Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự thảo nội dung trọng tâm những điểm mới của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sửa đổi để việc thảo luận góp ý kiến được tập trung, Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng để bạn đọc biết và tham khảo...
NHỮNG NỘI DUNG MỚI CỦA DỰ THẢO 1 LUẬT TỔ CHỨC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI) VÀ GỢI Ý MỘT SỐ VẤN ĐỀ TẬP TRUNG THẢO LUẬN
Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự thảo nội dung trọng tâm những điểm mới của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sửa đổi để việc thảo luận góp ý kiến được tập trung, Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng để bạn đọc biết và tham khảo.
I. Những nội dung mới của Dự thảo 1 Luật tổ chức VKSND (sửa đổi)
1. Về kết cấu, bố cục
- Trên cơ sở pháp điển hóa Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 (sửa đổi năm 2001), Pháp lệnh tổ chức VKSQS năm 2002, Dự thảo 1 Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) có kết cấu gồm 7 chương, 20 mục, 117 điều:
+ Chương I: Những quy định chung
+ Chương II: Tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân
+ Chương III: Công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND
+ Chương IV: Cán bộ của VKSND
+ Chương V: Viện kiểm sát quân sự
+ Chương VI: Bảo đảm hoạt động của VKSND
+ Chương VII: Điều khoản thi hành.
So với Luật tổ chức VKSND năm 2002, đã giảm 4 chương (do ghép các chương 2 - 6) nhưng tăng thêm 67 điều luật.
- Tất cả các điều luật đều được đặt tên theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (Điều 5).
2. Về nội dung chính của các chương
2.1. Về Chương I: Những quy định chung
Chương này quy định các vấn đề: vị trí, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.
Những nội dung mới cơ bản:
- Bổ sung nguyên tắc bảo đảm pháp chế XHCN trong tổ chức và hoạt động của VKSND (K1Đ5); làm rõ nội dung nguyên tắc độc lập (K4Đ5), nguyên tắc giám sát (K6Đ5);
- Bổ sung quy định về thời hạn thực hiện các quyết định, kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân trong trường hợp các luật chuyên ngành không quy định (K2Đ4).
2.2. Về Chương II: Tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân
Chương này quy định các vấn đề: hệ thống VKSND; thẩm quyền thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể VKSND; cơ cấu tổ chức và cơ cấu cán bộ của từng cấp VKS; tổ chức và hoạt động của Ủy ban kiểm sát ở từng cấp.
Những nội dung mới cơ bản:
- Bổ sung quy định về thẩm quyền thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể VKSND (Điều 7);
- Bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức và cơ cấu cán bộ của các viện THQCT và KSĐT, THQCT và KSXX, các vụ KSHĐTP và Cơ quan Điều tra của VKSNDTC (các điều 10, 11, 12).
- Bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức và cơ cấu cán bộ của VKSND cấp cao, UBKS của VKSND cấp cao và VKSND khu vực (các điều 13, 14, 17, 18);
- Bổ sung quy định về vai trò tư vấn của UBKS đối với các vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự quan trọng, phức tạp và những vấn đề khác theo yêu cầu của Viện trưởng (các điều 9,14, 16, 18, 102, 104, 106).
2.3. Về Chương III:Công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND
Chương này quy định về đối tượng, mục đích của các công tác và nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân.
Những nội dung mới cơ bản:
- Quy định rõ về đối tượng, mục đích, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác tiếp nhận, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố (các điều 19, 20, 21);
- Quy định bổ sung thẩm quyền điều tra vụ án hình sự của VKSND khi THQCT và KSĐT; pháp điển hóa quy định về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tại Quy chế về tổ chức và hoạt động của Cục Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao kèm theo Quyết định số 1169/2010/VKSTC-C6 ngày 19/8/2010 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 29);
- Quy định rõ về đối tượng, mục đích, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp; xác định VKSND là cơ quan quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp (các điều 40, 41, 42, 43);
- Bổ sung quy định về các công tác khác Viện kiểm sát nhân dân đang thực hiện nhưng chưa được Luật quy định (các điều 44, 45, 46, 47, 48, 49).
2.4. Về Chương IV: Cán bộ của VKSND
Chương này quy định về chế độ pháp lý của các chức danh pháp lý, các chức vụ lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân.
