CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

27/04/2012
Cỡ chữ:   Tương phản

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang thực hiện cuộc vận động
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
 
Ngay sau khi có Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 07/11/2006 của Bộ chính trị và Chỉ thị 03/CT/VKSTC-V9, ngày 16/4/2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang đã phối hợp chặt chẽ với Cấp uỷ Đảng kịp thời tổ chức quán triệt thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Quy định số 169 về “Bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi” trong toàn ngành Kiểm sát tỉnh Hậu Giang. Đã xây dựng Kế hoạch số 31 ngày 05/7/2007, Quyết định số 29/QĐ-BCS, ngày 14/7/2007 của Ban Cán sự Đảng và thành lập Tổ công tác chỉ đạo thực hiện cuộc vận động với những nội dung cụ thể cho từng chuyên đề của mỗi năm. Để thực hiện tốt mục tiêu nêu trong kế hoạch, tất cả cán bộ ngành Kiểm sát Hậu Giang đã tích cực học tập đầy đủ về các chuyên đề về tấm gương đạo đứcHồ Chí Minh. Ngoài học tập theo quy định do Tỉnh uỷ, Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh mở, Lãnh đạo Viện còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể thông qua các cuộc họp, hội nghị, buổi đọc báo hàng ngày để tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức về tấm gương đạo đức của Bác cho mỗi cán bộ Kiểm sát. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước do Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh phát động, Lãnh đạo Viện đã lồng ghép vào cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong từng cán bộ, Kiểm sát viên ở Viện kiểm sát hai cấp của tỉnh Hậu Giang.
Qua 5 năm thực hiện cuộc vận động, cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát Hậu Giang được học tập các chuyên đề về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện “Bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi”. Hàng năm, đơn vị tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội. Từ khi thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương của Bác, đơn vị đã không để xảy ra trường hợp oan, sai. Viện kiểm sát phối hợp tốt với các cơ quan tư pháp trong việc đẩy nhanh tiến độ giải quyết án theo yêu cầu cải cách tư pháp. Các vụ án mà Viện kiểm sát truy tố đều được Toà án đưa ra xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Toà án tuyên bị cáo không phạm tội. Đạt được kết quả trên là do cán bộ, Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự đã kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố, khám nghiệm, thu thập chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ một cách kỹ lưỡng, thấu đáo, thận trọng trong việc đánh giá, suy xét nhận định từng vấn đề cụ thể trong các vụ án, khắc phục được tính chủ quan duy ý chí trong khi thi hành công vụ.
Để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với việc “Bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi”, Ban Lãnh đạo Viện luôn chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên thật sự trong sạch, vững mạnh, có đầy đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, có tinh thần trách nhiệm; từng bộ phận cán bộ, Kiểm sát viên chấp hành nghiêm các Chỉ thị, Quy chế của Ngành trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao, phải công minh, chính trực, công tâm, trung thực và bảo đảm đúng với quy định của pháp luật. Khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, người cán bộ Kiểm sát phải hết sức thận trọng trong đánh giá, suy xét, nhận định từng vấn đề cụ thể; tôn trọng sự thật khách quan; đồng thời, không ngừng học hỏi kiến thức chuyên môn, tích luỹ kinh nghiệm, khả năng ứng xử nhạy bén trước các tình huống để đi đến một kết luận, quyết định đúng.
Đạt được kết quả nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về những nội dung và giá trị to lớn của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tinh thần trách nhiệm của người cán bộ Kiểm sát chính là thái độ với công việc, đối với xã hội, trách nhiệm đối với Ngành. Sự đam mê và tự hào về công việc mới là giá trị đích thực mà chính ta cần ở người cán bộ Kiểm sát. Với tinh thần trách nhiệm tận tâm, tận lực với công việc, khi được giao nhiệm vụ gì người cán bộ Kiểm sát luôn đề cao lương tâm trách nhiệm và cố gắng học hỏi để tinh thông nghiệp vụ và phấn đấu hoàn thành công việc với chất lượng cao; luôn giữ vững sự tận tụy với nghề và vượt qua mọi khó khăn, thử thách cũng như những cám dỗ vật chất, dũng cảm đấu tranh chống các tiêu cực; phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với cán bộ, đảng viên trong Ngành vi phạm phẩm chất đạo đức, tiêu cực trong thi hành công vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính trong Ngành, rà soát để sửa đổi hoặc ban hành các quy chế làm việc, quy định về chế độ thông tin báo cáo, quản lý công tác; quy chế dân chủ ở cơ sở, quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, quy chế kiểm tra, bảo đảm chế độ tập trung thống nhất kỷ luật nghiệp vụ trong Ngành…; phát động phong trào thi đua sôi nổi, liên tục trong việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với phong trào rèn luyện, phấn đấu trở thành Kiểm sát viên giỏi, Kiểm sát viên tiêu biểu, cán bộ Kiểm sát mẫu mực trong toàn Ngành.
Có thể nói, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang có sự trưởng thành khá toàn diện, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và không có cán bộ, Kiểm sát viên vi phạm bị xử lý kỷ luật. Chất lượng, hiệu quả công tác được nâng lên rõ rệt, xứng đáng với niềm tin cậy, mến yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, góp phần xây dựng ngành Kiểm sát Hậu Giang ngày càng trưởng thành về mọi mặt.
Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện “Bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi”, đơn vị rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, phải thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền giáo dục cho mỗi cán bộ, Kiểm sát viên nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, nội dung của việc học tập và làm theo lời Bác, coi đó là tiêu chí phấn đấu, rèn luyện hàng đầu, là thước đo phẩm chất năng lực của mỗi cán bộ, Kiểm sát viên trong quá trình công tác và phấn đấu trở thành Kiểm sát viên giỏi. Điều quan trọng hơn là phải nâng cao được tinh thần tự giác phấn đấu, ý thức trách nhiệm của mỗi người, qua các buổi tuyên truyền đã động viên khích lệ cán bộ Kiểm sát không ngừng học tập phấn đấu làm theo lời Bác, tạo nên một phong trào tự tu dưỡng, rèn luyện của người cán bộ Kiểm sát, đẩy lùi nguy cơ suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoạt động của Ngành khách quan, toàn diện. Xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, có tinh thần đấu tranh bảo vệ công lý.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Ban Cán sự, Cấp uỷ Đảng và Lãnh đạo Viện; phát huy vai trò làm chủ của các tổ chức đoàn thể trong việc kiểm tra, đôn đốc, đấu tranh phê bình để xây dựng phẩm chất đạo đức cách mạng trong mỗi cán bộ, Kiểm sát viên. Đây là yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định để việc học tập và làm theo lời Bác thật sự trở thành hành động cách mạng sôi nổi ở mỗi đơn vị. Trong tình hình hiện nay, cần đặc biệt quan tâm đến vai trò, trách nhiệm, tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý hai cấp kiểm sát, đây là đối tượng trực tiếp tác động đến việc học tập, tu dưỡng của cán bộ, công chức.
Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” phải gắn với thực hiện “Bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi” và lời Bác dạy đối với cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng… Hàng năm, đơn vị đều có kế hoạch và chương trình hành động cụ thể, tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng điển hình tiến tiến trong toàn ngành Kiểm sát Hậu Giang.
Ba là, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, sử dụng đội ngũ cán bộ và đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, công tác “Bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi”, góp phần tạo động lực trực tiếp cho phong trào thi đua phấn đấu học tập và làm theo lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát./.
  
Tìm kiếm