CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

NGƯỜI VIỆN TRƯỞNG VIỆN CÔNG TỐ TRUNG ƯƠNG TRONG MẮT NGƯỜI BẠN ĐỜI

28/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản
Đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, trên khuôn mặt bà Vũ Thị Hải Phương, người vợ, người bạn đời của Viện trưởng Viện Công tố Trung ương (1958-1960) vẫn giữ được nét kiêu sa của thời thiếu nữ. Những lọn tóc ngắn lượn loăn xoăn; đôi mắt nâu tinh tường và chất giọng ấm thuyết phục tôi trong câu chuyện không dứt về những ký ức cuộc đời bà đã trải qua, với những vui buồn hạnh phúc; những hờn tủi, tự hào bên người chồng tài giỏi- ông Bùi Lâm, người Viện trưởng Viện công tố Trung ương đầu tiên. Trong cuộc trò chuyện, tay bà nắm chặt tay tôi chân tình, ấm áp trong những lần xúc động nhớ về người bạn đời của mình: “Sống cùng anh Lâm, tôi thấy cảm phục và yêu thương, thấy con người anh thật đáng quý. Lấy được người như anh, một người đàn ông được mọi người tôn trọng, là một người vợ, trong tôi dâng trào niềm tự hào tôn kính. Tôi tự thấy mình may mắn và hạnh phúc”.Theo gợi ý của Ban Biên tập, tôi quyết định tìm đến nhà cố Viện trưởng Bùi Lâm để được nghe tường tận câu chuyện về cuộc đời ông... Bước vào căn phòng nhỏ nằm trên tầng ba, bà Phương hơi ngạc nhiên trước sự xuất hiện không hẹn trước của tôi. Sau khi nghe tôi nói là phóng viên từ báo Bảo vệ pháp luật của Viện Kiểm sát tới, trong đôi mắt bà ánh lên niềm vui, như gặp lại một người quen cũ

 NGƯỜI VIỆN TRƯỞNG VIỆN CÔNG TỐ TRUNG ƯƠNG

TRONG MẮT NGƯỜI BẠN ĐỜI

Đồng chí Bùi Lâm (ngoài cùng bên phải)

 

Đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, trên khuôn mặt bà Vũ Thị Hải Phương, người vợ, người bạn đời của Viện trưởng Viện Công tố Trung ương (1958-1960) vẫn giữ được nét kiêu sa của thời thiếu nữ. Những lọn tóc ngắn lượn loăn xoăn; đôi mắt nâu tinh tường và chất giọng ấm thuyết phục tôi trong câu chuyện không dứt về những ký ức cuộc đời bà đã trải qua, với những vui buồn hạnh phúc; những hờn tủi, tự hào bên người chồng tài giỏi- ông Bùi Lâm, người Viện trưởng Viện công tố Trung ương đầu tiên. Trong cuộc trò chuyện, tay bà nắm chặt tay tôi chân tình, ấm áp trong những lần xúc động nhớ về người bạn đời của mình: “Sống cùng anh Lâm, tôi thấy cảm phục và yêu thương, thấy con người anh thật đáng quý. Lấy được người như anh, một người đàn ông được mọi người tôn trọng, là một người vợ, trong tôi dâng trào niềm tự hào tôn kính. Tôi tự thấy mình may mắn và hạnh phúc”.Theo gợi ý của Ban Biên tập, tôi quyết định tìm đến nhà cố Viện trưởng Bùi Lâm để được nghe tường tận câu chuyện về cuộc đời ông... Bước vào căn phòng nhỏ nằm trên tầng ba, bà Phương hơi ngạc nhiên trước sự xuất hiện không hẹn trước của tôi. Sau khi nghe tôi nói là phóng viên từ báo Bảo vệ pháp luật của Viện Kiểm sát tới, trong đôi mắt bà ánh lên niềm vui, như gặp lại một người quen cũ… Bà kể về người bạn đời của mình với những tình cảm trân trọng và yêu quý nhất. Giờ đây, trong ngôi nhà nhỏ, vẫn còn in dấu những kỷ niệm về ông, khi con cháu đã trưởng thành và thành đạt trên con đường công danh, nối tiếp truyền thống gia đình, bà càng có nhiều thời gian để tìm lại những ký ức; về lại những nơi ông đã đi qua trong cuộc đời hoạt động cách mạng. Bà kể với chất giọng trầm ấm nhỏ nhẹ và chứa đựng nhiều âm sắc tình cảm nồng ấm, gieo vào lòng người đối diện những cảm xúc đan xen. Trong buổi nói chuyện, bà thường ngước mắt nhìn lên tấm ảnh của ông treo trên tường với ánh nhìn tràn đầy yêu thương, trìu mến... 

Người Viện trưởng Viện công tố Trung ương đáng kính.

