CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ UỶ QUYỀN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN KIỂM SÁT

18/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản
Có hai nội dung cơ bản liên quan đến vấn đề uỷ quyền trong hoạt động của Viện kiểm sát: Thứ nhất là việc uỷ quyền của Viện kiểm sát cấp trên cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố tại phiên toà đối với các vụ án hình sự do Cơ quan điều tra cấp trên điều tra và Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố; thứ hai là việc uỷ quyền của Viện trưởng cho các chức danh pháp lý có quyền hạn quản lý trong hoạt động tố tụng hình sự. Không chỉ trong thời gian gần đây mà đã từ lâu, vấn đề uỷ quyền trong hoạt động của Viện kiểm sát đã được bàn đến trong nội bộ ngành. Tháng 6 năm 2007, Tạp chí Kiểm sát đã có riêng một số tạp chí chuyên đề về vấn đề này (Tạp chí số 12). Để góp thêm một cách nhìn nhận về vấn đề nói trên, đồng thời cũng là để trao đổi thêm về việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003, chúng tôi xin được bàn về vấn đề uỷ quyền của VKS..
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ
UỶ QUYỀN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN KIỂM SÁT
 
 
 
Có hai nội dung cơ bản liên quan đến vấn đề uỷ quyền trong hoạt động của Viện kiểm sát: Thứ nhất là việc uỷ quyền của Viện kiểm sát cấp trên cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố tại phiên toà đối với các vụ án hình sự do Cơ quan điều tra cấp trên điều tra và Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố; thứ hai là việc uỷ quyền của Viện trưởng cho các chức danh pháp lý có quyền hạn quản lý trong hoạt động tố tụng hình sự. Không chỉ trong thời gian gần đây mà đã từ lâu, vấn đề uỷ quyền trong hoạt động của Viện kiểm sát đã được bàn đến trong nội bộ ngành. Tháng 6 năm 2007, Tạp chí Kiểm sát đã có riêng một số tạp chí chuyên đề về vấn đề này (Tạp chí số 12). Để góp thêm một cách nhìn nhận về vấn đề nói trên, đồng thời cũng là để trao đổi thêm về việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003, chúng tôi xin được bàn về vấn đề uỷ quyền của VKS..
1- Vấn đề uỷ quyền thực hành quyền công tố giữa Viện kiểm sát cấp trên cho Viện kiểm sát cấp dưới đối với các vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố.
Tại Điều 45 Qui chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 07/2008/QĐ- VKSTC ngày 02/01/2008 của Viện trưởng Viện kSNDTC (sau đây xin gọi tắt là Qui chế kiểm sát điều tra) có qui định về”Việc chuyển vụ án để truy tố theo thẩm quyền, việc uỷ quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm”. Điều luật có 5 khoản: Khoản 1 qui định về yêu cầu chung khi các Viện kiểm sát quyết định truy tố thì phải đúng thẩm quyền; nếu thấy vụ án không đúng thẩm quyền thì phải chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Khoản 2 qui định về cách giải quyết đối với các trường hợp khi Cơ quan điều tra thụ lý điều tra đúng thẩm quyền, nhưng khi nhận hồ sơ vụ án và đề nghị truy tố của Cơ quan điều tra mà Vkiện kiểm sát nhận thấy vụ án thuộc thẩm quyền của cấp dưới. Khoản 3 qui định về biện pháp phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp trên với Viện kiểm sát cấp dưới để tạo điều kiện cho Kiểm sát viên của Viện kiểm sát cấp dưới nghiên cứu sớm hồ sơ vụ án để chuẩn bị thực hành quyền công tố. Các khoản 4 và 5 qui định về thủ tục giải quyết đối với trường hợp Viện kiểm sát hoặc Toà án cấp dưới thấy cần trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Khoản 2 Điều 45 của Qui chế nêu trên qui định: “ Đối với những vụ án hình sự được thụ lý điều tra ở cấp tỉnh, sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra đề nghị truy tố, nếu thấy vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp huyện thì Viện kiểm sát cấp tỉnh quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát cấp huyện có thẩm quyền làm cáo trạng truy tố. Đối với những vụ án hình sự được thụ lý điều tra ở cấp Trung ương, sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra đề nghị truy tố, nếu vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp tỉnh thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Viện kiểm sát quân sự trung ương làm cáo trạng truy tố, uỷ quyền cho Viện kiểm sát cấp tỉnh thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm; nếu vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp huyện thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Viện kiểm sát quân sự trung ương quyết định chuyển vụ án về Viện kiểm sát cấp huyện có thẩm quyền làm cáo trạng truy tố và thông báo việc chuyển vụ án cho Viện kiểm sát cấp tỉnh nơi đó biết để theo dõi, chỉ đạo”.
