"Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại", người dân không thể chấp nhận tình trạng bị bắt giam cả năm trời, sau đó đình chỉ điều tra?
- Nhân dân có quyền yêu cầu dứt khoát cơ quan bảo vệ pháp luật phải và chỉ được làm đúng. Tuy nhiên, trong hơn 4 vạn vụ án phải xử lý, tôi nghĩ dù toàn ngành đã rất nỗ lực, cố gắng, nhưng chuyện sai sót khó tránh khỏi.
Tôi đã từng nhấn mạnh: Sai sót của tư pháp dù nhỏ cũng liên quan đến số phận của mỗi con người, cũng gây tác hại, nên phải phấn đấu hạn chế đến mức thấp nhất. Phải nỗ lực xây dựng một nền pháp luật thực sự công bằng, dân chủ, công minh, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan người vô tội. Đó là mục tiêu tối thượng, phải phấn đấu liên tục......
Sai sót dù nhỏ cũng liên quan đến số phận con người
(LĐ) - "Không được phép suy luận cứ khởi tố là đinh ninh có tội, phải truy tố, phải xét xử...mà phải đánh giá khách quan, toàn diện trên cơ sở tài liệu, chứng cứ rõ ràng, minh bạch, đúng pháp luật..." - ông Trần Quốc Vượng, Viện trưởng VKSND Tối cao, nói.
Ông Vượng đã trao đổi với báo chí ngay sau khi trình bày báo cáo công tác của VKSND Tối cao trước QH chiều 23.10.
* Trong báo cáo trước QH, ông thừa nhận chất lượng kiểm sát điều tra, truy tố còn nhiều tồn tại. Nhiều bị can - trong đó có những bị can là cán bộ, dính vào vụ án lớn được phê chuẩn bắt giam, sau lại đình chỉ, gây hoài nghi trong nhân dân?
- Tôi nghĩ dư luận đặt vấn đề cũng là chính đáng, các cơ quan pháp luật cũng phải nhìn nhận lại mình để làm cho đúng hơn. Tuy nhiên, số đó không nhiều. So với tổng số bị can đã bị khởi tố điều tra thì số bị đình chỉ chiếm tỉ lệ rất ít.
Thực tế khi có dấu hiệu vi phạm thì phải khởi tố, tuy nhiên kết quả điều tra cho thấy không có hành vi phạm tội, hoặc hành vi ấy chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thiếu căn cứ thì theo quy định của pháp luật phải đình chỉ. Đây là nguyên tắc của pháp luật, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Còn để tình trạng trên xảy ra thì theo tôi cũng phải xem xét trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm của cơ quan điều tra, của điều tra viên, kiểm sát viên. Khi thực thi nhiệm vụ, có nơi, có lúc cán bộ không nhận thức hết được, có thể là do trình độ chuyên môn hoặc do nhận thức pháp luật còn hạn chế.
* "Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại", người dân không thể chấp nhận tình trạng bị bắt giam cả năm trời, sau đó đình chỉ điều tra?
- Nhân dân có quyền yêu cầu dứt khoát cơ quan bảo vệ pháp luật phải và chỉ được làm đúng. Tuy nhiên, trong hơn 4 vạn vụ án phải xử lý, tôi nghĩ dù toàn ngành đã rất nỗ lực, cố gắng, nhưng chuyện sai sót khó tránh khỏi.
Tôi đã từng nhấn mạnh: Sai sót của tư pháp dù nhỏ cũng liên quan đến số phận của mỗi con người, cũng gây tác hại, nên phải phấn đấu hạn chế đến mức thấp nhất. Phải nỗ lực xây dựng một nền pháp luật thực sự công bằng, dân chủ, công minh, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan người vô tội. Đó là mục tiêu tối thượng, phải phấn đấu liên tục, khó khăn lắm chứ không phải một sớm một chiều mà làm ngay được.
* Thưa ông, những bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp QH gần đây đều cho thấy nhân dân khá bức xúc với tình trạng xử lý các vụ án trọng điểm dây dưa kéo dài, "đầu voi, đuôi chuột"? Ý kiến của ông về tình trạng này?
- Sốt ruột với tình hình vi phạm và tội phạm là hoàn toàn chính đáng. Còn đứng về cơ quan pháp luật phải đảm bảo hai nguyên tắc: Không được bỏ lọt tội phạm, nhưng không được làm oan người vô tội.
Nếu anh khởi tố rồi, anh cứ đinh ninh người ta có tội, phải bắt buộc đưa ra truy tố, đưa ra xét xử thì không được, phải bằng chứng cứ, bằng tranh tụng tại phiên toà theo đúng yêu cầu của cải cách tư pháp. Mọi hành vi của cơ quan pháp luật phải thực hiện đúng Luật Tố tụng.
* Nhưng thưa ông, không phải một vụ án, rất nhiều vụ án điểm bị kéo dài từ năm này qua năm khác, dư luận đặt ra vấn đề năng lực của cán bộ, cơ quan tiến hành tố tụng?
- Tất cả nhận định này cần phải có một cuộc họp chuyên đề để phân tích, mổ xẻ, đánh giá một cách cụ thể thì mới có thể trả lời một cách đầy đủ, khách quan được.
* Thưa ông, theo thống kê thì năm 2008, số vụ án tham nhũng giảm 30% và số bị can giảm 25%? Là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông có bình luận gì về thống kê này?
- Để trả lời chính xác về vấn đề này hơi khó. Hiện có rất nhiều ý kiến khác nhau, có người cho rằng tình hình án thụ lý không phản ánh đúng tình hình thực tế tham nhũng hiện nay.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, phần lớn những vụ án đang thụ lý hiện nay là những vụ án được phát hiện từ hai, ba năm trước. Nên để đánh giá thế nào, tôi không thể nói ngay được. Cần phải có xem xét, đánh giá toàn diện chính xác, trước khi khẳng định.
* Trong hai năm (2005-2006), trung ương nhìn nhận và đưa ra 8 vụ án điểm; còn hai năm trở lại đây không có vụ nào? Phải chăng bây giờ quan niệm về án điểm có sự thay đổi?
- Án điểm là khái niệm tương đối chứ không phải mang tính luật định. Luật không quy định như thế nào là án điểm, mà luật chỉ quy định có án ít nghiêm trọng, án nghiêm trọng, án rất nghiêm trọng và án đặc biệt nghiêm trọng thôi. Án điểm ở đây do người ta hội tụ nhiều yếu tố để xác định, do từng cấp xác định để xét xử.
* Thưa ông, có một cơ chế đảm bảo đúng người, đúng tội là để luật sư tham gia ngay từ đầu. Nhiều luật sư than phiền rằng: Các cơ quan thường đưa ra lý do đảm bảo bí mật điều tra để cản trở sự tham gia của luật sư?
- Không biết luật sư nào, chứ chưa thấy ai phản ánh với tôi về thực trạng này. Viện kiểm sát luôn bảo đảm cho luật sư tham gia từ đầu theo đúng quy định của luật. Ai làm sai, không cho luật sư tham gia mà trái luật thì người đó phải chịu trách nhiệm.
- Xin cảm ơn ông!
Duy Thanh thực hiện
Theo Báo Lao động điện tử