CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

SUY NGHĨ VỀ LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ ĐỐI VỚI CÁN BỘ KIỂM SÁT: "CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN"

06/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

SUY NGHĨ VỀ LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ ĐỐI VỚI CÁN BỘ KIỂM SÁT: "CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN"

NGUYỄN HUY PHƯỢNG - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc

 

Từ việc quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân...

Tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh xét đến cùng là giành độc lập dân tộc để tiến lên xây dựng chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; một chế độ dân là chủ và dân làm chủ, xây dựng một Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Với Hồ Chí Minh, dân chủ là vì dân, Nhà nước của dân, do dân và vì dân - nhân dân thực hiện quyền làm chủ và thực hiện nghĩa vụ thông qua bộ máy Nhà nước do dân tổ chức nên. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: ''Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Đó là điều khác nhau về bản chất giữa Nhà nước dân chủ nhân dân với các Nhà nước của giai cấp bóc lột đã từng tồn tại trong lịch sử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng bộ máy Nhà nước gồm ba cơ quan: Quốc hội (Nghị viện nhân dân) là cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam dân chủ; Chính phủ là cơ quan hành pháp và là cơ quan hành chính cao nhất; và cơ quan tư pháp hiện đại và dân chủ. Ba cơ quan có sự phân công rành mạch, không can thiệp vào nhau và thống nhất trên nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.

Khi cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước cách mạng ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý tới lĩnh vực lập pháp, xây dựng Hiến pháp làm cơ sở để xây dựng hệ thống pháp luật. Khi hệ thống pháp luật ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mọi tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, các đoàn thể chính trị - xã hội và mọi công dân đều phải tuân thủ pháp luật, không một ai được đứng trên hay đứng ngoài pháp luật, đặc biệt là các cơ quan hành pháp và tư pháp phải hoạt động trên cơ sở pháp luật, phải đặt pháp luật như nền tảng của mọi hoạt động. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: "Trăm điều phải có thần linh pháp quyền''. Trong thư gửi Hội nghị tư pháp toàn quốc (2/1948), Người dạy cán bộ tư pháp phải biết: "Phụng công thủ pháp, chí công vô tư". Người cũng đòi hỏi trừng trị nghiêm khắc những người phạm tội dù người đó làm nghề gì và ở vị trí nào trong xã hội.

Tư tưởng pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính nhân văn, nhân ái sâu sắc. Sau khi làm cách mạng, giành chính quyền về tay nhân dân trong điều kiện của một xã hội nông nghiệp lạc hậu, 90% dân số mù chữ, một xã hội gần một thế kỷ sống dưới chế độ nô lệ, nay giành được độc lập đi vào xây dựng xã hội dân chủ; vấn đề đặt ra là làm thế nào để người dân hiểu được pháp luật, tôn trọng và sống theo pháp luật là trách nhiệm và nghĩa vụ của họ? Trong điều kiện đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo việc thực hiện nâng cao dân trí cho toàn dân và không ngừng tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào giữa dân gian. Hồ Chủ tịch không theo quan niệm "pháp trị", không theo thuyết pháp luật độc tôn; Người nói với cán bộ tư pháp rằng: "Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người - ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức...".

Tư tưởng Hồ Chí Minh về một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân đã đề cao pháp luật, đề cao ý chí quyền lực và sức mạnh của nhân dân, đồng thời đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước phải tôn trọng pháp luật, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm pháp luật làm thiệt hại đến lợi ích của nhân dân. Để xây dựng được Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ Kiểm sát phải: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn".

Cán bộ Kiểm sát là một trong những thành tố quan trọng tạo nên hệ thống cán bộ Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Nếu người cán bộ Kiểm sát "công minh" thì mới đủ bình tĩnh, sáng suốt, mới tự mình không ngừng nâng cao trình độ để vươn tới đáp ứng công việc ngày càng cao, biết phân biệt đúng, sai để có thể làm được việc "chính", góp phần làm cho bộ máy Nhà nước chạy đều, chạy khoẻ, thực thi được quyền lực của nhân dân. Ngược lại, người cán bộ Kiểm sát không "công minh'' sẽ làm cho họ bị tối tăm, mê muội sẽ dẫn tới gây oan sai khi thực thi pháp luật, sẽ làm cho người cán bộ Kiểm sát chủ quan, không phân biệt được đúng sai, làm mất lòng tin của nhân dân.