Trước hết cần phải thấy rằng việc uỷ quyền (hoặc chuyển) vụ án giữa Viện kiểm sát cấp trên cho Viện kiểm sát cấp dưới là vấn đề nảy sinh trong thực tiễn công tác kiểm sát, trên cơ sở áp dụng các qui định của Bộ luật TTHS. Khoản 4 Điều 110 Bộ luật TTHS năm 2003 đã qui định thẩm quyền của Cơ quan điều tra cấp tỉnh có quyền điều tra những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh, hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp dưới nhưng “xét thấy cần trực tiếp điều tra”. Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp tỉnh nhưng “thấy cần trực tiếp điều tra”. Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của Cơ quan điều tra cùng cấp. Bộ luật TTHS hiện hành cũng qui định về thẩm quyền xét xử của Toà án, trong đó qui định việc xét xử sơ thẩm vụ án hình sự chỉ thực hiện ở Toà án cấp huyện và cấp tỉnh. Toà án cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm không thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp huyện hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử. Thủ tục xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm ở Toà án nhân dân tối cao đã bị bãi bỏ.
Như vậy, tương ứng giữa thẩm quyền điều tra, truy tố với thẩm quyền xét xử, sẽ nảy sinh các vấn đề sau đây khi áp dụng các qui định nêu trên:
Một là, khi Cơ quan điều tra cấp tỉnh kết thúc điều tra vụ án, chuyển hồ sơ và bản kết luận điều tra sang cho Viện kiểm sát. (mà vụ án này trước đó được cho là thuộc thẩm quyền điều tra của cấp tỉnh hoặc đó là vụ án thuộc thẩm quyền của cấp dưới nhưng Cơ quan điều tra cấp tỉnh lấy lên để điều tra). Sau khi nghiên cứu, Viện kiểm sát cho rằng vụ án này thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp huyện. Trên cơ sở pháp luật hiện hành, có hai cách giải quyết đối với tình huống này:
Cách thứ nhất là Viện kiểm sát cấp tỉnh quyết định truy tố vụ án và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cấp huyện để chuyển Toà án cấp huyện xét xử và uỷ quyền cho Viện kiểm sát cấp huyện thực hành quyền công tố trước Toà.
Cách thứ hai là Viện kiểm sát cấp tỉnh chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cấp huyện để thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án (tức là Viện kiểm sát cấp huyện ban hành cáo trạng, cử Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm).
Nếu thực hiện theo cách thứ nhất, sẽ có vấn đề lý luận cần bàn là Viện kiểm sát cấp tỉnh (cấp trên) có quyền truy tố đối với vụ án thuộc thẩm quyền của cấp huyện (cấp dưới) hay không? Về vấn đề này còn có hai luòng ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng theo nguyên tắc tập trung thống nhất trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát cấp tỉnh có quyền truy tố đối với những vụ án thuộc thẩm quyền truy tố của cấp dưới.Tại các Điều 36. 37. 112 và 113 Bộ luật TTHS không qui định rõ vấn đề này, nhưng cũng không có qui định Viện kiểm sát chỉ có quyền truy tố đối với vụ án cùng cấp; (nói cách khác là không có qui phạm cấm Viện kiểm sát cấp tỉnh không được truy tố đối với vụ án thuộc thẩm quyền của cấp dưới). Quan điểm khác lại cho rằng tại Điều 189 BLTTHS qui định Kiểm sát viên cùng cấp phải tham gia phiên toà, suy ra là Viện kiểm sát cấp trên không được quyền truy tố vụ án thuộc thẩm quyền của cấp dưới.
