CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN - HUẾ THỰC HIỆN LỜI DẠY CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐỐI VỚI CÁN BỘ KIỂM SÁT

06/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN - HUẾ THỰC HIỆN LỜI DẠY CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐỐI VỚI CÁN BỘ KIỂM SÁT

HOÀNG TRỌNG KHẢM - Viện trưởng VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế

 

Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, di sản quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho cán bộ Kiểm sát là lời dạy của Người: Cán bộ Kiểm sát phải "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn".

Thấm nhuần lời dạy của Người, kể từ khi thành lập sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1976) đến nay, cán bộ, công chức ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức; hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao cho.

Ngay từ ngày 19/8/2004, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có Kế hoạch số 559-KH/VKS về việc "tổ chức nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh và thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát; xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh". Kể từ đó đến nay, nhận thức sâu sắc về nội dung và giá trị lời dạy của Bác Hồ, quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác. Điểm nổi bật nhất là trong số các vụ án hình sự do Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giải quyết, không có vụ án nào quá hạn điều tra, truy tố; không có vụ án nào phải đình chỉ điều tra vì không phạm tội; không có các trường hợp Viện kiểm sát truy tố mà Toà án xét xử tuyên không phạm tội, không có các trường hợp hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế và ngược lại. Tỷ lệ các vụ án dân sự bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm tuyên sửa, huỷ đã giảm đáng kể. Các trường hợp tạm giữ, tam giam đều đảm bảo đúng thời hạn, đúng thủ tục; việc thực hiện các chế độ tạm giữ, tạm giam đúng quy định của pháp luật. Tỷ lệ tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự sau đó phải trả tự do chuyển xử lý hành chính từ chỗ chiếm tỷ lệ 30,9% vào năm 2000 đến nay đã không còn xảy ra; không có các trường hợp quá hạn tạm giữ, tạm giam, không có các trường hợp nào bắt giữ oan người vô tội.

Trong 15 năm qua, Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tục được công nhận là trong sạch, vững mạnh, được Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế tặng "Cờ thi đua đơn vị trong sạch, vững mạnh liên tục 10 năm liền từ năm 1994 đến năm 2004"; không có đồng chí nào vi phạm bị xử lý bằng pháp luật, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo nào của công dân về hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức ngành Kiểm sát. Có thể nói, đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng, là thành tích cơ bản nhất của tập thể cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế trong các năm qua thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát.

Vận dụng lời dạy của Bác Hồ vào thực tiễn công tác của ngành Kiểm sát nhân dân, chúng tôi cho rằng việc học tập và làm theo lời dạy của Người phải thường xuyên, liên tục, là công việc phải thực hiện suốt cả đời của người cán bộ Kiểm sát, lời dạy của Người là "nhân sinh quan" trong đối nhân xử thế của người cán bộ Kiểm sát. Học tập và làm theo lời dạy của Người không phải là việc học tập một cách hình thức, rập khuôn, máy móc mà phải chuyển hoá vào nội tâm của mỗi người thể hiện bằng các việc làm thiết thực trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của mình. Khi thực thi nhiệm vụ công tác kiểm sát, phải phấn đấu không được làm oan người vô tội cũng như không để lọt tội phạm, phải đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đúng chính sách pháp luật. Đảm bảo sự công bằng, bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, cùng một hành vi phạm tội với những tình tiết như nhau, không thể có tình trạng người này thì xử nặng, người kia lại xử nhẹ, thậm chí không được xử lý. Mặt khác, không phải cứ xử lý thật nặng thì mới đảm bảo sự nghiêm minh, bình đẳng của pháp luật mà điều chủ yếu là không để một hành vi phạm tội nào xảy ra mà không bị phát hiện, xử lý.

Một vấn đề hết sức quan trọng mà mỗi người cán bộ Kiểm sát cần lưu ý là phải có cái ''tâm trong sáng" khi xem xét xử lý một hành vi vi phạm pháp luật phải cân nhắc kỹ lưỡng, "có lý, có tình'', có sức thuyết phục, giáo dục cảm hoá người phạm tội để họ có cơ hội trở thành người lương thiện, tái hoà nhập được với cộng đồng. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, người cán bộ Kiểm sát không được gây phiền hà, sách nhiễu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ, ức hiếp nhân dân. Phải nhận thức được rằng, khi một người phạm tội thì không những bản thân họ đã bị pháp luật trừng trị mà cả gia đình, họ hàng người đó phải mang tiếng xấu, chịu đựng sự tủi nhục, vì vậy, người cán bộ Kiểm sát tuyệt đối không được gây khó khăn, sách nhiễu, phải bảo đảm các quyền dân chủ của họ mà pháp luật đã quy định. Trong quá trình xử lý công việc cần chú ý lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của những người đến khiếu nại, tố cáo, của các đương sự có liên quan, cũng như bị can, bị cáo, thông qua đó mà tuyên truyền giáo dục, làm cho họ nhận thấy được sai lầm của mình để có hướng khắc phục sửa chữa.

