CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Những vướng mắc từ thực tiễn trong việc xử lý đối với vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp

23/05/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
1. Vật chứng vụ án, quy định về bảo quản, xử lý vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp theo pháp luật hiện hành. Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định...

1. Vật chứng vụ án, quy định về bảo quản, xử lý vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp theo pháp luật hiện hành.

Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về vật chứng vụ án hình sự như sau “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.”; Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đồ vật bị thu giữ đều được xác định là vật chứng của vụ án, mà chỉ những đồ vật nào thỏa mãn đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ (tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp) thì mới được xác định là vật chứng của vụ án; Đối với những đồ vật khác như Chứng minh thư nhân dân, Giấy phép lái xe…chỉ có ý nghĩa trong việc xác định nhân thân của người phạm tội hoặc làm căn cứđể xác định khung, khoản truy tố đối với người phạm tội (Ví dụ: Người điều khiển phương tiện giao thông không có giấy phép lái xe mà gây tai nạn làm chết 01 người thì cấu thành tội theo khoản 2 Điều 260 BLHS, nếu có giấy phép lái xe thì phạm tội ở khoản 1…), theo quy định những đồ vật không phải là vật chứng, hoặc không liên quan đến vụ án được trả lại cho người phạm tội nếu còn giá trị sử dụng, hoặc tịch thu tiêu hủy nếu không còn giá trị sử dụng (trừ trường hợp đồ vật đó có liên quan đến hành vi phạm tội khác)

Việc bảo quản đối với vật chứng vụ án nói chung và vật chứng là vũ khí quân dụng vật liệu nổ công nghiệp nói riêng, được quy định tại Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính Phủ (Nghị định số 18), được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02/7/2013 của Chính Phủ, về “Sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ – CP ngày 18/02/2002 của Chính Phủ” (Nghị định số 70), theo đó điểm d Khoản 1 Điều 8 của Nghị định số 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“d) Vật chứng là tiền, giấy tờ có giá, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ…..được bảo quản như sau:

Vũ khí quân dụng, chất nổ, chất cháy được niêm phong và gửi tại kho vũ khí, trang bị kỹ thuật thuộc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh nơi cơ quan thụ lý vụ án có trụ sở…Kinh phí phục vụ cho việc bảo quản do cơ quan gửi vật chứng chi từ nguồn ngân sách nhà nước.”

Điều 5 Nghị định số 18 quy định về việc tiếp nhận, bảo quản vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Mỗi quân khu (và cấp tương đương) và ở Bộ Quốc phòng được tổ chức một kho vật chứng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo thẩm quyền…; mỗi Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, (sau đây gọi chung là Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh) được tổ chức một kho vật chứng trong khu vực kho vũ khí, trang bị kỹ thuật thuộc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh để tiếp nhận, bảo quản vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy từ các cơ quan thụ lý vụ ántrên địa bàn.”

Từ các quy định trên thấy rằng: Riêng đối với loại vật chứng vụ án là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ (theo quy định tại Điều 3- Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017) ngay sau khi thu giữ, cân xác định khối lượng và lấy mẫu gửi giám định, cơ quan thụ lý vụ án phải thực hiện việc niêm phong và gửi ngay vào kho vật chứng thuộc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh nơi thụ lý vụ án để bảo quản, các kho vật chứng của CQĐT; THADS không được phép giữ, bảo quản các loại vật chứng này. Riêng đối với vật chứng là pháo nổ các loại thì tùy theo điều kiện kho vật chứng của CQĐT; CQTHADS nếu có đủ điều kiện đảm bảo để bảo quản thì trực tiếp bảo quản, nếu không đủ điều kiện an toàn thì có thể liên hệ gửi tại kho vật chứng của Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, hoặc các đơn vị kinh doanh, khai thác có kho bảo quản vật liệu nổ, chất cháy…trên địa bàn, việc xử lý đối với vật chứng là pháo nổ các loại do CQTHADS thực hiện theo Luật THADS.