Những nội dung mới cơ bản:
- Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng VKSND cấp cao, cấp tỉnh, khu vực, VKSQSTW, Phó Viện trưởng VKSND các cấp (các điều 61, 62, 63, 64, 65, 66);
- Sửa đổi ngạch Kiểm sát viên thành 4 ngạch (Kiểm sát viên VKSNDTC, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp) (Điều 67); Quy định bổ sung tiêu chuẩn của Kiểm sát viên VKSNDTC (Điều 74); Sửa đổi các quy định về Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên (các điều 76, 77, 78, 79, 80, 81);
- Pháp điển hóa một số quy định của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự về Điều tra viên VKSND (ngạch, tiêu chuẩn chung) và quy định về Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT VKSND (các điều 85, 86, 88);
- Pháp điển hóa, bổ sung các quy định về Kiểm tra viên (các điều 89, 90, 91, 92, 93, 94, 95);
- Bổ sung quy định về công chức, viên chức và nhân viên khác của VKSND (các điều 96, 97, 98);
- Bổ sung quy định về cơ chế sử dụng chuyên gia đầu ngành (K2Đ57).
2.5. Về Chương V: Viện kiểm sát quân sự
Chương này quy định các vấn đề có tính đặc thù trong chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, cán bộ, hoạt động giám sát và những điều kiện bảo đảm hoạt động của VKSQS.
Những nội dung mới cơ bản:
- Bổ sung quy định về việc VKSQS bên cạnh chức năng THQCT và KSHĐTP trong Quân đội, còn thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Viện trưởng VKSNDTC và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (K1Đ99);
- Bổ sung quy định về UBKS của VKSQS khu vực (Điều 106);
- Đổi mới cơ chế trình về kinh phí hoạt động của VKSQS (Viện trưởng VKSQSTW lập dự toán báo cáo BQP đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định, không phối hợp với VKSNDTC lập dự toán như hiện nay) (K2Đ109).
2.6. Về Chương VI: Bảo đảm hoạt động của VKSND
Chương này quy định về thẩm quyền quyết định biên chế, số lượng Kiểm sát viên, Điều tra viên VKSND; chế độ đối với cán bộ VKSND; kinh phí hoạt động của VKSND; khen thưởng, kỷ luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý hành chính của VKSND.
Những nội dung mới cơ bản:
- Bổ sung quy định cán bộ, công chức VKSND có thang, bậc lương riêng (PL KSV hiện hành chỉ quy định KSV) (K1Đ111);
- Bổ sung quy định về chế độ đối với Điều tra viên, Kiểm tra viên (K2, 3 Đ111);
- Bổ sung quy định về chế độ khi nghỉ hưu đối với Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên (Đ112);
- Bổ sung quy định về cơ chế sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho VKSND (K4Đ113);
- Bổ sung quy định về khen thưởng, kỷ luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý hành chính của VKSND (các điều 114, 115).
II. Gợi ý một số vấn đề tập trung thảo luận
Qua tổng kết thực tiễn cũng như trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi), nổi lên một số vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, cụ thể như sau:
1. Về việc tổ chức UBKS ở các cấp Viện kiểm sát
Về vấn đề này hiện có các quan điểm sau đây:
Quan điểm thứ nhất đề nghị tổ chức UBKS ở tất cả các cấp Viện kiểm sát vì các lý do sau:
- Ủy ban kiểm sát là cơ chế tập thể thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát bên cạnh vai trò lãnh đạo của cá nhân Viện trưởng, là biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước theo quy định của Hiến pháp. Vì vậy, cùng với nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành, nguyên tắc thảo luận và quyết định tập thể của UBKS phải được áp dụng ở tất cả các Viện kiểm sát.
- Trong 3 cấp Viện kiểm sát hiện nay, UBKS được tổ chức ở hai cấp là VKSNDTC và VKSND cấp tỉnh. Việc không tổ chức UBKS ở VKSND cấp huyện có nguyên nhân từ việc coi các cấp Viện kiểm sát như cấp hành chính, VKSND cấp huyện có thẩm quyền đối với những vụ án, vụ việc đơn giản (tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 7 năm tù). Đến nay, 100% các cơ quan tư pháp cấp huyện trên phạm vi cả nước đã thực hiện thẩm quyền mới theo quy định tại Điều 170 của BLTTHS và Điều 33 của BLTTDS. Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW chủ trương tổ chức hệ thống Viện kiểm sát nhân dân thành 4 cấp, theo cấp xét xử của Tòa án, không theo cấp hành chính. Vì vậy, khi thành lập hai cấp Viện kiểm sát mới là VKSND khu vực và VKSND cấp cao thì cần thiết phải thành lập UBKS ở hai cấp này.
