CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

THỰC HIỆN LỜI DẠY CỦA CHỦ TỊCH HỒ HỒ CHÍ MINH XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH LONG AN THẬT SỰ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH, CÓ TINH THẦN TRÁCH NHIỆM VÀ LƯƠNG TÂM NGHỀ NGHIỆP TRONG SÁNG

06/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

THỰC HIỆN LỜI DẠY CỦA CHỦ TỊCH HỒ HỒ CHÍ MINH XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH LONG AN THẬT SỰ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH, CÓ TINH THẦN TRÁCH NHIỆM VÀ LƯƠNG TÂM NGHỀ NGHIỆP TRONG SÁNG

NGUYỄN THỊ THUỶ KHIÊM - Viện trưởng VKSND tỉnh Long An

 

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng phát động trọng thể tại Lễ kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bằng tất cả tấm lòng tri ân với Bác Hồ kính yêu.

Trong bối cảnh đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo với chủ đề: Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” có một ý nghĩa đặc biệt, nhất là trong giai đoạn ngành Kiểm sát đang tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Công cuộc đổi mới của đất nước ta nói chung và vấn đề cải cách tư pháp nói riêng đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, cần phải phát huy mạnh mẽ nội lực, giải phóng mọi tiềm năng cho sự phát triển. Phát huy mạnh mẽ những chuẩn mực đạo đức mới, như năng động, sáng tạo, quyết tâm không cam chịu đói nghèo, đưa đất nước tiến lên cùng thời đại chính là động lực tinh thần to lớn để đẩy mạnh công cuộc đổi mới của nước ta. Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, học tập, tu dưỡng đạo đức thường xuyên chính là cơ sở để hoàn thiện mỗi cá nhân. Chính vì vậy, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, đây chính là giải pháp cơ bản, có ý nghĩa cấp bách đáp ứng yêu cầu xây dựng nền tảng đạo đức, tinh thần của xã hội ta.

Trong 47 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Kiểm sát nhân dân luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; đặc biệt là tình cảm, là sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập Đảng ta, người đã lãnh đạo toàn dân tộc giành độc lập tự do, xây dựng một Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan kiểm sát việc chấp hành pháp luật của người khác, ngành Kiểm sát hơn ai hết phải là những người gương mẫu chấp hành pháp luật, cũng vì vậy cán bộ Kiểm sát phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. "Công minh", "chính trực", "khách quan", "thận trọng", "khiêm tốn" là 5 đức tính thể hiện phẩm chất, đạo đức của người cán bộ Kiểm sát; nếu thiếu một trong 5 đức tính đó thì không thể là người cán bộ Kiểm sát chân chính.

Năm đức tính mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy cán bộ Kiểm sát được xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các hoạt động tư pháp mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho ngành Kiểm sát nhân dân. Cố Tổng Bí thư Trường Chinh khi phát biểu kết luận về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 1967 đã nói: “Không có cơ quan Nhà nước nào thay thế ngành Kiểm sát để sử dụng quyền công tố. Bắt, giam, điều tra, tha, truy tố, xét xử có đúng người, đúng tội, đúng pháp luật hay không, có đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước hay không, điều đó chính là Viện kiểm sát phải trông nom, bảo đảm làm tốt”. Người cán bộ Kiểm sát phải có đủ 5 đức tính "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" mới có thể hoàn thành nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo đúng quy định của pháp luật.

Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; hàng ngày, hàng giờ, người cán bộ Kiểm sát phải tiếp xúc giải quyết rất nhiều vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng trong xã hội, quyết định truy tố và truy tố như thế nào ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính trị của mỗi công dân. Điều đó đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát trong bất cứ công việc gì cũng phải thật sự công tâm, liêm chính; phải hết sức thận trọng trong đánh giá, suy xét nhận định từng vấn đề cụ thể; phải tôn trọng sự thật và các yếu tố khách quan; đồng thời không ngừng học hỏi kiến thức chuyên môn, tích luỹ kinh nghiệm, khả năng ứng xử nhạy bén trước các tình huống.

Trải qua 47 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Kiểm sát nhân dân đã có rất nhiều cán bộ, Kiểm sát viên luôn giữ vững tận tuỵ với nghề, vượt qua khó khăn, thử thách và những cám dỗ vật chất, dũng cảm đấu tranh, chống các tiêu cực để vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng bên cạnh tấm gương tận tuỵ, tâm huyết với ngành Kiểm sát thì vẫn còn một số ít cán bộ Kiểm sát đã thiếu ý thức rèn luyện, tu dưỡng, bị sa sút về phẩm chất và ý chí phấn đấu dẫn đến vi phạm, thậm chí phạm tội. Những trường hợp đó đã ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp của người cán bộ Kiểm sát và giảm sút lòng tin của nhân dân.

