Theo quy định tại khoản 3 Điều 41 BLTTHS, khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 41 BLTTHS, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 41 BLTTHS. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát không được giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của mình. Như vậy, đối với những công việc không được Viện trưởng Viện kiểm sát phân công hoặc ủy quyền, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát không được thực hiện.
Đối chiếu với nội dung câu hỏi của bạn, chúng tôi cho rằng, về nguyên tắc, trong trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát chưa phân công cho Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra trong một vụ án cụ thể bằng một quyết định phân công cụ thể, thì Phó Viện trưởng không có thẩm quyền ký các văn bản, quyết định tố tụng. Tuy nhiên, nếu trường hợp trong phân công nhiệm vụ công tác của năm và trong lịch trực xác định cụ thể nhiệm vụ của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thì Phó Viện trưởng được quyền ký các quyết định, văn bản tố tụng trong trường hợp được Viện trưởng phân công chỉ đạo công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra hoặc các quyết định, văn bản tố tụng vào đúng ca trực của mình sau khi xin ý kiến của Viện trưởng và được Viện trưởng đồng ý.
Vụ 14, VKSND tối cao