Quan điểm thứ hai cho rằng không cần thiết thành lập UBKS ở VKSND VKSND cấp cao vì VKSND cấp cao là một cấp kiểm sát có thẩm quyền không đầy đủ như các cấp kiểm sát khác (chỉ có thẩm quyền tố tụng trong giai đoạn xét xử); VKSND cấp cao không quản lý, chỉ đạo công tác cán bộ, công tác tài chính đối với VKSND cấp dưới. VKSND cấp cao chịu sự giám sát của cơ quan dân cử (Quốc hội/UBTVQH) chủ yếu bằng hình thức gián tiếp, thông qua việc báo cáo công tác với Viện trưởng VKSNDTC.
Quan điểm thứ ba cho rằng không cần thiết thành lập UBKS ở VKSND VKSND khu vực vì sẽ có những VKSND khu vực số lượng cán bộ ít, không bảo đảm cho việc thành lập UBKS. Đồng thời, tính chất nhiệm vụ của VKSND khu vực không cần phải có UBKS mà Viện trưởng có thể quyết định ngay.
Dự thảo Luật đã thể hiện thành các phương án tại các điều 13, 17.
2. Về Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên
Về vấn đề này hiện có các quan điểm sau đây:
Quan điểm thứ nhất đề nghị quy định Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên là Ủy ban kiểm sát vì cáclý do sau:
- UBKS có thể đánh giá đầy đủ và chính xác nhất về năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức của Kiểm sát viên. Bên cạnh đó, UBKS làm việc theo chế độ thảo luận tập thể và quyết định theo đa số nên có khả năng bảo đảm tính khách quan. Trên thực tiễn, UBKS đang thực hiện việc tuyển chọn Kiểm sát viên để chuẩn bị hồ sơ trình Hội đồng tuyển chọn. Hiện nay, xuất phát từ quan điểm quán triệt nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành, Viện trưởng VKSNDTC đã được pháp luật quy định có thẩm quyền bổ nhiệm Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp (dự kiến cả Kiểm sát viên cao cấp nếu Kiểm sát viên được tổ chức thành 4 ngạch).
- Thực tiễn tổ chức Hội đồng tuyển chọn hiện nay cho thấy những bất cập sau đây: Thứ nhất, thành phần Hội đồng tuyển chọn gồm các thành viên của nhiều ngành khác nhau và thường là lãnh đạo đầu ngành nên việc triệu tập Hội đồng phụ thuộc vào công việc của từng thành viên. Bên cạnh đó, có những trường hợp phải thay đổi, bổ sung thành viên Hội đồng vì lý do về hưu, chuyển công tác khác...khiến cho việc triệu tập Hội đồng rơi vào thế bị động, kéo dài. Thứ hai, bởi hầu hết các thành viên Hội đồng tuyển chọn công tác trong các ngành khác nên không thực sự hiểu rõ năng lực chuyên môn của cán bộ ngành Kiểm sát. Việc tuyển chọn chủ yếu phải dựa trên cơ sở hồ sơ đề nghị của ngành Kiểm sát nên còn mang tính hình thức. Thứ ba, trong Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên cấp tỉnh, cấp huyện, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp này không phải Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn nên đã có trường hợp không đánh giá đúng năng lực, phẩm chất, trình độ chuyên môn của cán bộ được xem xét bổ nhiệm dẫn tới việc xét tuyển có thể chủ quan, phiến diện.
Quan điểm thứ hai cho rằng không nên quy định Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên là Ủy ban kiểm sát. Cơ chế tuyển chọn này đã được Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 1993 quy định nhưng đã bị bãi bỏ bởi Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002. Bất cập của cơ chế này là quy trình tuyển chọn khép kín, có thể không bảo đảm tính khách quan bởi UBKS VKSND cấp tỉnh có số lượng thành viên không nhiều. Quan điểm này đề nghị nên tiếp tục tổ chức Hội đồng tuyển chọn đa thành phần như hiện nay để bảo đảm dân chủ, khách quan và bảo đảm sự giám sát đối với công tác cán bộ của ngành Kiểm sát. Tuy nhiên, trong điều kiện VKSND được tổ chức thành 04 cấp, có cấp kiểm sát không gắn liền với cấp hành chính thì cần đổi mới nhiệm vụ của Hội đồng cho phù hợp. Đồng thời, đối với Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên của VKSND cấp tỉnh, khu vựccó thể giao cho Viện trưởng VKSND cấp tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng để khắc phục tính hình thức.