Như vậy, người cán bộ Kiểm sát có "công minh" mới có khả năng dẫn tới việc làm "chính trực". Xét đến cùng người cán bộ nói chung, đặc biệt đối với người cán bộ Kiểm sát là phải biết đâu là đúng, đâu là sai. Không "công minh", không có trí tuệ sáng suốt thì không thể phân biệt được đúng sai. Trên cơ sở phân biệt rõ đúng sai thì người "chính trực" trước việc đúng thì dù nhỏ cũng làm; việc không đúng, việc sai thì dù nhỏ cũng tránh, cũng không làm. Làm được như vậy thì chắc chắn công việc của người cán bộ Kiểm sát sẽ góp phần vào việc bảo đảm công bằng trước pháp luật. Khi đó người cán bộ Kiểm sát sẽ là người ngay thẳng, đứng đắn, không tà.

Người cán bộ Kiểm sát phải "khách quan", tức là khi xem xét sự việc đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát phải không thiên tư thiên vị, không được lấy ý kiến chủ quan thay cho thực tế khách quan, không được định kiến và suy diễn tuỳ tiện. Để nắm chắc được sự thật của sự việc đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát cũng phải điều tra, tiếp xúc và có khả năng phân tích đúng được bản chất của sự việc. Điều này lại đòi hỏi trí tuệ, sự công minh sáng suốt, chính trực của người cán bộ Kiểm sát. Làm tốt việc này sẽ làm giảm bớt được oan sai, kịp thời đưa ra xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, củng cố được niềm tin trong nhân dân, làm cho bộ máy Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân thực sự có hiệu lực, sức mạnh.

Cũng xuất phát từ bản chất công việc của người cán bộ Kiểm sát là có liên quan đến con người, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ Kiểm sát phải "thận trọng". "Thận trọng" đòi hỏi bình tĩnh, sáng suốt để xem xét vấn đề và nhanh chóng có những quyết định thật "khách quan", chính xác. "Thận trọng" không phải là sợ sệt để rồi cứ "om" công việc kéo dài thời gian vô hạn không kết thúc. Nếu như vậy sẽ dẫn tới các vụ án sẽ kéo dài chồng chất, oan sai nối tiếp oan sai và tội ác sẽ hoành hành. Rõ ràng "thận trọng" đòi hỏi sự bình tĩnh xem xét sự việc, nhưng phải nhanh chóng có quyết định chính xác. Điều đó cho thấy "thận trọng" phải thực hiện trên nền của sự "công minh", "chính trực", "khách quan". Làm được như vậy chắc chắn sẽ góp phần vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân trong sạch, vững mạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn người cán bộ Kiểm sát phải "khiêm tốn''. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: Kiêu ngạo, kiêu căng là mẹ của thất bại, khiêm tốn là bà đỡ của thành công. Văn hoá phương Đông cổ đại có câu: Thánh hiền trở nên vĩ đại vì thánh hiền biết đứng đằng sau mọi người. Hồ Chí Minh là người am hiểu sâu sắc và thực hiện tốt ngũ tri (tri kỷ, tri bỉ, tri thời, tri chi, tri biến), người nói nhiều lần tới hai tri đầu: Tri kỷ, tri bỉ - biết mình, biết người. Áp dụng điều này vào trong công tác hàng ngày đòi hỏi mình phải biết tự đánh giá mình, biết rõ được điểm mạnh mà phát huy, biết rõ điểm yếu mà khắc phục. Để không ngừng hoàn thiện mình, người cán bộ Kiểm sát phải biết "khiêm tốn" học hỏi. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ phải học suốt đời, học trong nhà trường, học trong sách vở, đặc biệt học trong thực tiễn cách mạng, học nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: Người cán bộ vừa là lãnh đạo vừa là đầy tớ trung thành của dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi người cán bộ phải gần dân, hiểu dân, thương dân và phải học dân. Người nói: Người cán bộ trước khi làm thầy của dân phải biết làm trò của dân đã. Tri thức trong dân là vô cùng vô tận. Người cán bộ Kiểm sát biết khiêm tốn thường xuyên học hỏi, tự học suốt đời, học trong nhân dân thì chắc chắn người cán bộ Kiểm sát tiến bộ mãi và sẽ góp phần xứng đáng vào xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự là của dân, do dân và vì dân.

