vi phạm đó. Thực tiễn cho thấy, trong hoạt động tư pháp có oan sai thì có bóng dáng của tội phạm tham nhũng. Tham nhũng trong hoạt động tư pháp là ăn tiền, nhận hối lộ, tham ô dẫn đến làm sai lệch hồ sơ vụ án, dẫn đến ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật, hai cái này đi cùng với nhau. Vì vậy, cần thiết phải có cơ quan điều tra thuộc VKSND.

ĐB Hà Công Long (Đoàn Gia Lai) nhận định, hoạt động điều tra của VKSND là một công cụ quan trọng trong việc đấu tranh chống tham nhũng cho hoạt động tư pháp. Nên tiếp tục quy định như trong dự thảo luật này là hết sức cần thiết, không cản trở gì với vấn đề thu gọn đầu mối cơ quan điều tra, không ảnh hưởng gì đến các hoạt động điều tra khác.

Cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm

Theo Đại biểu Dương Ngọc Ngưu (Đoàn Điện Biên), về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố quy định tại các Điều 11, 12, 13 của dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi). Đây là những điều mới được bổ sung vào dự án Luật nhưng chúng tôi đề nghị trong những điều luật này có thể ghép lại và cần phải phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra trong việc thông báo kết quả tiếp nhận, xác minh tin báo, tố giác tội phạm, xử lý giải quyết tin báo, tố giác tội phạm cho VKSND cùng cấp để thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố điều tra mà Viện kiểm sát không tiến hành trực tiếp khởi tố điều tra.

Đồng quan điểm, Đại biểu Hồ Văn Năm (Đoàn Đồng Nai) khẳng định, để thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng của VKSND đã được quy định trong Hiến pháp, dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) quy định Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận, trực tiếp giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, bởi vì vấn đề này đã được quy định tại Điều 5 của Luật Tổ chức VKSND hiện hành và được quy định tại khoản 1, Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự. Do đó, nay tiếp tục quy định như trong dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) cũng là kế thừa và phát triển thêm, nhằm tạo điều kiện cho ngành KSND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với Bộ luật Tố tụng hình sự, đồng thời cũng tạo điều kiện cho Viện kiểm sát chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ, chức năng của mình. Khắc phục được tình trạng bỏ lọt tội phạm do đơn tố cáo tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không được giải quyết theo đúng trình tự quy định của pháp luật, kéo dài quá hạn định, hết thời hiệu khởi tố.

Đại biểu Hà Công Long (Đoàn Gia Lai) nhận xét, tổng kết hơn 10 năm thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự cũng như Luật tổ chức VKSND thì càng khẳng định rằng không thể làm tốt chức năng công tố, nếu như không có kiểm sát hoạt động tư pháp và ngược lại không thể kiểm sát hoạt động tư pháp, nếu như không có những hoạt động như trong dự thảo Luật đã quy định. Đó là quyền trực tiếp kiểm sát và giải quyết tin báo, tố giác tội phạm của VKSND.

Đại biểu Long nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, đây là một việc cần phải nghiên cứu thật kỹ, phải thấy được sự cần thiết của hoạt động kiểm sát việc giải quyết tin báo và tố giác tội phạm của VKSND hơn lúc nào hết, khi những vấn đề trong xử lý vi phạm hành chính, trong hoạt động kiểm toán, thanh tra phát hiện những tin báo về tội phạm. Tổng kết các hoạt động đều nói rằng đang có tình trạng hành chính hóa các quan hệ có dấu hiệu của tội phạm thì vai trò, vị trí, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố lại càng đòi hỏi phải có hoạt động kiểm sát này nhiều hơn và làm thế nào để thực hiện được nhiệm vụ khi thành lập Viện kiểm sát mà Đảng và Nhà nước đã nêu ra. Đó là trách nhiệm của VKSND là phải đảm bảo làm thế nào để ai có tội thì phải bị truy cứu trách nhiệm”.    

Đức Thắng

Tìm kiếm