Theo quy định tại Điều 87 và Điều 102 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, biên bản về hoạt động điều tra, xác minh nguồn tin về tội phạm là một loại nguồn chứng cứ và những tình tiết được ghi trong biên bản này có thể được coi là chứng cứ. Biên bản này được lập và đưa vào hồ sơ vụ việc. Theo Mẫu số 145 ban hành kèm theo Thông tư số 119/2021/TT-BCA ngày 08/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự hướng dẫn về Biên bản xác minh như sau: “Biên bản này đã đọc cho những người có tên trên nghe, công nhận đúng và ký tên xác nhận dưới này".
Khoản 1 Điều 435 BLTTHS năm 2015 quy định về quyền của người đại diện của pháp nhân: "được thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm; được đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa cho pháp nhân kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu...".
BLTTHS năm 2015 không có quy định pháp nhân (hoặc người đại diện của pháp nhân) được giao, cung cấp biên bản về hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm.
Như vậy, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, doanh nghiệp (hoặc người đại diện của doanh nghiệp) đang kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm sẽ không được giao, cung cấp biên bản về hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm mà chỉ được yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm; cho đọc, ghi chép bản sao tài liệu (hoặc tài liệu đã được số hóa) liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc tài liệu khác có liên quan kể từ khi kết thúc điều tra.
Câu trả lời có tính chất tham khảo.