Tôi lên Vũ Quang (Hà Tĩnh) vào một ngày trời mưa tầm tã, theo con đường tỉnh lộ 15 ngược ngàn lên mạn Hương Khê, từ đó mới theo con đường Hồ Chí Minh lịch sử để đi sang huyện mới Vũ Quang nằm giữa bốn bề rừng xanh, núi thẳm, nơi mà ngày xưa chí sỹ yêu nước Phan Đình Phùng và tướng quân Cao lũy, quyết chiến với thực dân Pháp xâm lược. Theo con đường mà ngày xưa Phan Đình Phùng và tướng quân Cao Thắng đã bao lần dẫn quân đi công đồn Hà Tĩnh, làm nên những chiến công hiển hách khiến quân Pháp bao phen kinh hồn, bạt vía, phải nhiều lần điều đại quân với những khí tài quân sự hiện đại để đối phó với những nông dân chân đất, quần đùi áo vải, với những khẩu súng tự chế do tướng quân Cao Thắng nghiên cứu, chế tác bắn bách phát bách trúng. Tiếng mưa rừng cộng với suối lũ như văng vẳng đâu đây những bước tiến công thần tốc của nghĩa quân Phan Đình Phùng năm xưa.
Về với Vũ Quang
Đồng chí Trần Hữu Long – Viện trưởng Viện KSND huyện Vũ Quang
Tôi lên Vũ Quang (Hà Tĩnh) vào một ngày trời mưa tầm tã, theo con đường tỉnh lộ 15 ngược ngàn lên mạn Hương Khê, từ đó mới theo con đường Hồ Chí Minh lịch sử để đi sang huyện mới Vũ Quang nằm giữa bốn bề rừng xanh, núi thẳm, nơi mà ngày xưa chí sỹ yêu nước Phan Đình Phùng và tướng quân Cao lũy, quyết chiến với thực dân Pháp xâm lược. Theo con đường mà ngày xưa Phan Đình Phùng và tướng quân Cao Thắng đã bao lần dẫn quân đi công đồn Hà Tĩnh, làm nên những chiến công hiển hách khiến quân Pháp bao phen kinh hồn, bạt vía, phải nhiều lần điều đại quân với những khí tài quân sự hiện đại để đối phó với những nông dân chân đất, quần đùi áo vải, với những khẩu súng tự chế do tướng quân Cao Thắng nghiên cứu, chế tác bắn bách phát bách trúng. Tiếng mưa rừng cộng với suối lũ như văng vẳng đâu đây những bước tiến công thần tốc của nghĩa quân Phan Đình Phùng năm xưa... Những dòng nước từ triền núi đổ xuống quyện với màu đất đỏ Bazan như những dòng máu anh hùng trong các trận tử chiến năm xưa. Những dòng máu anh hùng thấm vào đất, nuôi đất nuôi cây để đời sau nở hoa kết trái. Mà ngang dọc giải đất hình eo thắt lưng này, đất nơi đâu chẳng thấm máu của những người con anh hùng, đã làm nên những huyện thoại như Xô viết Nghệ Tĩnh, là Ngã ba Đồng Lộc, là Khe Giao, Núi Nài... Đất nơi đâu chẳng có một phần xương thịt của cha anh... Trong miên man suy nghĩ, tôi qua dốc đèo Đồng Bụt, Địa Lợi lúc nào chẳng hay, hiển diện trước mặt tôi là con đường Hồ Chí Minh đẹp như một dải lụa vắt mình qua những triền núi, ẩn hiển trong làn mưa trắng xoá mờ ảo. Đi trên con đường rải thảm êm như ru, mặc dù đi trong mưa rừng nhưng những mệt mỏi của đoạn đường đèo dốc quanh co của tỉnh lộ 15 vừa qua chợt tan biến đi đâu hết. Cũng là cung đường vượt núi, qua đèo, nhưng đường Hồ Chí Minh lịch sử này đã làm đổi thay một vùng đất vốn dĩ hoang vu, hẻo lánh của tỉnh Hà Tĩnh, là mạch máu thông thương giữa các huyện miền núi phía Tây, là cầu nối với 2 tỉnh Nghệ An và Quảng Bình. “Đường đẹp lắm! Ơn Đảng, ơn Chính phủ nhiều lắm!” - như lời nói tự đáy lòng của những người dân nơi đây.
