Khi công ty cử bạn đi học, giữa hai bên sẽ ký kết hợp đồng đào tạo nghề theo quy định tại Điều 62 Bộ luật Lao động năm 2012 như sau:
“1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.
Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Nghề đào tạo;
b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;
c) Chi phí đào tạo;
d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;
đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
e) Trách nhiệm của người sử dụng lao động.”
Khoản 1 Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định người sử dụng lao động không được giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động sau khi giao kết hợp đồng lao động.
Điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động. Ngoài bị phạt tiền, người sử dụng lao động còn bị buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động theo điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 95/2013NĐ-CP.
Như vậy, sau khi được công ty cử đi học và được cấp chứng chỉ thì công ty không được giữ bản gốc chứng chỉ của bạn.
Ban Biên tập