 Trong xu hướng cải cách tư pháp, tăng thẩm quyền cho cấp huyện hiện nay, Điều 45 Qui chế thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đã chọn phương án thứ hai là Viện kiểm sát cấp tỉnh chuyển hồ sơ vụ án cho VKS cấp dưới để thực hành quyền công tố.
Hai là, sau khi CQĐT cấp trung ương kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án này có hai khả năng: Hoặc thuộc về Toà án cấp tỉnh, hoặc thuộc về Toà án cấp huyện, do đó sẽ nảy sinh vấn đề Viện kiểm sát cấp nào sẽ truy tố đối với vụ án? Xử lý vấn đề này, Điều 45 Qui chế kiểm sát điều tra đã xử lý theo hai phương án: Phương án thứ nhất: Nếu nhận thấy vụ án đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp huyện thì “chuyển hồ sơ vụ án” cho Viện kiểm sát cấp huyện có thẩm quyền để thực hành quyền công tố, đồng thời thông báo cho Viện kiểm sát cấp tỉnh (của huyện đó) biết để theo dõi, chỉ đạo. Phương án thứ hai là nếu nhận thấy vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp tỉnh thì Viện kiểm sát tối cao ban hành cáo trạng truy tố, sau đó chuyển hồ sơ vụ án và uỷ quyền cho Viện kiểm sát cấp tỉnh để thực hành quyền công tố đối với vụ án này.
Sau khi có Qui chế kiểm sát điều tra, có những ý kiến khác nhau về qui định tại Điều 45 của Qui chế, nhất là đối với vấn đề Viện kiểm sát tối cao uỷ quyền cho Viện kiểm sát cấp tỉnh thực hành quyền công tố đối với những vụ án do Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra. Có ý kiến cho rằng qui định Viện kiểm sát tối cao uỷ quyền cho Viện kiểm sát cấp tỉnh thực hành quyền công tố đối với vụ án do Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra và Viện kiểm sát tối cao quyết định truy tố là không hợp lý, vì theo khái niệm “uỷ quyền” tức là giao việc thực hiện quyền hạn của mình cho cấp dưới, trong khi đó, tại Điều 189 Bộ luật TTHS qui định KSV của Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên toà sơ thẩm (hiểu cách khác là KSV cấp dưới hoặc cấp trên không có quyền tham gia phiên toà), do vậy, trong trường hợp trên, Viện kiểm sát tối cao không có quyền truy tố đối với vụ án do Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra, vì Viện kiểm sát nhân dân tối cao không có quyền thực hành quyền công tố tại phiên toà sơ thẩm cấp tỉnh. Khi mà Viện kiểm sát tối cao không có quyền truy tố thì không thể uỷ quyền cho cấp dưới thực hành quyền công tố?
Như vậy, việc nhận thức đúng đắn thẩm quyền truy tố đối với những vụ án hình sự do Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra có ý nghĩa quan trọng tới việc qui định thủ tục Viện kiểm sát tối cao “chuyển vụ án” hay “uỷ quyền” cho Viện kiểm sát cấp tỉnh thực hành quyền công tố đối với vụ án này. Đáng tiếc là do qui định của Bộ luật TTHS chưa đầy đủ nên còn có những nhận thức khác nhau về vấn đề nêu trên.