Vận dụng lời dạy của Bác Hồ trong công tác, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải xem cơ quan như là "ngôi nhà thứ hai'' của mình để có sự gắn bó, thân thiết, xem đồng chí, đồng nghiệp như là người thân trong gia đình, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, tạo thành một nét văn hoá công sở, để mỗi ngày đến cơ quan làm việc là một ngày thật sự có ý nghĩa. Từ đó có ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng điện nước, vật tư tài sản, kinh phí hành chính sự nghiệp, xây dựng cơ bản.v.v.

Vận dụng lời dạy của Bác Hồ trong công tác xây dựng ngành, trong công tác tổ chức cán bộ là một việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi lẽ Bác Hồ đã từng nói: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Ở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện nay có 156 đồng chí, trong đó số cán bộ đã tốt nghiệp Đại học Luật, Cao đẳng Kiểm sát trở lên có 137 đồng chí (chiếm tỷ lệ 88%). Tổng số Đảng viên là 112 đồng chí (chiếm tỷ lệ 72%). Tổng số Kiểm sát viên là 83 đồng chí (chiếm tỷ lệ 53%). Nhìn chung, đa số cán bộ đã được rèn luyện qua chiến đấu và thử thách trong công tác thực tiễn, vững vàng về chính trị, luôn tin tưởng và trung thành với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, có tinh thần đấu tranh bảo vệ chân lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa và quyền dân chủ của nhân dân.

Trong tình hình hiện nay, mặc dù đời sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng phần lớn cán bộ trong Ngành vẫn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, có lối sống trong sáng, lành mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, đơn vị vẫn đang thiếu nhiều cán bộ có trình độ chuyên môn cao ở từng lĩnh vực công tác kiểm sát, thiếu những đồng chí nhanh nhạy giải quyết các vấn đề khó khăn mà thực tiễn đang đặt ra, mặt khác, ý thức trách nhiệm, tính tổ chức kỷ luật chưa được phát huy tốt, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công tác. Tư tưởng hữu khuynh, né tránh, ngại va chạm, ý thức tự giác, tự rèn luyện của một số cán bộ còn yếu như ngại học, ngại nghiên cứu, làm việc cầm chừng, hiệu quả chưa cao vẫn còn tồn tại. Vì vậy, xây dựng một đội ngũ cán bộ Kiểm sát trong sạch, vững mạnh, suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, kiên quyết đấu tranh với tội phạm là một yêu cầu đặt ra hết sức cấp bách, nhất là trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay.

Để xây dựng một đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, theo chúng tôi trước hết người cán bộ lãnh đạo phải là người đầu tàu, gương mẫu, là hạt nhân, là trung tâm đoàn kết của đơn vị. Là người cán bộ lãnh đạo mà phẩm chất đạo đức tư cách, trình độ chuyên môn nghiệp vụ không cao thì làm sao đủ sức lãnh chỉ đạo đơn vị. Đồng thời, người cán bộ lãnh đạo phải có đủ "tâm và tầm" phải là người có năng lực hoạch định, đề ra được phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể để chỉ đạo đơn vị thực hiện, phải tạo ra được một ''môi trường công tác" bình đẳng để bất kỳ một đồng chí cán bộ nào có đủ năng lực, trình độ đều có thể tham gia phấn đấu vươn lên, đồng thời phải có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có bản lĩnh, có ý chí. Bố trí và sử dụng đội ngũ cán bộ cho phù hợp với năng lực, kinh nghiệm của từng đồng chí. Kịp thời uốn nắn những lệch lạc, theo dõi giúp đỡ các đồng chí có biểu hiện chưa tốt. Tiếp theo, phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên. Đồng thời phải tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ. Cuối cùng phải có sự đánh giá cán bộ một cách khách quan, khoa học, căn cứ vào phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, hiệu quả và chất lượng công việc.v.v.

Nói tóm lại, 5 đức tính "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" đã cụ thể hoá được phẩm chất, đạo đức cách mạng mà người cán bộ Kiểm sát cần phải phấn đấu rèn luyện, có mối quan hệ mật thiết với nhau, đức tính này làm tiền đề cho đức tính kia phát triển và ngược lại. Vì vậy, mỗi người cán bộ Kiểm sát cần phải quán triệt nghiêm túc trong nhận thức và trong hành động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Ngành, xây dựng ngành Kiểm sát trong sạch, vững mạnh.

Tìm kiếm