Về việc xử lý đối với vật chứng vụ án được quy định tại khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017,có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2018) và khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cụ thể:

Điều 47 BLHS năm 2015 quy định về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm như sau:

“1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:

a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;

c) Vật thuộc loại nhà nước cấm lưu hành;”

Khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định “2. Vật chứng được xử lý như sau:

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;

b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy”

Như vậy, việc xử lý vật chứng phải được HĐXX quyết định tại phiên tòa, hình thức xử lý đối với vật chứng phải thực hiện theo đúng quy định của Điều 47 BLHS; Điều 106 BLTTHS, phải được tuyên rõ trong Bản án, Quyết định của Tòa án theo quy định của Điều 260 BLTTHS, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì CQTHAHS, CQTHADS có trách nhiệm thi hành các quyết định của Bản án, Quyết định của Tòa án theo từng lĩnh vực được pháp luật quy định.

2. Những khó khăn, vướng mắc trong việc giao nhận, xử lý đối với vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp.

Trên thực tiễn hiện nay việc xử lý đối với vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Việc giao nhận vật chứng giữa CQĐT và CQ THADS khi chuyển hồ sơ vụ án để Tòa án xét xử: Theo quy định của BLTTHS khi kết thúc điều tra vụ án CQĐT chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát đề nghị truy tố, Viện kiểm sát truy tố và chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án để xét xử, khi tiếp nhận hồ sơ các cơ quan đều phải kiểm tra đầy đủ tài liệu theo quy định tại các Điều 238; 276 BLTTHS, nếu CQĐT chưa chuyển giao đầy đủ vật chứng theo quy định thì Tòa án không nhận hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, đối với vật chứng là vật liệu nổ công nghiệp, vũ khí quân dụng thì CQĐT không thể chuyển giao cho CQTHADS như những loại vật chứng thông thường được, vì CQ THADS không có chức năng bảo quản loại vật chứng này, do đó trong biên bản giao nhận vật chứng giữa CQĐT với CQTHADS chỉ thể hiện những vật chứng thông thường thuộc trách nhiệm bảo quản của CQ THADS, còn vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ không được thể hiện trong biên bản giao nhận vật chứng (CQ THADS không được nhận vật chứng nên không ký nhận), trong trường hợp này thì hồ sơ chỉ có biên bản giao, tiếp nhận vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp giữa CQĐT với Kho quản lý vũ khí thuộc Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh nơi thụ lý điều vụ án và Tòa án vẫn nhận hồ sơ.

Thứ hai: Việc bản án tuyên xử lý đối với vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp: Đây là vấn đề cơ bản nhất dẫn đến việc không xử lý được vật chứng, trên thực tiễn có rất nhiều Bản án của Tòa án các cấp khi xét xử đối với các vụ án có vật chứng là vật liệu nổ công nghiệp, vũ khí quân dụng, trong phần Quyết định của bản án về xử lý đối với vật chứng đều ghi: Giao cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh….xử lý theo thẩm quyền mà không nêu rõ việc xử lý là tịch thu tiêu hủy hay tịch thu sung công theo quy định tại Điều 106 BLTTHS, do đó CQTHADS không thể ra quyết định thi hành án đối với vật chứng này được. Còn Bộ chỉ huy quân sự nơi được Bản án giao xử lý vật chứng theo quy định thì lại không phải là Cơ quan thi hành Bản án, vì vậy không ra quyết định xử lý vật chứng được. Ví dụ:

Tại Bản án số 69/2017/HSST ngày 07/9/2017 của Tòa án ND huyện Đ.H tỉnh TN, xử phạt đối với bị cáo Nguyễn Văn H về tội “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” theo khoản 1 Điều 230 BLHS năm 1999, phần Quyết định tuyên về xử lý vật chứng là 01 khẩu súng quân dụng ghi “Giao cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh TN xử lý theo thẩm quyền…vật chứng hiện đang được bảo quản tại Đại đội kho 29, phòng kỹ thuật Bộ chỉ huy quân sự tỉnh TN theo biên bản giao nhận vật chứng số 12/BBNVC ngày 19/5/2017 giữa CQĐT Công an huyện ĐH và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh TN”.