Thị trấn Vũ Quang nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, mặc dù mới thành lập được 8 năm nhưng đã mang dáng vóc của 1 trung tâm văn hoá, chính trị hiện đại, phát triển. Là một huyện miền núi mới thành lập, nhưng Vũ Quang được sự chung sức xây đắp của cả Trung ương và tỉnh nhà nên trong những năm qua đã phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng, vật chất. Trung tâm huyện Vũ Quang giờ là những ngôi nhà cao tầng đẹp như những toà biệt thự, được bố trí hợp lý trên những quả đồi xanh ngát thông, keo, bạch đàn; có những toà nhà nằm lãng mạn bên dòng sông Ngàn Trươi uốn lượn ngay giữa lòng thị trấn. Qua cơn mưa, thị trấn miền núi vốn dĩ đã trong lành càng trong lành, mát mẻ hơn, nên thơ nên nhạc hơn. Mà đẹp thật! trong 12 trung tâm đô thị của tỉnh Hà Tĩnh, thì có thể khẳng định rằng thị trấn Vũ Quang yên bình, nên thơ, nên nhạc nhất. Giữa lòng thị trấn nên thơ, nên nhạc ấy, giữa bao ngôi nhà tường cao, ngói mới vừa hoàn thiện ấy, trụ sở Viện KSND huyện Vũ Quang nổi bật với thiết kế hài hoà hợp lý, khang trang hiện đại nằm giữa trục đường trung tâm. Đứng ở bất kỳ góc độ nào của thị trấn, cũng có thể thấy vóc dáng trụ sở VKSND huyện nổi bật giữa bao trụ sở mới xây của các cơ quan, ban ngành khác của huyện Vũ Quang. Mà đúng như lời anh Trần Vinh Hiển, Phó Chánh văn phòng Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh đã nói với tôi trước lúc lên đường “Em cứ lên đấy, không phải hỏi ai đâu, cứ theo con đường trung tâm của thị trấn, thấy toà nhà nào cao, đẹp nhất thì em cứ tiến thẳng vào, đó là Viện KSND huyện Vũ Quang”. Tôi làm theo và đúng thật! Đón tôi trước tiền sảnh đơn vị là đồng chí Trần Hữu Long- Viện trưởng. Khác với những lần gặp gỡ trước trong các cuộc Hội nghị, giao ban tại Viện KSND tỉnh với mũ Giắckét, áo bành tô của Ngành, hoặc bộ comlê chỉn chu, trang trọng, bây giờ đồng chí đón tôi với mái đầu đang ướt nước mưa và 2 bên ống quần ướt sũng. Thay cho lời giải thích, đồng chí nói ngay “Mình vừa đi khám nghiệm tử thi về, bên Công an báo tin có 1 đối tượng chết trên bè gỗ lúc 4h30’ sáng, làm mãi đến giờ mới xong” rồi kéo tôi lên phòng ở tầng 2 của đơn vị. Máu làm báo nổi lên, tôi định hỏi về vụ việc vừa xảy ra xem có thông tin nào đáng chú ý không thì đồng chí đã nheo mắt cười “Chú mày còn ở lại lâu, làm ly nước chè cho ấm bụng đã”. Trong phút chốc, những bỡ ngỡ, ngại ngùng ban đầu tan biến, chúng tôi ngồi nói chuyện thân tình như những người thân lâu ngày gặp mặt. Quay đi quay lại, chúng tôi cùng nói về chuyện ngành, chuyện nghề, chuyện vui buồn, khó khăn trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị từ khi thành lập đến nay. Đôi mắt người Viện trưởng tiên phong ở đơn vị miền núi lúc nói về chuyện ngày xưa cứ như hoài niệm về một dĩ vãng nào đấy xa xăm lắm. Là câu chuyện từ lúc đơn vị mới thành lập năm 2000 với bao khó khăn bộn bề, biên chế 3 đồng chí, cả lãnh đạo, KSV phải ở tạm trong 1 căn phòng mượn của Vườn quốc gia Vũ Quang, cùng nhau làm việc trong căn phòng ở dãy nhà cấp 4 xập xệ bởi ảnh hưởng của mưa, bão miền rừng núi. Mùa Đông thì gió lộng rét cắt da cắt thịt, mùa hè thì gió Lào ngột ngạt, nóng bức. Mà cán bộ, KSV đều được điều chuyển từ các đơn vị như VKS Hương Khê, Đức Thọ, TX Hồng Lĩnh. Những ngày đầu thành lập huyện, chưa có đường mòn Hồ Chí Minh êm, đẹp như bây giờ, có lúc hàng tháng trời không ai về thăm nhà. Trời nắng ráo cũng phải mất non nửa ngày đường mới ra đến đường cái để đi lên Hương Khê, xuôi về Đức Thọ; còn vào mùa mưa lũ thì cứ gọi là “Xe gửi nhà dân, giày dép trên vai. Vượt núi băng rừng, thử thách chí trai” như câu thơ quen thuộc anh em sáng tác và đọc cho nhau nghe những lúc trà dư tửu hậu. Hình ảnh người Viện trưởng VKSND huyện chân đất, chân giày, vào trưa thứ 2 đi bộ đến trụ sở làm việc đã quen mắt với bao người dân ở đây vào những năm đầu thế kỷ 20. Như đồng chí nói: “Bọn mình đi đường, thụt chân xuống bùn bị mất giày, mất dép thường xuyên. Nhiều lúc chân thụt sâu dưới bùn đất đỏ Bazan, phải nhờ người đến kéo mới rút chân lên được. Nếu lỡ đi xe máy mà sụp bùn thì chỉ có thuê người dân gánh về đơn vị”. Cái khổ về điều kiện vật chất, nơi ăn chốn ở là một, nhưng cái khổ về việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là mười, là một trăm và hơn thế nữa...