Quan điểm thứ ba đề nghị chỉ quy định Hội đồng tuyển chọn KSV VKSNDTC, các ngạch KSV khác thực hiện hình thức thi tuyển theo xu thế tuyển chọn công chức hiện nay. Đồng thời cũng phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 49-NQ/TW “nghiên cứu thực hiện cơ chế thi tuyển để chọn người bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp”.
Dự thảo Luật đã thể hiện thành 03 phương án tại các điều 76, 77, 78, 79, 80, 81.
3. Về diện người được bổ nhiệm Kiểm sát viên
Về vấn đề này hiện có các quan điểm sau đây:
Quan điểm thứ nhất cho rằng cần giữ nguyên quy định tại K1Đ42 Luật tổ chức VKSND hiện hành “Kiểm sát viên được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp”. Kiểm sát viên là chức danh pháp lý đặc thù của ngành Kiểm sát, chỉ thực hiện các công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp là hợp lý. Các công tác khác có thể giao cho các chức danh khác của ngành Kiểm sát thực hiện. Hơn nữa, việc quy định nhiệm vụ của Kiểm sát viên như vậy cũng nhằm phân biệt với nhiệm vụ của Kiểm tra viên.
Quan điểm thứ hai đề nghị bổ nhiệm Kiểm sát viên đối với người làm việc trong một số công tác khác của VKSND (như công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm, công tác pháp chế, hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ…) nhằm tạo nguồn cán bộ phục vụ cho công tác luân chuyển.
Dự thảo Luật đã thể hiện thành 02 phương án tại Điều 51, K1Đ68.
4. Về ngạch Kiểm sát viên
Về vấn đề này hiện có các quan điểm sau đây:
Quan điểm thứ nhất cho rằng khi hệ thống Viện kiểm sát được tổ chức thành 4 cấp thì để bảo đảm tính tương thích, cần tổ chức Kiểm sát viên thành 4 ngạch là Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên sơ cấp, vì các lý do sau:
- Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND hiện hành quy định ba ngạch Kiểm sát viên, gồm: Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp. Trong thực tiễn vẫn gặp phải những bất cập sau: Thứ nhất, không điều chuyển được Kiểm sát viên VKSND tối cao về làm nhiệm vụ tại phiên tòa sơ thẩm cấp tỉnh, vẫn phải ủy quyền cho Viện kiểm sát cấp tỉnh thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự do VKSND tối cao lập cáo trạng truy tố; Thứ hai, ở VKSND cấp huyện chỉ có Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, trong khi cơ quan điều tra cấp huyện bố trí cả Điều tra viên cao cấp là không tương xứng về vị thế khi thực hiện nhiệm vụ. Thứ ba, theo tinh thần Kết luận số 79/LK-TW khi VKSND được tổ chức thành 4 cấp thì số lượng Kiểm sát viên VKSND tối cao phải được tinh giản.
- Việc tổ chức 4 ngạch Kiểm sát viên sẽ bảo đảm hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát ở mỗi cấp; bảo đảm việc điều động, luân chuyển Kiểm sát viên giữa các cấp kiểm sát được thông suốt, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, liên tục trong việc giải quyết án của Kiểm sát viên, đáp ứng được yêu cầu xây dựng, tăng cường, phát triển đội ngũ Kiểm sát viên (mở rộng nguồn tuyển chọn, bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa, tạo động lực mạnh mẽ để từng Kiểm sát viên phấn đấu, nâng cao chất lượng Kiểm sát viên các cấp).
Quan điểm thứ hai cho rằng việc tổ chức 4 ngạch Kiểm sát viên sẽ tạo ra sự không thống nhất với quy định về ngạch công chức hiện nay (chỉ có 3 ngạch), dẫn đến việc không có cơ sở pháp lý để bảo đảm các chế độ tương ứng đối với các ngạch Kiểm sát viên.