 Xây dựng Qui chế kiểm sát điều tra trong điều kiện các qui định của pháp luật TTHS còn chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, chúng ta phải xem xét các phương án để chọn ra phương án hợp lý và phù hợp với thực tiễn hơn cả. Những người tham gia xây dựng Qui chế đã đề xuất với Lãnh đạo Viện phương án Viện kiểm sát tối cao “uỷ quyền” cho Viện kiểm sát cấp tỉnh thực hành quyền công tố đối với những vụ án do CQĐT cấp trung ương điều tra, thay vì chọn phương án “chuyển hồ sơ vụ án” cho Viện kiểm sát cấp tỉnh để ban hành cáo trạng vì những lý lẽ cơ bản sau đây:
Thứ nhất, đây là phương án đã áp dụng lâu nay trên thực tiễn công tác kiểm sát. Tuy có vấn đề nhận thức khác nhau nhưng về cơ bản việc áp dụng qui định này là phù hợp. Các Toà án xét xử vụ án loại này cũng không có vướng mắc gì. Về lý luận, việc ban hành cáo trạng truy tố chỉ là một hoạt động trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong điều tra vụ án, kể từ khi Viện kiểm sát kiểm sát việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kiểm sát các hoạt động điều tra, đề ra yêu cầu điều tra v.v…Ban hành cáo trạng truy tố vừa là kết quả, vừa là sự đánh giá lại quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án. Theo qui định của pháp luật tố tụng hình sự, vụ án do Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra là loại án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Viện kiểm sát tối cao kiểm sát điều tra vụ án này nên có điều kiện nắm vững các chứng cứ, các căn cứ pháp lý, các vấn đề phát sinh và việc giải quyết để quyết định truy tố một cách đúng đắn. Do vậy việc giao cho Viện kiểm sát tối cao ban hành quyết định truy tố, sau đó uỷ quyền cho Viện kiểm sát cấp tỉnh thực hành quyền công tố là hợp lý. Đồng thời, Viện kiểm sát tối cao vẫn chịu trách nhiệm tới cùng đối với các vấn đề pháp lý có khả năng phát sinh như xem xét việc điều tra bổ sung theo yêu cầu của Toà án, các vấn đề về đường lối xử lý vụ án khi có tình tiết mới v.v…Ngoài ra, để đảm bảo cho Kiểm sát viên của Viện kiểm sát cấp tỉnh được uỷ quyền thực hành quyền công tố được tốt, Qui chế kiểm sát điều tra đã qui định một số biện pháp nghiệp vụ như tạo điều kiện cho Kiểm sát viên cấp tỉnh tham gia nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ từ trong giai đoạn kiểm sát điều tra; tham gia bàn bạc các vấn đề còn có quan điểm khác nhau khi xem xét việc truy tố v.v…
Thứ hai là, vụ án tuy thuộc thẩm quyền điều tra của cấp tỉnh nhưng do CQĐT cấp trung ương lấy lên để điều tra (chứ không phải Cơ quan điều tra đã điều tra sai thẩm quyền), Viện kiểm sát tối cao đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án này, do vậy Viện kiểm sát tối cao có quyền truy tố đối với vụ án. Trong Bộ luật TTHS hiện hành cũng không có qui định rõ ràng về thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát các cấp mà thông thường, vụ án do CQĐT cấp nào điều tra và đề nghị truy tố thì VKS cấp đó quyết định truy tố (trừ những trường hợp điều tra rõ ràng là sai thẩm quyền thì phải chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền)
Thứ ba là, thông thường, Viện kiểm sát truy tố những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cùng cấp. Tuy nhiên, Bộ luật TTHS hiện hành cũng không có qui định (bắt buộc) Viện kiểm sát chỉ có quyền truy tố những vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án cùng cấp (mà chỉ qui định Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên toà sơ thẩm). Đối với vụ án do CQĐT cấp trung ương lấy lên để điều tra, Viện kiểm sát tối cao đã tiến hành kiểm sát điều tra thì không có lý gì để cho rằng, Viện kiểm sát tối cao không có thẩm quyền quyết định truy tố mà chỉ có Viện kiểm sát cấp tỉnh mới có quyền truy tố vụ án này. (Trong khi Viện kiểm sát cấp tỉnh lại không kiểm sát điều tra vụ án). Hơn nữa, chúng tôi cho rằng pháp luật TTHS không đồng nhất thẩm quyền quyết định truy tố với thẩm quyền thực hành quyền công tố tại phiên toà. Viện trưởng Viện kiểm sát có quyền quyết định truy tố nhưng người thực hành quyền công tố tại phiên toà là Kiểm sát viên chứ không bắt buộc phải là Viện trưởng. Pháp luật TTHS hiện hành qui định chỉ Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên toà, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là chỉ Viện kiểm sát cùng cấp mới có quyền quyết định truy tố vụ án đó.
