Nội dung vụ việc:
A và C cùng một số người bạn ngồi ăn tối tại quán. Trong bữa ăn, do C thường chửi tục nên xảy ra mâu thuẫn với A. A gọi C ra ngoài cửa quán nhắc nhở và tát vào mặt C một cái. Sau đó, A quay vào tiếp tục ăn cùng mọi người, còn C bỏ đi. Kết thúc bữa ăn, A ngồi quay lưng ra cửa và cùng mọi người ngồi uống nước. C từ ngoài quán vào đi đến sau lưng A, dùng dao (dạng dao phay) chém 01 phát vào đầu khiến A bị thương rồi cầm dao bỏ chạy ra ngoài. Khi A được một người bạn dùng xe môtô chở đi cấp cứu thì C chạy đến chặn đầu xe định chém tiếp. Lúc này, mọi người trong quán ăn chạy đến can ngăn nên C cầm theo dao bỏ đi. Sau khi bị gây thương tích, A đã có đơn trình báo đến Cơ quan Công an đề nghị xử lý đối với C.
Kết quả giám định xác định A bị tổn hại cơ thể 9% bởi thương tích là vết thương rách da lớn hình vòng cung vùng chẩm và sau tai phải đã liền sẹo chắc, xấu, dài 13cm, rộng 0,2-0,3 cm do vật sắc hoặc tương đối sắc tác động trực tiếp gây nên.
Quá trình điều tra, thu thập tài liệu, Cơ quan Công an chưa triệu tập, ghi được lời khai của C do C vắng mặt ở địa phương, chưa thu thập được con dao phay mà C sử dụng gây thương tích cho A. Sau đó, do C chủ động liên lạc xin lỗi bồi thường 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng) nên A đã có đơn đề nghị rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc xảy ra.
Về nhân thân: C là người trên 18 tuổi, có tiền án về tội Cố ý gây thương tích.
Hiện có 03 quan điểm về xử lý hành vi của C. Cụ thể:
- Quan điểm 1: Thương tích do C gây ra khiến A chỉ bị tổn hại cơ thể 9%, nay A lại có đơn đề nghị rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Nhưng hành vi C dùng dao là loại hung khí nguy hiểm chém vào vùng đầu là vùng hiểm yếu trên cơ thể con người có thể nguy hiểm đến tính mạng nên có dấu hiệu của tội giết người. Tuy nhiên, do chưa ghi được lời khai của C, chưa thu giữ được vật chứng nên không đủ cơ sở để ra Quyết định khởi tố hoặc Không khởi tố đối với vụ việc trên. Kết thúc xác minh giải quyết nguồn tin về tội phạm Cơ quan Công an cần ra quyết định Tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.
- Quan điểm 2: Cơ quan Công an chưa triệu tập, ghi lời khai của C cũng như chưa thu giữ vật chứng (dao) gây khó khăn trong việc đánh giá ý thức chủ quan của C khi thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, việc định tội danh Giết người là chưa chắc chắn. Căn cứ tài liệu nêu trên, diễn biến vụ việc thể hiện tại thời điểm thực hiện hành vi cầm dao chém A, mặc dù C có đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện các nhát chém tiếp theo nhằm đoạt mạng nạn nhân nhưng đã không thực hiện mà bỏ chạy ra ngoài quán. Do đó, chỉ có đủ cơ sở đánh giá hành vi của C có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích, quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 134 Bộ luật hình sự. Vụ việc thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nên khi A có đơn xin rút yêu cầu khởi tố, Cơ quan Công an cần ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
- Quan điểm 3: Việc C bí mật tiếp cận A từ phía sau, đủ điều kiện lựa chọn sử dụng vũ khí và chủ động tấn công vào vị trí nào trên cơ thể của A; Khi dùng dao chém vào đầu A, C không thể thấy trước phải chém bao nhiêu nhát thì mới tước đoạt mạng sống của A. Việc C chỉ chém A một nhát rồi bỏ chạy là hoàn toàn phù hợp với đặc điểm hiện trường gây án tại nơi đông người, có sự chênh lệch về lực lượng giữa hai bên (một bên là chỉ có C, bên còn lại là A cùng các bạn) và sợ bị bắt giữ. Khi A được một người bạn dùng xe môtô chở đi cấp cứu (không có sự chênh lệch lực lượng giữa hai bên) thì C có hành vi chạy đến chặn đầu xe định chém tiếp đã thể hiện ý chí C muốn truy sát A đến cùng. A không chết là do được mọi người kịp thời can ngăn và được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Hành vi C dùng dao là loại hung khí nguy hiểm chém vào vùng đầu là vùng hiểm yếu trên cơ thể con người nguy hiểm đến tính mạng, thỏa mãn yếu tố cấu thành tội Giết người.
Vì vậy, kết thúc việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, Cơ quan Công an cần ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Giết người, tiến hành điều tra xử lý theo quy dịnh.
Câu hỏi:
Đối với trường hợp trên, do chưa triệu tập, làm việc được với đối tượng, cần xử lý như thế nào cho đúng pháp luật?