Ông có một tuổi thơ vất vả, nhưng chưa một lần nào bà nghe ông than kể về quãng thời gian ấy, mà ông chỉ luôn kể về những gì mà ông đã được học, được rèn luyện từ những khó khăn vất vả. Năm 11 tuổi, ông đã rời quê hương ra ở cùng chú thím nơi đất cảng Hải Phòng và làm công nhân đội than. Cũng chính trong thời gian này, ông được những người công nhân và những người mẹ Pháp tiến bộ nhiệt tình chỉ dạy tiếng Pháp và đặc biệt còn dạy ông cách làm người, cách trở thành người đàn ông chân chính. Là một người thông minh và ham học hỏi, ông đã nhanh chóng tiếp nhận nền văn hoá Pháp với sự chắt lọc cẩn thận và tinh tế của bản thân. Sau này, chính ông cũng không ngờ, từ những bài học đơn giản đó đã giúp ông trở thành người có ích cho cách mạng, trong cuộc kháng chiến cứu quốc, giải phóng dân tộc. Đọc và nói viết thành thạo tiếng Pháp, hiểu biết về văn hoá Pháp. Khi giác ngộ, ông chính là người sang Pari tìm gặp Nguyễn Ái Quốc, và ông cũng chính là người cùng Bác Hồ dự Hội nghị Tua. Theo thời gian, ông trưởng thành trên những con tàu của người Pháp và trở thành thuỷ thủ. Đây cũng chính là “vỏ bọc” an toàn nhất, tạo cơ hội để ông hoạt động cách mạng, tham gia trung chuyển báo chí, tài liệu trong nước và nước ngoài trên những chuyến giao thương. Trong đó có việc đưa các chiến sỹ cách mạng của nước ta ra nước ngoài học tập và trở về, trên chính những con tàu của đế quốc mà không ai nghi ngờ. Ấn tượng để lại trong mỗi người khi tiếp xúc với vị Viện trưởng Bùi Lâm là tính cách vui vẻ; tinh thần khảng khái và tài kể chuyện tiếu lâm. Ông có thể giác ngộ mọi người chỉ bằng những câu chuyện vui nhẹ nhàng, không mang màu sắc lý luận khô cứng; vui đấy, cười đấy mà lại có sức thuyết phục, để người nghe “thẩm thấu” tinh thần cách mạng và háo hức đứng dưới ngọn cờ khởi nghĩa. Kháng chiến thành công, ông nhận sự phân công công tác của Hồ Chủ tịch phụ trách về ngoại giao với người Pháp. Kỷ niệm về ông được những người đồng đội, đồng chí nhắc đến mỗi khi có dịp gặp gỡ, trò chuyện là những lần ông vận dụng tiếng Pháp của mình làm vỏ bọc tài tình. “Ông sử dụng tiếng Pháp rất tài tình, vận dụng cả được tiếng lóng và thổ ngữ của dân lao động. Vì vậy mỗi khi nhận được nhiệm vụ của tổ chức phải đi xa ông luôn đi nhờ xe của chính người Pháp mà không ai mảy may nghi ngờ”.Tham gia hoạt động cách mạng với tinh thần và tư tưởng giải phóng dân tộc, nên khi được phân công giữ những vị trí, trọng trách cao ở bộ máy chính quyền mới, ông Bùi Lâm đều khảng khái từ chối với lí do chưa đủ khả năng để đảm trách công việc mà chỉ xin đứng đằng sau. Bà cười: “Mỗi người có một suy nghĩ và cách làm việc riêng, ông Bùi Lâm cũng vậy. Tôi cùng ông sẻ chia những khó khăn trong đời sống còn về công danh, sự nghiệp tôi hoàn toàn ủng hộ cách làm của ông”. Rồi đến sau này, ông nhận nhiệm vụ Viện trưởng Viện công tố Trung ương (1958-1960), tuy chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, là nền móng để xây dựng nên ngành Kiểm sát ngày nay.

Đám cưới ấn tượng và chiếc giấy hôn thú số 01.

Trong lời kể của bà về người chồng, người cha của những đứa con giữ ấm ngọn lửa trong gia đình; ánh mắt, nụ cười là vẻ mãn nguyện của một người đàn bà hạnh phúc, toại nguyện trong cuộc sống gia đình. Khi kể về kỷ niệm từ thời tuổi trẻ của ông bà, trong đôi mắt nâu pha trộn dòng máu người Pháp của bà ánh lên long lanh, hiện lên trên đôi gò má thoáng ửng hồng với chút thẹn thùng như của một thời thiếu nữ. Bà cho hay bà tham gia hoạt động cách mạng từ đất phố cảng. Trên đất cảng hai ông bà chung sống cùng dãy phố nhưng chưa một lần gặp mặt. Sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, bà nhận nhiệm vụ của tổ chức lên Hà Nội hoạt động trong lực lượng vũ trang nhân dân. Người thiếu nữ mang trong mình dòng máu người Pháp có nét đẹp thanh cao và quý phái đã được mọi người “chấm” cho đồng chí Bùi Lâm- người đồng đội được anh em bạn bè rất mực yêu quý. “Trong buổi gặp mặt đầu tiên, anh Lâm không để lại ấn tượng gì trong tôi, nhưng tôi được nghe và từ cảm phục đến yêu thương anh là qua những lời kể của bạn bè, đồng chí, nhất là anh Mười Hương”. Bà cười, nhìn ra ngoài khung cửa nhỏ, nơi ánh nắng đang ngập tràn trên những cánh hoa..