Để cán bộ Kiểm sát thực hiện đầy đủ 5 đức tính "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn", để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới của Ngành, đòi hỏi mỗi đơn vị, mỗi cấp của ngành Kiểm sát nhân dân cần đổi mới về tư duy, về công tác tổ chức, phải xây dựng cho bằng được đội ngũ cán bộ Kiểm sát thật sự trong sạch, vững mạnh, có đầy đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, dũng cảm đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ công lý và pháp luật xã hội chủ nghĩa, có tinh thần trách nhiệm cao và lương tâm nghề nghiệp trong sáng.

Để có được một đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên có đầy đủ những phẩm chất trên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An đã tập trung chỉ đạo làm tốt những việc sau:

Một là, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An trong sạch, vững mạnh. Một cán bộ Kiểm sát trong sạch là một cán bộ có phẩm chất đạo đức trong sáng như lời cố Viện trưởng Hoàng Quốc Việt: “Người cán bộ Kiểm sát phải có đạo đức trong sáng như pha lê”. Để có được phẩm chất đó mỗi cán bộ Kiểm sát phải luôn tâm niệm rằng đã trở thành một cán bộ Kiểm sát cần phải tự rèn luyện, phấn đấu vượt qua khó khăn, cám dỗ của cuộc sống đời thường, kiên quyết không vi phạm pháp luật, không tham nhũng, tiêu cực, không làm sai pháp luật gây oan sai, không làm trái với đạo đức người cán bộ Kiểm sát. Bên cạnh đó lãnh đạo các cấp kiểm sát phải thật sự quan tâm chú trọng đến công tác quản lý, rèn luyện, giáo dục cán bộ cấp mình. Muốn vậy, lãnh đạo Viện kiểm sát phải thật sự mẫu mực, là tấm gương cho cấp dưới và đồng nghiệp noi theo.

Xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát vững mạnhlà một đội ngũ cán bộ luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, có tinh thần dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý, pháp luật xã hội chủ nghĩa trong bất cứ hoàn cảnh nào. Để có được một đội ngũ thật sự vững mạnh, một yêu cầu có tính quyết định là phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Kiểm sát có đủ trình độ pháp luật, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cùng các kiến thức bổ trợ khác. Đồng thời phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ trình độ về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành các hoạt động của từng cấp kiểm sát. Đội ngũ cán bộ Kiểm sát vững mạnh còn đòi hỏi từng cán bộ trong Ngành dù đảm đương công việc gì cũng phải nắm vững và thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Một tiêu chí quan trọng của đội ngũ cán bộ vững mạnh là tinh thần dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý, lẽ phải, pháp luật xã hội chủ nghĩa, có thái độ kiên quyết không khoan nhượng trong đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát có tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp trong sáng.

Tinh thần trách nhiệm của người cán bộ Kiểm sát chính là thái độ với công việc, đối với xã hội và trách nhiệm đối với Ngành. Sự đam mê và tự hào về công việc mới là những giá trị thật sự mà chúng ta cần ở một cán bộ Kiểm sát. Bởi suy cho cùng kiến thức, kỹ năng có thể dễ dàng tích luỹ được nhưng thái độ phục vụ xã hội, phục vụ sự nghiệp của Ngành không phải muốn là có ngay. Tinh thần trách nhiệm còn là sự tận tâm, tận lực với công việc; khi được giao bất cứ nhiệm vụ gì, người cán bộ Kiểm sát phải đề cao lương tâm, trách nhiệm và cố gắng học hỏi để tinh thông nghiệp vụ và phấn đấu hoàn thành công việc với chất lượng cao nhất. Một cán bộ Kiểm sát có trách nhiệm còn thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, trước toàn xã hội trong việc bảo đảm công lý, sự đúng đắn, khách quan trong việc áp dụng pháp luật.

Có thể khẳng định rằng việc xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát có đầy đủ 5 đức tính theo lời dạy của Bác trong giai đoạn hiện nay đối với ngành Kiểm sát là một vấn đề cấp bách, là biện pháp hàng đầu để ngành Kiểm sát nhân dân hoàn thành nhiệm vụ được giao. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu của từng cán bộ Kiểm sát, sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của Lãnh đạo các cấp Kiểm sát.

Qua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có thể khẳng định, lời dạy của Bác Hồ với ngành Kiểm sát nhân dân có giá trị vô giá làm nền tảng cho việc xây dựng một đội ngũ cán bộ Kiểm sát trong sạch, có đủ phẩm chất tốt, năng lực, trình độ, tính chiến đấu, lương tâm và trách nhiệm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tìm kiếm