Theo khoản 1 Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 thì trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì ngoài nợ gốc, bên vay phải trả những loại lãi sau:
- Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay;
- Lãi chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự (tối đa 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả);
- Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Ngoài 03 loại lãi trên, các loại lãi khác do các bên thỏa thuận không được Tòa án chấp nhận. Tuy nhiên, cần phân biệt với phạt vi phạm. Các bên được thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng theo quy định tại Điều 418 Bộ luật dân sự năm 2015, Điều 300 và Điều 301 Luật Thương mại năm 2005, Điều 25 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. Phạt vi phạm là chế tài độc lập áp dụng đối với bên đã vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, với điều kiện là các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng về phạt vi phạm.
Theo khoản 1 Điều 25 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN thì trường hợp tổ chức tín dụng và khách hàng đã có thỏa thuận về trả lãi tiền vay theo khoản 4 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN thì không được thỏa thuận về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự năm 2015 không có quy định này. Vì vậy, có cách hiểu là: Trừ hợp đồng cho vay giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, đối với hợp đồng vay tài sản khác thì ngoài 03 loại lãi theo khoản 5 Điều 466 Bộ luật dân sự, bên vay còn bị phạt vi phạm, nếu các bên đã có thỏa thuận và bên bị vi phạm có yêu cầu.