(Bà Vũ Thị Hải Phương, người vợ, người bạn đời của cố Viện trưởng Công tố Trung ương – Bùi Lâm)

Chất Pháp thấm nhuần trong tính cách và con người ông Bùi Lâm đã thuyết phục bà. Chính người con trai đó đã kể cho bà nghe những câu chuyện về nước Pháp, mà mặc dù trong người bà vẫn còn dòng máu Pháp nóng ấm nhưng những kiến thức và văn hoá Pháp thì bà không biết nhiều. Có một đặc điểm trong những buổi hẹn hò, gặp gỡ là tính galăng, lãng mạn của Bùi Lâm giống như tính cách của đàn ông Pháp. Điều đó, khiến nhiều cô gái ghen tỵ với bà. Ngày đó, lần nào đến chơi với bà, trên tay Bùi Lâm cũng có một bông hồng nhung tặng cho người bạn gái của mình. “Cũng tài thật, ngày ấy hoa rất hiếm, người ta chỉ dùng trong việc thờ cúng vậy mà không hiểu sao anh Lâm vẫn kiếm được hoa trong mỗi lần đến gặp tôi”. Những lần tiếp xúc, cảm mến rồi đến tình yêu nồng cháy, và đến năm 1950 đám cưới của hai người được anh em, bạn bè cùng cơ quan tổ chức trong niềm vui hạnh phúc.Trong những buổi gặp gỡ đồng chí, đồng đội, đám cưới của ông bà luôn là “chủ đề” “nóng” được nhắc đến. Và trong tiềm thức của bà, những ngày tháng đó còn ấn tượng tới bây giờ. Ngày ấy, trong hoàn cảnh khó khăn, việc cưới xin hết sức thiếu thốn, nhưng được bạn bè chung tay giúp đỡ, lo lắng đám cưới của hai người vẫn được chu tất... Bà nhớ, trong sính lễ đưa tới, anh Lâm còn có cho bà mảnh vải may áo dài, có nhẫn cưới và được chuẩn bị cả giường cưới, phòng ngủ rất lịch sự. Trong đám cưới, đáng nhớ nhất có sự tham dự đông đủ của anh em bạn hữu của toàn ngành Công an Hà Nội, cơ quan bạn bè, nơi ông bà công tác. Bà còn nhớ lời của Thủ trưởng cơ quan lúc bấy giờ là đồng chí Doãn Tạo: “Tập trung lo cho đám cưới đồng chí Bùi Lâm được đàng hoàng và là một dấu mốc cho anh em”. Trong đám cưới có người nấu cỗ, người trải chiếu và đặc biệt chiếc giấy hôn thú được vinh dự đề số 01 của Ủy ban hành chính, Chính phủ lâm thời. Có một kỷ niệm bà không thể quên là trong lần theo đoàn Ngoại giao đến Đức năm 1968, bất chợt có một chiếc xe hơi sang trọng xin được đón bà vào Phủ Thủ tướng, bà được tiếp đãi nồng hậu, trân trọng, sau đó bà được nghe mọi người kể những kỷ niệm về bác Bùi Lâm, trong bà dâng lên niềm cảm kích và tự hào cùng tình yêu vô hạn đối với người chồng, người bạn đời.Từ ngày người bạn đời đi về cõi vĩnh hằng, bà luôn ấp ủ được đặt chân tới những nơi ông đã đi qua. Trong chuyến đi xuyên Việt gần đây, bà đã đi thăm lại những nhà tù trước kia là nơi từng giam cầm ông như: Nhà tù Hoả Lò; Côn Đảo; Sơn La… trong đoàn đi có cả những người đã từng ngồi tù với ông. Kỷ niệm về những lần chuyển tù được mọi người nhắc đến, trong đó có những kỷ niệm về người đồng chí kính yêu Bùi Lâm. Bà được nghe vợ chồng người cai ngục Côn Đảo kể lại những ấn tượng của họ về người tù thông minh vui tính, dí dỏm Bùi Lâm ngày nào. Hay đợt chuyển tù từ Hoả Lò lên Sơn La của một tên cai ngục khét tiếng độc ác, hành hạ tù nhân đã được Bùi Lâm giác ngộ chỉ bằng những câu chuyện cười nhẹ nhàng mà có tác động sâu sắc, khiến anh em chuyển tù được đối đãi “dễ thở” hơn.Tiễn tôi ra cổng mà dường như những câu chuyện về ông vẫn còn chưa muốn dứt... Bà cười mãn nguyện nói với tôi trước khi chia tay: “Mọi người luôn nói là phải nỗ lực phấn đấu, rèn luyện và tu dưỡng mới để lại được tình cảm cho những người sống xung quanh mình, nhưng tôi thấy ở anh Lâm là sự bộc lộ giản dị và chân thành nhất những gì mình đã có, đã thuộc về tính cách của con người anh”.

  Bài và ảnh: Trần Tâm

 

 
Tìm kiếm