Theo quy định tại khoản 1 Điều 342 BLTTHS năm 2015, trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 348 BLTTHS năm 2015, Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với vụ án mà người kháng cáo đã rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị. Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định.
Đối chiếu với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 358 BLTTHS năm 2015, Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm trong trường hợp:“Có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra lại về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm”.
Như vậy, quyền quyết định có hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại về tội nặng hơn hay không theo quan điểm của Viện kiểm sát thuộc về Hội đồng xét xử, do đó, có hai trường hợp xảy ra:
Một là, Hội đồng xét xử chấp thuận quan điểm của Viện kiểm sát, quyết định hủy bản án sơ thẩm để khởi tố, điều tra lại về tội nặng hơn. Lúc này, dù bị cáo có xin rút kháng cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm cũng không chấp thuận. Việc hủy bản án sơ thẩm để khởi tố, điều tra lại về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 358 BLTTHS năm 2015.
Hai là, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp thuận quan điểm của Viện kiểm sát và quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm khi bị cáo xin rút kháng cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 348 BLTTHS. Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 348 BLTTHS năm 2015.
Vụ 14, VKSND tối cao