CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI THỰC HIỆN NĂM ĐỨC TÍNH BÁC HỒ DẠY CÁN BỘ KIỂM SÁT

06/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI THỰC HIỆN NĂM ĐỨC TÍNH BÁC HỒ DẠY CÁN BỘ KIỂM SÁT

HỒ VĂN NĂM - Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai

 

Tỉnh Đồng Nai thuộc miền Đông Nam bộ, là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên có bước phát triển năng động về kinh tế, với dân số hơn 2 triệu người gồm trên 30 dân tộc Kinh, Hoa, Nùng, Châu Ro, Mạ, Siêng... thuộc nhiều vùng văn hoá, nhiều tôn giáo, có thành phố Biên Hoà, thị xã Long Khánh và 9 đơn vị hành chính cấp huyện.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai được thành lập, từ đó đến nay không ngừng phát triển và từng bước trưởng thành. Dưới sự Lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tỉnh uỷ Đồng Nai, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành và nhiệm vụ chính trị của địa phương xứng đáng đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước, của Ngành và của địa phương.

Cán bộ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và nhân viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai nhận thức rằng: Tư tưởng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh của những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hoá của nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta, là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo. Trong giai đoạn hiện nay, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng, đẩy lùi những suy thoái về đạo đức lối sống và các tệ nạn xã hội; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Đối với ngành Kiểm sát, đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát động cán bộ, Kiểm sát viên trong toàn Ngành học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời tìm hiểu những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về công tác xây dựng chính quyền, xây dựng cán bộ cách mạng nói chung và xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân và cán bộ ngành Kiểm sát nói riêng.

Thực hiện Chỉ thị công tác năm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Nghị quyết của Tỉnh uỷ về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, xây dựng ngành Kiểm sát Đồng Nai ngày càng trong sạch, vững mạnh, thấm nhuần lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát khi giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền phải luôn ghi nhớ lời căn dặn của người nhằm không ngừng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.

Với phương châm chỉ đạo là ''đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý tội phạm''; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai phấn đấu không để xảy ra oan sai, lọt tội; nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, giảm đến mức thấp nhất sai sót và không để án kéo dài quá hạn luật định. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành luôn gắn lời Bác dạy để thực hiện tốt các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ nhằm tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong công tác kiểm sát việc tiếp nhận, quản lý, xử lý tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố. Các biện pháp cụ thể là:

- Xây dựng quy chế phối hợp giữa Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát và Thanh tra; đưa công tác tiếp nhận, quản lý, xử lý tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố một cách kịp thời, chính xác.

- Kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố đảm bảo việc khởi tố có căn cứ, đúng pháp luật; đồng thời kiểm sát chặt chẽ việc không khởi tố để khắc phục tình trạng thả nổi việc xử lý tin báo tội phạm, bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

- Kiểm sát chặt chẽ hơn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thận trọng trong việc phê chuẩn bắt, tạm giữ, tạm giam, xem xét kỹ căn cứ tạm giam nhằm phục vụ tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử; không để xảy ra việc giam, giữ không cần thiết, giam, giữ oan sai, lạm dụng bắt khẩn cấp.

- Tăng cường kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, không quả tang như giết người, cướp của, hiếp dâm, án phức tạp, án tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Chủ động trong việc đề ra yêu cầu điều tra ngay từ khi khởi tố vụ án và bám sát trong suốt quá trình điều tra, nhằm bảo đảm tính khách quan khi giải quyết vụ án.

- Các Kiểm sát viên phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ, năng lực nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra và nâng cao trách nhiệm của Kiểm sát viên theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự; phấn đấu đẩy nhanh tiến độ kết thúc điều tra, án truy tố trên 95%, không để xảy ra việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do không phạm tội, hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự; đồng thời theo dõi chặt đối với án đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ điều tra không để lọt người, lọt tội; hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

- Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo hướng Kiểm sát viên nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm chắc tình tiết vụ án và quá trình tố tụng, chuẩn bị đề cương thẩm vấn và dự thảo luận tội. Chú trọng rèn luyện kỹ năng diễn đạt, lập luận, ứng xử đúng pháp luật và có sức thuyết phục cho Kiểm sát viên để thực hiện tốt mô hình tố tụng thẩm vấn kết hợp với tranh tụng trong xét xử tại phiên toà theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, huyện, Trưởng, Phó phòng nghiệp vụ thường xuyên tham dự các phiên toà để có biện pháp bồi dưỡng nâng cao chất lượng và kỹ năng tranh tụng, luận tội của Kiểm sát viên tại phiên toà. Mặt khác, tổ chức các phiên toà do Kiểm sát viên có năng lực thực hành quyền công tố để cho các Kiểm sát viên trong và ngoài đơn vị học tập, rút kinh nghiệm từ thực tiễn.

Chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng kháng nghị, phấn đấu được cấp phúc thẩm chấp nhận trên 70%; những trường hợp kháng nghị hoặc đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải thận trọng, tỉ mỷ khi xem xét nghiên cứu kỹ căn cứ kháng nghị và phải đề cao trách nhiệm, không kháng nghị tràn lan, thiếu căn cứ. Qua giải quyết án hình sự, làm tốt hơn việc phát hiện và kiến nghị các cơ quan hữu quan khắc phục kịp thời những sơ hở trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội nhằm ngăn ngừa tội phạm.

