CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hỏi đáp trực tuyến

Vận dụng Thông tư liên ngành số 01/1995 hướng dẫn để áp dụng Điều 304 BLHS 2015

Người gửi: Nguyễn Đăng Quang
Hiện nay, trong quá trình điều tra, khám xét trong một số vụ án "Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy", "Trộm cắp tài sản"… do Cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành giải quyết đã phát hiện thu giữ các loại tang vật, như: Súng tự chế; đạn thể thao; 01 viên đạn AK (kết luận giám định) dùng cho súng quân dụng. Căn cứ Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chuyển xử lý hành chính hành vi tàng trữ đối với các loại súng tự chế, đạn thể thao. Tuy nhiên, đối với hành vi tàng trữ 01 viên đạn quân dụng, căn cứ Điều 17 Luật tổ chức Cơ quan điều tra điều tra hình sự, Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận tin báo và giải quyết theo thẩm quyền. Căn cứ quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa có văn bản trao đổi theo hướng, quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can đối với hành vi "Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng". Do hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015 về định lượng vũ khí quân dụng làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vì vậy còn có các quan điểm: 1. Căn cứ Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ thì hành vi tàng trữ 01 viên đạn quân dụng đã đủ yếu tố cấu thành tội "Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng" quy định tại khoản 1 Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015. 2. Vận dụng hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ hướng dẫn áp dụng Điều 95, 96 Bộ luật Hình sự năm 1985 thì hành vi tàng trữ 01 viên đạn quân dụng chưa đến mức để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, Thông liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 là để hướng dẫn Điều 95, 96 Bộ luật Hình sự năm 1985, như vậy việc vận dụng Thông tư liên ngành trên áp dụng cho Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015 có còn phù hợp không?

Câu trả lời

Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thi hành Điều 304 Bộ luật hình sự 2015, tuy nhiên theo quy định thì trường hợp như nội dung câu hỏi nêu đã thoả mãn viên đạn thuộc Vũ khí quân dụng theo điểm d, khoản 2 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017. Điều 304 không quy định mức định lượng tối thiểu của các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; vì vậy, hành vi tàng trữ 01 viên đạn quân dụng đã đủ yếu tố cấu thành tội "Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng" quy định tại Khoản 1 Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015. Thông liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 là để hướng dẫn Điều 95, Điều 96 Bộ luật Hình sự năm 1985 đã hết hiệu lực.

Vụ 2 VKSND tối cao