Dự thảo Luật thể hiện vấn đề này tại Điều 67.
5. Về nhiệm kỳ của Kiểm sát viên
Thựchiện chủ trương “tăng thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm không có kỳ hạn” theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, hiện nay có các quan điểm đổi mới nhiệm kỳ của Kiểm sát viên như sau:
Quan điểm thứ nhất đề nghị không quy định nhiệm kỳ đối với Kiểm sát viên vì các lý do sau: Thứ nhất, chức danh Kiểm sát viên là chức danh nghề nghiệp, thể hiện lĩnh vực công tác thuộc về chuyên môn nên không thể quy định nhiệm kỳ. Thứ hai, khi gần đến thời hạn bổ nhiệm lại, các Kiểm sát viên thường mang nặng tâm lý né tránh, ngại va chạm, ảnh hưởng đến tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Thứ ba, thực tế cho thấy thủ tục bổ nhiệm lại mang nặng tính hình thức, lãng phí về thời gian và tiền bạc trong khi đa số kiểm sát viên đều được bổ nhiệm lại, số lượng kiểm sát viên không được bổ nhiệm lại là rất ít. Thứ tư, thủ tục bổ nhiệm lại thường không kịp thời dẫn đến có một khoảng thời gian sau khi nhiệm kỳ đã kết thúc mà chưa kịp tiến hành bổ nhiệm lại thì kiểm sát viên không được tiến hành thủ tục tố tụng, làm chậm tiến độ công việc chung. Thứ năm, đã có các quy định về miễn nhiệm, cách chức kiểm sát viên trong từng trường hợp cụ thể để xử lý nên không cần thiết phải quy định nhiệm kỳ.
Quan điểm thứ hai cho rằng việc không quy định nhiệm kỳ có thể dẫn đến việc Kiểm sát viên sau khi đã được bổ nhiệm phát sinh tâm lý chủ quan, thiếu tinh thần, ý chí phấn đấu; do đó, nên tăng thời hạn bổ nhiệm (có thể lên đến 10 năm) để bảo đảm Kiểm sát viên thường xuyên nâng cao ý thức rèn luyện và trách nhiệm trong công việc, đồng thời, có cơ chế đánh giá cán bộ thận trọng, hiệu quả.
Quan điểm thứ ba đề nghị có sự phân biệt trong quy định về nhiệm kỳ, cụ thể là: đối với Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên cao cấp có thể bổ nhiệm không có kỳ hạn, kết hợp với việc giám sát, kiểm tra, kỷ luật chặt chẽ; đối vớiKiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp nên có nhiệm kỳ, cao nhất là 10 năm.
Dự thảo Luật đã thể hiện thành 02 phương án tại Điều 52.
6. Về việc quy định Vụ trưởng (hoặc Viện trưởng) các vụ (hoặc viện) THQCT và KSĐT, THQCT và KSXX vụ án hình sự ở VKSNDTC, Trưởng phòng các phòng THQCT và KSĐT, THQCT và KSXX vụ án hình sự ở VKSND cấp cao, cấp tỉnh, khu vực là chức danh tố tụng
Về vấn đề này hiện có các quan điểm sau đây:
Quan điểm thứ nhất cho rằng theo quy định của pháp luật tố tụng hiện nay, thẩm quyền tố tụng chủ yếu tập trung vào Viện trưởng VKSND các cấp, trong khi đó, Viện trưởng chủ yếu làm công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, không trực tiếp tiến hành tố tụng, vì vậy, trong thực tế, Viện trưởng đã ủy quyền hầu hết các thẩm quyền của mình cho các Kiểm sát viên giữ chức vụ Vụ trưởng ở VKSNDTC, Trưởng phòng ở VKSND cấp tỉnh. Việc ủy quyền này cũng không hoàn toàn phù hợp về pháp lý. Vì vậy, cần quy định Viện trưởng các viện THQCT và KSĐT, THQCT và KSXX vụ án hình sự ở VKSNDTC (sau khi đổi tên “vụ” thành “viện”) hay Trưởng phòng các phòng THQCT và KSĐT, THQCT và KSXX vụ án hình sự ở VKSND cấp cao, cấp tỉnh, khu vực là người tiến hành tố tụng, đồng thời phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát với các chức danh này.