"Công minh", "chính trực", "khách quan'', "thận trọng'' và "khiêm tốn", là 5 phẩm chất có tính tổng hoà trong con người cán bộ Kiểm sát, không thể thiếu được phẩm chất nào. Thấm nhuần và rèn luyện, phấn đấu theo 5 phẩm chất này trong lời dạy của Bác Hồ thì chắc chắn người cán bộ Kiểm sát sẽ tiến bộ mau chóng và sẽ góp phần làm cho Nhà nước pháp quyền của ta thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

... đến việc đổi mới phong cách, tác phong làm việc của người cán bộ Kiểm sát

Để có được 5 đức tính mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy cán bộ Kiểm sát, đòi hỏi phải đổi mới phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành Kiểm sát, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát trong sạch, vững mạnh, suốt đời phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng, kiên quyết đấu tranh với tội phạm. Nếu không thường xuyên được rèn luyện nâng cao về lập trường chính trị, tư tưởng và đạo đức gắn liền với đổi mới phong cách làm việc có hiệu quả thì mọi điều chỉ là nói suông. Đổi mới phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức của ngành Kiểm sát ngày nay để có hiệu quả thiết thực phải được xây dựng trên tinh thần phong cách làm việc Hồ Chí Minh.

Trước hết, phong cách làm việc của người cán bộ Kiểm sát là phải có tác phong quần chúng.

Tác phong quần chúng đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát phải chú ý tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của mọi người; tin yêu và tôn trọng con người, chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của mọi người; sẵn sàng tiếp thu phê bình của mọi người và sửa chữa khuyết điểm của mình; tự mình là mực thước để xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân. Thực hiện tốt tác phong quần chúng là đã thể hiện được đạo đức hết lòng phục vụ nhân dân, học hỏi nhân dân và mới xứng đáng là người được nhân dân uỷ quyền trao cho quyền lực để giải quyết vì lợi ích của nhân dân.

Người cán bộ Kiểm sát cần thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cán bộ, đảng viên phải "từ nơi quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng"; lắng nghe ý kiến của quần chúng, giải quyết kiến nghị của quần chúng; phải gần dân, yêu dân, kính dân; làm cho dân kính, dân tin, dân yêu.

Hai là, người cán bộ Kiểm sát phải có tác phong làm việc tập thể, dân chủ.

Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Nhà nước ta được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong cách làm việc tập trung dân chủ trở thành vấn đề thường xuyên trong công tác. Tác phong làm việc tập trung, dân chủ đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát phải gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể. Tinh thần này phải thấm sâu vào suy nghĩ và hành động thường nhật của mỗi người cán bộ Kiểm sát.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra, dù là người tài giỏi mà tách khỏi tập thể thì họ không làm được gì hết vì cống hiến của cá nhân chỉ là có hạn so với tập thể. Người đã viết: "Đem so với công việc của cả loài người trong thế giới thì những người đại anh hùng xưa nay cũng chẳng qua làm tròn một bộ phận mà thôi''.

Ba là, tác phong làm việc khoa học.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải xây dựng cho mình một tác phong khoa học, "một cách làm việc khoa học''. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rèn luyện cho mình một tác phong làm việc khoa học, đi sâu, đi sát, điều tra, nghiên cứu, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ: Người lãnh đạo phải tỉnh táo, khách quan để đòi hỏi bộ máy và chính bản thân mình "phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây''. Muốn lãnh đạo đúng trước hết "phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng''.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Chương trình công tác thì quá rộng rãi mà kém thiết thực. Đặt ra kế hoạch và chương trình không xét rõ năng lực của những người thi hành kế hoạch và chương trình đó. Thành thử việc gì cũng muốn làm mà việc gì làm cũng không triệt để". Người đòi hỏi: "Kế hoạch một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai, ba mươi, muốn lãnh đạo quần chúng thì phải tổ chức thi hành cho đúng". Người cán bộ Kiểm sát cần có phong cách làm việc như Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ"; "cần phải lãnh đạo toàn diện và cụ thể"; "phải cẩn thận mà nhanh nhẹn, kịp thời, làm đến nơi đến chốn".

Tác phong quần chúng, tác phong tập thể, dân chủ và tác phong khoa học gắn bó với nhau. Thực hiện tốt những tác phong này sẽ là thực hiện được năm điều căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát; góp phần xây dựng và đổi mới hoạt động của Viện kiểm sát và xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát trong sạch, vững mạnh, phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng tốt nhất và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm.

Tìm kiếm