Trụ sở Viện KSND Vũ Quang (Hà Tĩnh)
Huyện Vũ Quang lúc mới thành lập là huyện miền núi – biên giới với diện tích đất lâm nghiệp có rừng chiếm 61,22%; cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng yếu kém; tỷ lệ đói nghèo hơn 54%; chỉ khoảng 69% số hộ dân được dùng điện; cơ sở vật chất các ngành như Y tế, giáo dục yếu và thiếu; toàn huyện chưa có đường nhựa; hầu hết các xã ôtô chưa đến được trung tâm..v..v... Trong muôn vàn khó khăn thiếu thốn chung ấy, thì việc các cơ quan bảo vệ pháp luật trên địa bàn huyện, trong đó có đơn vị VKS Vũ Quang thực hiện được chức năng của mình là một kỳ tích, chứ chưa nói đến là thực hiện tốt, xuất sắc chức năng, nhiệm vụ! Nhiều câu chuyện về khám nghiệm hiện trường, tử thi cứ như chuyện lạ có thật. Những tin báo do người dân đi rừng về cung cấp như: Có một thanh niên chết dưới khe, trong rừng sâu giáp Lào. Đến khi đoàn chức năng vào được đến nơi phát hiện nạn nhân bị mất tay, mất chân, trên đầu có vết thương như bị vật cứng đánh vào. Lại phải khám nghiệm ti mỉ, chi tiết hơn, mở rộng vùng điều tra và diện điều tra, để rồi đi đến một kết luận là “do nạn nhân đi rừng, bị cành cây khô rơi từ trên cao xuống trúng đầu, bị choáng và ngã xuống khe chết, bị thú rừng ăn mất tay, mất chân”. Hay như câu chuyện người đàn ông chết trên bè gỗ phát hiện vào lúc gần sáng mới đây, trong điều kiện mưa rừng, suối lũ như đã đề cập ở trên. Đích thân đồng chí Viện trưởng Trần Hữu Long theo xe của Công an huyện đi kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, tử thi. Trời mưa như trút nước, vào đến hiện trường chỉ thấy tối tăm mặt mũi vì mưa rừng, chiếc bè gỗ mắc kẹt bên kia bờ sông, giữa bãi đá và các rễ cây rừng trôi về. Ánh đèn pha ô tô chiếu hết cỡ cũng chỉ thấy lờ mờ một màu mưa trắng xoá và nước lũ trôi về réo ầm ầm. Phải thuê mấy trai làng lực lưỡng, quen thuộc địa hình dùng dây thừng cỡ lớn định vị bè gỗ, bọc nạn nhân vào tăng bạt khéo léo đưa vào bờ, chờ đến lúc trời hửng sáng mới thực hiện được những thao tác nghề nghiệp và đi đến kết luận ban đầu: “Nạn nhân bị trúng độc do uống quá nhiều rượu, trong điều kiện cảm mạo vì mưa lạnh”.Rồi tới những câu chuyện vui như trong những ngày nghỉ, rảnh rỗi, anh em trong cơ quan rủ nhau xuống bờ sông xiên cá, vào rừng bắn chim về cải thiện đời sống. Anh Trần Minh Hải (giờ đã chuyển về VKS huyện Nghi Xuân) nổi tiếng là một tay sát cá, thiện xạ bắn chim. Mà sông suối ngày ấy nhiều cá, rừng nhiều chim nên có những hôm anh em trong đơn vị kết hợp mời thêm các đơn vị bạn như Công an, Toà án, Thi hành án... sang cùng nhau liên hoan, vui và thân tình như anh em một nhà. Cũng vì có mối đoàn kết, giao hảo thân tình trong khối Nội chính như vậy, nên từ khi thành lập đến nay, VKS Vũ Quang luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành, đã kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố gần 100 vụ án, nhưng chưa có vụ án nào phải đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội; không có vụ án nào phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung; không có vụ án nào quá hạn điều tra, truy tố, xét xử; không có vụ án nào bị Toà án tuyên không phạm tội, hoặc