Quan điểm thứ hai đề nghị chỉ nên quy định Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên là các chức danh tố tụng như quy định của pháp luật hiện hành. Vụ trưởng (hoặc Viện trưởng) các vụ (hoặc viện) THQCT và KSĐT, THQCT và KSXX vụ án hình sự ở VKSNDTC hay Trưởng phòng các phòng THQCT và KSĐT, THQCT và KSXX vụ án hình sự ở VKSND cấp cao, cấp tỉnh, khu vực đều có thể tham gia tố tụng với chức danh Kiểm sát viên. Nếu quy định họ tham gia tố tụng với tư cách Viện trưởng viện nghiệp vụ hoặc Trưởng phòng nghiệp vụ thì không tương đồng với các chức danh tố tụng của Cơ quan điều tra (Thủ trưởng CQĐT, Điều tra viên), của Tòa án (Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Thư ký). Hơn nữa cũng chưa thực hiện đúng tinh thần chủ trương của Nghị quyết số 49-NQ/TW về việc “Phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng tư pháp theo hướng tăng quyền và trách nhiệm cho Kiểm sát viên để họ chủ động trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và quyết định tố tụng của mình”.
7. Về việc quy định Kiểm tra viên là một chức danh tố tụng
Về vấn đề này hiện có các quan điểm sau đây:
Quan điểm thứ nhất cho rằng pháp luật về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính hiện hành đã quy định Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng. Trong thời gian tới, có thể sẽ có 4 ngạch Kiểm sát viên. Mỗi cấp Viện kiểm sát có nhiều loại Kiểm sát viên. Các Kiểm sát viên cấp dưới bên cạnh nhiệm vụ THQCT và KSHĐTP trong các vụ việc do mình thụ lý, còn có thể tham gia vào các vụ việc do các Kiểm sát viên cấp cao hơn thụ lý để THQCT và KSHĐTP theo sự chỉ đạo của Kiểm sát viên cấp cao hơn, đặc biệt là đối với đội ngũ Kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp làm việc ở VKSND cấp tỉnh, cấp cao và VKSNDTC. Việc đưa Kiểm tra viên thành một chức danh tố tụng là không cần thiết.
Quan điểm thứ hai cho rằng mỗi ngạch Kiểm sát viên có thẩm quyền THQCT và KSHĐTP thuộc trách nhiệm của mình, Kiểm sát viên cấp dưới không phải là người “giúp việc” cho Kiểm sát viên cấp cao hơn. Trong thực tiễn hiện nay, Kiểm tra viên vẫn được giao nhiệm vụ hỗ trợ Kiểm sát viên trong việc giải quyết vụ án, được Kiểm sát viên giao thực hiện một số hoạt động tố tụng đơn giản và Kiểm sát viên vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện hoạt động đó. Vai trò này của Kiểm tra viên cũng tương tự như vai trò của Thư ký Tòa án, mà Thư ký Tòa án là một chức danh tố tụng. Vì vậy, quan điểm này đề nghị nên mở rộng diện người tiến hành tố tụng đến Kiểm tra viên. Kiểm tra viên giúp Kiểm sát viên thực hiện một số hoạt động THQCT và KSHĐTP theo quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của KSV. Đồng thời, đội ngũ Kiểm tra viên này sẽ là nguồn nhân lực có chất lượng tốt để bổ nhiệm Kiểm sát viên.
Dự thảo Luật thể hiện vấn đề này tại K3Đ51, Điều 95.
8. Về thẩm quyền điều tra của VKSND khi THQCT và KSHĐTP
Về vấn đề này hiện có các quan điểm sau đây:
Quan điểm thứ nhất cho rằng K2Đ13 Luật tổ chức VKSND hiện hành quy định: Khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, VKSND có quyền “trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật” là phù hợp cả về phạm vi thẩm quyền và khả năng thực hiện việc điều tra của Viện kiểm sát.