Tại bản án số 12/2018/HSST ngày 18/4/2018 của Tòa án ND tỉnh T xử phạt đối với bị cáo Lường Văn H cùng đồng phạm về tội “Mua bán, tàng trữ, sử dụng, vận chuyển trái phép vật liệu nổ” theo khoản 4 Điều 232 BLHS năm 1999, phần Quyết định của Bản án tuyên về xử lý vật chứng ghi: “Giao cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh TN xử lý theo thẩm quyền các vật chứng gồm: 493 kg thuốc nổ; 984 kíp nổ; 776 m dây cháy chậm…vật chứng hiện đang được bảo quản tại Đại đội kho 29, phòng kỹ thuật Bộ chỉ huy quân sự tỉnh TN”.

Thứ ba: Về Cơ quan có chức năng thi hành các Bản án, Quyết định của Tòa án: Theo quy định tại các Điều 364; 365 BLTTHS năm 2015 quy định về thi hành Bản án, Quyết định của Tòa án thì Cơ quan có chức năng thi hành các Bản án, quyết định của Tòa án bao gồm: Cơ quan thi hành án hình sự; Cơ quan thi hành án dân sự. Theo đó CQTHAHS có chức năng, nhiệm vụ trong việc thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp (Điều 1 Luật thi hành án hình sự năm 2011)

CQTHADS có trách nhiệm về thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án (Điều 1- Luật THADS năm 2008, sửa đổi bổ sung theo Luật số 64/2014/QH13 ngày 25/11/2014).

Như vậy thấy rằng: Ngoài hai cơ quan trên thì không có cơ quan nào khác được giao thẩm quyền thi hành Bản án, Quyết định của Tòa án. Mặt khác kho vật chứng của Bộ chỉ huy quân sự chỉ là đơn vị nhận gửi giữ và bảo quản các vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp khi các cơ quan tố tụng trên địa bàn thụ lý, giải quyết vụ án, Bộ chỉ huy quân sự không phải là cơ quan thi hành bản án của Tòa án. Vì vậy khi Bản án, quyết định của Tòa án tuyên giao cho Bộ chỉ huy quân sự có thẩm quyền xử lý những vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ theo quy định là không có căn cứ, trái với quy định của BLTTHS hiện hành.

Thứ tư: Bản án tuyên giao cơ quan xử lý vật chứng không đúng thẩm quyền:

Tại các bản án: số 43/2018/HSST ngày 19/6/2018; số 45/2018/HSST ngày 21/6/2018 của Tòa án ND huyện ĐH, tỉnh TN, xử phạt đối với các bị cáo Vi Văn Tr; Lâm Văn T, về tội “Buôn bán hàng cấm” là pháo nổ, tại phần quyết định của bản án tuyên tịch thu tiêu hủy số vật chứng là pháo nổ và giao cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh TN xử lý (tiêu hủy) đối với số pháo nổ thu giữ, việc Bản án tuyên như trên là không đúng bởi vì: Pháo nổ là hàng hóa bị cấm sử dụng và lưu hành (hàng cấm) chứ không phải là vật liệu nổ công nghiệp và vũ khí quân dụng theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, do đó không thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ chỉ chỉ huy quân sự mà thuộc trách nhiệm xử lý vật chứng của CQTHADS có thẩm quyền.

3. Giải pháp: Trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể của liên ngành, để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, theo quan điểm cá nhân thì trước tiên cần phải thực hiện tốt các vấn đề sau đây:

Thứ nhất: Các Cơ quan tiến hành tố tụng (CQ THTT) cần phải thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về vật chứng, xử lý vật chứng theo quy định của BLHS; BLTTHS 2015; ĐTV; KSV kiểm sát điều tra vụ án cần nghiên cứu nắm vững các quy định của BLHS, BLTTHS về thu giữ, bảo quản, trưng cầu giám định đối với vật chứng; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017; Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014); Luật thi hành án hình sự năm 2011, các Nghị định của Chính phủ (Nghị định 18; 71) cũng như các văn bản có liên quan đến quy định về Cơ quan thi hành Bản án, Quyết định của Tòa án…để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai: Khi ban hành quyết định chuyển vật chứng cần phải ghi đầy đủ số lượng vật chứng cần chuyển. Riêng đối với vũ khí quân dụng và vật liệu nổ công nghiệp thì cần ghi rõ vật chứng đang được bảo quản tại kho Bộ chỉ huy quân sự; Khi chuyển vật chứng cho CQTHADS thì CQĐT phải gửi kèm theo đầy đủ tài liệu, biên bản về việc giao nhận vật chứng giữa CQĐT và Bộ chỉ huy quân sự đang bảo quản vật chứng, không phải chuyển theo vật chứng loại này; Tuy nhiên cần phải có sự phối hợp giữa CQĐT- CQTHADS để thống nhất việc giao nhận “tay ba” giữa CQĐT- Bộ chỉ huy quân sự nơi giữ vật chứng- CQTHADS, sau khi giao nhận trên thủ tục giấy tờ và kiểm tra vật chứng thì CQTHADS tiếp tục gửi lại tại kho của Bộ chỉ huy quân sự để bảo quản theo quy định, khi bản án có hiệu lực pháp luật thì ra quyết định thi hành án theo quyết định của Bản án đã tuyên (Tiêu hủy hoặc sung công…) đồng thời phối hợp với Viện kiểm sát, Bộ chỉ huy quân sự và các thành phần liên quan tiến hành tịch thu sung công hoặc tiêu hủy theo quy định của Luật THADS.

Thứ ba: Để đảm bảo cho việc xử lý vật chứng là Vũ khí quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp thì ngay sau khi thu thập vật chứng nghi là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định để xác định loại vũ khí, vật liệu nổ, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp hay không, cũng như tính năng, tác dụng, giá trị sử dụng, tính nguy hiểm? trên cơ sở đó khi xét xử Kiểm sát viên THQCT đề nghị việc xử lý đối với vật chứng (Tịch thu tiêu hủy hoặc sung công…) theo đúng quy định của Điều 106 BLTTHS, cũng như vậy HĐXX cần phải tuyên rõ trong bản án về xử lý đối với vật chứng này theo quy định của Điều 106 BLTTHS sau đó mới giao cho Bộ chỉ huy quân sự cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; khi bản án có hiệu lực pháp luật thì CQTHADS ra quyết định thi hành án đối với loại vật chứng này theo quy định chung đồng thời phối hợp với Bộ chỉ Huy quân sự, Viện kiểm sát, các ngành có liên quan để xử lý. Nếu Bản án không tuyên tịch thu tiêu hủy hoặc tịch thu xung công mà giao cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh xử lý theo thẩm quyền thì CQTHADS không thể ra quyết định thi hành đối với vật chứng này được. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cũng không thi hành vì không phải là CQ thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Thứ tư: Các cơ quan tố tụng liên ngành cấp tỉnh, Cục THADS; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cần thống nhất hướng dẫn thực hiện để giải quyết những tồn tại, vướng mắc, đối với các vụ án có vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp, pháo nổ…đồng thời báo cáo liên ngành cấp trên để có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết.

4. Kiến nghị, đề xuất: Đây là vấn đề hiện đang còn có nhiều tồn tại, thiếu sót xảy ra tại nhiều địa phương, tuy nhiên hiện chưa có văn bản nào của đơn ngành hoặc liên ngành hướng dẫn xử lý về vấn đề này, thiết nghĩ liên ngành tố tụng và các ngành có liên quan (Bộ Quốc phòng; Bộ tài chính….) cần sớm thống nhất và có văn bản hướng dẫn chung để các địa phương áp dụng, hạn chế, khắc phục những tồn tại vướng mắc hiện nay./.

                                                                              Dương Văn Thịnh – Phòng 1

(Theo Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Thái Nguyên)

 

 

Tìm kiếm