Trong tố tụng dân sự, Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết vụ án, vụ việc của Tòa án. Các quyền yêu cầu của Viện kiểm sát đối với Tòa án xuất phát từ nhận thức của Viện kiểm sát nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án kịp thời, đúng pháp luật. Việc thực hiện quyền yêu cầu phải theo quy định của pháp luật về các trường hợp, hình thức, thời hạn yêu cầu,... Đối với các quyền yêu cầu của Viện kiểm sát, hiện nay, trong tố tụng dân sự, pháp luật đều đã quy định rõ trách nhiệm của Tòa án phải thực hiện trong một thời hạn nhất định hoặc Tòa án có thể xem xét, chấp nhận hoặc không chấp nhận việc thực hiện yêu cầu, nếu không thực hiện yêu cầu thì phải nêu rõ lý do.
Các quyền yêu cầu của Viện kiểm sát đối với Tòa án trong tố tụng dân sự gồm có:
(1) Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc (khoản 3 Điều 58 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
(2) Yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ án (Điều 4 và Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC).
(3) Yêu cầu Hội đồng xét xử công bố các tài liệu, chứng cứ của vụ án tại phiên tòa (điểm c khoản 1 Điều 254 và khoản 3 Điều 257 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
(4) Yêu cầu Hội đồng xét xử cho nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh tại phiên tòa sơ thẩm (Điều 255 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
(5) Yêu cầu Hội đồng xét xử hỏi những vấn đề còn chưa rõ tại phiên tòa sơ thẩm (Điều 258 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
(6) Yêu cầu xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa (khoản 4 Điều 259 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
(7) Yêu cầu Tòa án cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật (Điều 515 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).