Quan điểm thứ hai cho rằng Điều 12 Luật tổ chức VKSND 2002 đã quy định: khi THQCT và KSĐT vụ án hình sự, VKS có trách nhiệm “không để lọt tội phạm và người phạm tội”. Trên thực tế, khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, có những vụ án VKSND yêu cầu khởi tố, đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra, nhưng cơ quan điều tra không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu của Viện kiểm sát thì pháp luật lại không có quy định để xử lý trách nhiệm cũng như các hoạt động tiếp theo đối với vụ án. Trong bối cảnh các văn kiện, nghị quyết của Đảng đều chủ trương phải “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, thì bên cạnh quyền được “trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra”, cần quy địnhkhi THQCT và KSHĐTP, VKSND có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự trong các trường hợp sau đây:
- Vụ án Viện kiểm sát đã yêu cầu khởi tố, điều tra nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc có vi phạm pháp luật;
- Vụ án do Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng xét thấy không cần thiết phải chuyển cho cơ quan điều tra, cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Dự thảo Luật đã thể hiện vấn đề này tại K1Đ29.
9. Về thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân
Về vấn đề này hiện có các quan điểm sau đây:
Quan điểm thứ nhất cho rằng cần giữ nguyên quy định về thẩm quyền điều tra của CQĐT VKSND như hiện nay, theo đó, CQĐT của VKSND có thẩm quyền điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp.
Quan điểm thứ hai đề nghị tiếp tục quy định thẩm quyền điều tra của CQĐT VKSND như hiện nay; đồng thời bổ sung thẩm quyền điều tra một số loại tội phạm có nguồn gốc phát sinh từ việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ các cơ quan tư pháp hoặc các tội phạm có liên quan đến các tội phạm do CQĐT của VKSND đang tiến hành điều tra. Thực tế trong thời gian qua, theo Điều 4 Quy chế về tổ chức và hoạt động của Cục Điều tra VKSNDTC kèm theo Quyết định số 1169/2010/VKSTC-C6 ngày 19/8/2010 của Viện trưởng VKSNDTC thì CQĐT VKSND đã tiến hành điều tra các tội phạm này.
Quan điểm này cũng đề nghị bổ sung quy định CQĐT VKSND có thẩm quyền điều tra những vụ án khác được Viện trưởng VKSNDTC giao, đó là các vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của VKSND khi THQCT và KSĐT (đã trình bày ở Mục 7) mà Viện trưởng thấy cần thiết phải giao cho CQĐT VKSND thực hiện.
Dự thảo Luật đã thể hiện vấn đề này tại K2Đ29.
10. Về việc tổ chức các đơn vị cấp phòng ở VKSND cấp cao, cấp tỉnh, khu vực
Về vấn đề này hiện có các quan điểm sau đây:
Quan điểm thứ nhất cho rằng khi thành lập VKSND cấp cao, ở VKSND cấp cao nên tổ chức các phòng. Việc thành lập các “vụ” ở VKSND cấp cao là không hợp lý về mặt tổ chức trong mối quan hệ với VKSNDTC vì các đơn vị ở VKSND cấp cao phải chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ của các đơn vị chức năng thuộc VKSND tối cao (là các đơn vị cấp vụ). Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính thì các đơn vị chức năng thuộc VKSND tối cao (Vụ 3, Vụ 5, Vụ 12) là các đơn vị có thẩm quyền tố tụng cao hơn VKSND cấp cao (có quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc xét xử, giải quyết các vụ án do TAND cấp cao đã xét xử bị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm).
Quan điểm này cũng cho rằng khi thành lập VKSND khu vực thì cần tổ chức các đơn vị cấp phòng tại các VKSND khu vực đối với những đơn vị có khối lượng công việc từ 400 vụ án các loại/năm trở lên, nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý, điều hành, đảm bảo tính chuyên sâu, phù hợp với dự kiến thành lập các tòa chuyên trách của TAND sơ thẩm khu vực.
Quan điểm thứ hai cho rằng nếu tổ chức các đơn vị cấp phòng ở cả ba cấp VKSND cấp cao, cấp tỉnh, khu vực thì không thể hiện được mối quan hệ thứ bậc giữa các đơn vị nghiệp vụ của VKSND cấp trên với các đơn vị nghiệp vụ tương ứng của VKSND cấp dưới. Cần nghiên cứu mô hình phù hợp hơn (Ví dụ: cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực được tổ chức theo cấp hành chính từ trung ương xuống địa phương gồm bộ, sở, phòng, ban).
Dự thảo Luật đã thể hiện vấn đề này tại các điều 13, 15, 17.
Trên đây là những nội dung mới của Dự thảo 1 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và một số vấn đề cơ bản còn quan điểm khác nhau, đề nghị các đồng chí tập trung thảo luận, cho ý kiến.