- Nắm chắc nhiệm vụ, quyền hạn, đối tượng, nội dung và phương thức kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Quy chế của ngành để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, đảm bảo việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù đúng pháp luật, đúng chế độ chính sách; kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp oan sai, kiến nghị khắc phục tồn tại, thiếu sót, kháng nghị những quyết định, hành vi vi phạm pháp luật, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án khi có dấu hiệu tội phạm.

Thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự và Bộ luật Dân sự, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai tập trung thực hiện các quy định về phạm vi, thẩm quyền của Viện kiểm sát trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động; thực hiện tốt chức năng kiểm sát trong quá trình mở rộng thẩm quyền xét xử các vụ khiếu kiện hành chính theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Phấn đấu làm tốt công tác kiểm sát các bản án, quyết định của Toà án; nâng cao chất lượng kháng nghị các bản án, quyết định về dân sự, hành chính của Toà án có vi phạm pháp luật và kịp thời giải quyết tốt đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án dân sự, hành chính.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo hai cấp Kiểm sát phấn đấu nâng cao chất lượng kiểm sát thi hành án; đảm bảo các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành đúng pháp luật, đầy đủ, kịp thời. Trước mắt tiến hành việc phối hợp với Toà án để rà soát, yêu cầu Công an truy nã và áp dụng các biện pháp truy bắt hết số trốn đưa vào thi hành án phạt tù. Đồng thời tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật của chính quyền xã, phường, cơ quan... trong việc quản lý giáo dục người bị phạt án treo, cải tạo không giam giữ.

Trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự: Chú ý việc phân loại việc thi hành án (có điều kiện, chưa có điều kiện...) và nâng cao tỷ lệ kết quả thi hành án đối với số việc có điều kiện thi hành; phối hợp cùng Cơ quan thi hành án kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với những trường hợp có điều kiện nhưng không chịu thi hành án, tuy nhiên, phải được kiểm sát chặt chẽ để ngăn ngừa vi phạm nhất là trong kê biên, xử lý tài sản, buộc giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất, bán đấu giá tài sản...; thông qua kết quả kiểm sát chú trọng tổng hợp vi phạm để kháng nghị, kiến nghị kịp thời.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đã chú trọng nâng cao trách nhiệm và chất lượng công tác tiếp dân, tiếp nhận đầy đủ đơn khiếu nại, tố cáo của công dân; giải quyết tốt đơn thuộc thẩm quyền, không để đơn tồn đọng, bức xúc, kéo dài; đồng thời tăng cường kiểm sát việc giải quyết đơn thư khiếu kiện về tư pháp của các cơ quan tư pháp, phát hiện và kiến nghị khắc phục kịp thời các vi phạm trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai xác định thực hiện nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát chính là đã góp phần xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai trong sạch, vững mạnh.

Để xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai trong sạch, vững mạnh, Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tập trung chỉ đạo một số công tác sau:

- Tiếp tục quán triệt cho cán bộ, Kiểm sát viên thấu suốt trong chủ trương cải cách tư pháp; động viên cán bộ, Kiểm sát viên an tâm công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tiếp tục tu dưỡng rèn luyện và ra sức học tập nâng cao kiến thức nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.

- Tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục cán bộ, kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt, đồng thời phát hiện, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực; chú trọng việc tuyển đủ biên chế hàng năm được duyệt, đảm bảo quy trình, hồ sơ, công khai, minh bạch và nâng chất lượng đội ngũ cán bộ ngay từ khâu tuyển dụng ban đầu.

- Rà soát đội ngũ cán bộ theo từng chức danh để đào tạo, bồi dưỡng, phấn đấu đến năm 2010 cơ bản đạt chuẩn đào tạo cho các chức danh Kiểm sát viên; Trưởng, Phó phòng nghiệp vụ; Viện trưởng, Phó Viện trưởng cấp huyện và cấp tỉnh theo quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên ở từng Phòng, từng huyện theo hướng chuyên sâu và đáp ứng lộ trình tăng thẩm quyền cho cấp huyện đến năm 2009.

- Phấn đấu tuyển chọn bổ nhiệm đủ số Kiểm sát viên cấp tỉnh, Kiểm sát viên cấp huyện và Trưởng, Phó phòng, Viện trưởng, Phó Viện trưởng cấp huyện theo Quy định số 02 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Phấn đấu hoàn thành việc xây dựng trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, các huyện và tăng cường hơn nữa trang thiết bị làm việc theo đề án giai đoạn 2 (2006 - 2010) của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động kiểm sát nhất là trong quản lý án hình sự, thống kê tội phạm, phục vụ có hiệu quả sự chỉ đạo, điều hành của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, huyện; tăng cường quản lý ngân sách theo cơ chế "tự chủ, tự chịu trách nhiệm'', thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng của các tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ Đảng viên và tích cực phát triển Đảng viên mới trong ngành Kiểm sát, đảm bảo lãnh đạo thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao; xây dựng ngành Kiểm sát Đồng Nai ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Tìm kiếm