Như vậy, những nhận thức khác nhau khi áp dụng Điều 45 của Qui chế kiểm sát điều tra không phải vì Điều 45 được xây dựng không có cơ sở pháp lý mà vấn đề cơ bản là ở chỗ, các phương án qui định tại Điều 45 được cân nhắc và lựa chọn trên một nền tảng các qui định pháp luật TTHS chưa đầy đủ, chưa rõ ràng. Như vậy, biện pháp để giải quyết tận gốc các vướng mắc này là hoàn thiện các qui định của pháp luật TTHS, qui định rõ ràng các vấn đề này trong Bộ luật TTHS.
Để khắc phục những vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật TTHS về các vấn đề điều tra, truy tố, chuyển vụ án để truy tố, uỷ quyền thực hành quyền công tố và xét xử sơ thẩm đối với những vụ án do Cơ quan đièu tra cấp trung ương lấy lên để điều tra, chúng tôi đề nghị:
Một là, Viện kiểm sát tối cao và Bộ Công an có hướng dẫn cụ thể những trường hợp nào thì Cơ quan điều tra cấp trung ương lấy lên để điều tra, theo hướng bám sát qui định của pháp luật TTHS, chỉ lấy lên để điều tra những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp và cần thiết phải điều tra ở cấp trung ương (theo Điều 110 BLTTHS); hạn chế những vụ việc lấy lên để điều tra mà giao quyền mạnh hơn cho Cơ quan điều tra cấp dưới. Trong khi chờ hướng dẫn thì các đơn vị nghiệp vụ Viện kiểm sát tối cao và các Cơ quan điều tra cấp trung ương cần xây dựng các qui định phối hợp trong xác định những vụ việc cần lấy lên để điều tra theo định hướng như nêu trên.
Hai là, các cơ quan tư pháp ở trung ương cần phối hợp với nhau để xác định mô hình tổ chức bộ máy Cơ quan điều tra,Viện kiểm sát theo định hướng cải cách tư pháp, phù hợp với mô hình tổ chức của Toà án. Trong đó, những vấn đề quan trọng cần xác định rõ như: Trong xu hướng tăng thẩm quyền cho cơ quan tư pháp cấp huyện thì có cần Cơ quan điều tra ở cấp trung ương hay không? nếu cần thì thẩm quyền điều tra đến đâu? việc thành lập Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cấp cơ sở như thế nào cho tương ứng với Toà án sơ thẩm khu vực? trên cơ sở đó để sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS theo hướng qui định rõ thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra các cấp, hạn chế việc lấy các vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của cấp dưới lên để điều tra ở cấp trên.
Ba là, cần qui định bổ sung vào Bộ luật TTHS vấn đề thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát các cấp, nhất là đối với những vụ án do Cơ quan điều tra cấp trên lấy lên để điều tra. Sửa đổi Bộ luật TTHS theo hướng Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp trên ( sau này có thể là KSV cấp cao hơn) có quyền thực hành quyền công tố tại phiên toà của Toà án cùng cấp và cấp dưới, vừa là để phù hợp với nguyên tắc hoạt động tập trung thống nhất của Viện kiểm sát, vừa tạo điều kiện cho việc bố trí, sử dụng cán bộ theo nhu cầu thực tế. Vấn đề là ở chỗ, nếu Kiểm sát viên muốn thực hành quyền công tố tại phiên toà của Toà án cấp dưới thì phải có quyết định phân công hoặc uỷ quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp có thẩm quyền.
(Xem tiếp phần 2: Vấn đề uỷ quyền của Viện trưởng cho các chức danh pháp lý có quyền hạn quản lý trong tố tụng hình sự ).
 
    Nguyễn Nông
(Phó Văn phòng Viện KSND tối cao)
 
 
 
Tìm kiếm