bị cấp trên kháng nghị, xử huỷ án để điều tra, xét xử lại..v..v.... Hàng năm, đơn vị còn chủ động phối hợp với Công an, Toà án chọn để giải quyết nhiều vụ án theo thủ tục án hình sự trọng điểm; phối hợp cùng Toà án tổ chức gần 40 phiên toà xét xử lưu động nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, đơn vị đã phát hiện được nhiều vi phạm trong công tác điều tra, giải quyết án của cơ quan Công an, Toà án, cũng như trong công tác tổ chức THA của cơ quan THA huyện, năm nào cũng ban hành được nhiều kháng nghị, kiến nghị yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục. Đặc biệt, đơn vị rất chú trọng trong công tác nắm tin báo tội phạm, kiểm sát việc phân loại xử lý của Cơ quan điều tra. Nếu tin báo nào có dấu hiệu tội phạm nhưng Cơ quan điều tra chậm xử lý, hoặc để lọt tội phạm, đơn vị ngay lập tức kiến nghị khởi tố, hoặc ra văn bản yêu cầu khởi tố. Điển hình là mới đây, qua kiểm sát xử lý tin báo, phát hiện CQĐT Công an huyện Vũ Quang ra quyết định không khởi tố vụ TNGT xảy ra vào ngày 23/10/2007 tại xã Sơn Thọ có dấu hiệu phạm tội, đơn vị đã ra quyết định huỷ quyết định không khởi tố của CQĐT và ra quyết định khởi tố vụ án Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, yêu cầu CQĐT tiến hành điều tra. Đến nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị VKS truy tố theo quy định của pháp luật.Trong cái bắt tay và câu chuyện chân tình, gửi gắm của đồng chí Viện trưởng Trần Hữu Long, tôi hiểu rất rõ rằng, sau 8 năm thành lập, dẫu là một huyện miền núi, địa bàn hiểm trở, có đường biên giáp ranh với nước bạn Lào, dân cư phân bố không đồng đều, trình độ dân trí thấp, mật độ dân ngoại tỉnh tập trung và qua lại trên địa bàn nhiều, song cho đến nay tình hình an ninh chính trị trên địa bàn huyện Vũ Quang ổn định, không phát hiện trường hợp nào vượt biên trái phép để làm ăn hoặc xâm nhập biên giới trái phép; an ninh vùng giáo bình thường, không có hoạt động khiếu kiện, gây rối loạn của các giáo dân; diễn biến tâm lý của nhân dân ổn định, yên tâm và tin tưởng vào chính sách, đường lối lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước... một phần lớn là nhờ sự năng nổ, nhiệt tình và có trách nhiệm của các cán bộ, Kiểm sát viên VKSND huyện Vũ Quang trong công tác bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Giờ đây, huyện mới Vũ Quang đã thay da đổi thịt, VKS Vũ Quang cũng đã có điều kiện cơ sở vật chất rất tốt để có thể thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Công trình thủy lợi Ngàn Trươi- Cẩm Trang, một công trình trọng điểm quốc gia đã động thổ; Mỏ sắt ở Sơn Thọ- Vũ Quang đã đi vào khai thác, những dự án lớn của các tổ chức quốc tế đã và bắt đầu triển khai, sẽ có hàng ngàn người dân đổ về Vũ Quang làm việc và xây dựng đời sống mới, trước mắt sẽ là những khó khăn bộn bề trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ tình hình trật tự trị an, đấu tranh, phòng ngừa với nhiều loại tội phạm mới phát sinh... Nhưng tôi tin, VKS Vũ Quang sẽ phối hợp tốt với các cơ quan, ban ngành để hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của mình, xứng đáng với sự tin cậy của Ngành, của nhân dân.
Bùi Tiến