CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Kết quả thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 1992 của Viện kiểm sát tỉnh Long An về chế định Viện kiểm sát nhân dân

07/07/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An tiến hành tổng kết về chế định Viện kiểm sát nhân dân qua 10 năm thực hiện Hiến pháp 1992, kết quả đạt được như sau:..
Kết quả thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 1992 của
Viện kiểm sát tỉnh Long An về chế định Viện kiểm sát nhân dân 


Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An tiến hành tổng kết về chế định Viện kiểm sát nhân dân qua 10 năm thực hiện Hiến pháp 1992, kết quả đạt được như sau:
* Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân
Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức theo ngành dọc trên tắc tập trung thống nhất, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quá trình thực hiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động của toàn Ngành Kiểm sát nói chung và của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An nói riêng luôn kết hợp hài hòa giữa nguyên tắc Đảng lãnh đạo với nguyên tắc tập trung dân chủ và được cụ thể hóa qua các hệ thống quy chế hoạt động của Ngành và đơn vị. Từ đó, phát huy được vai trò, trách nhiệm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hai cấp của tỉnh Long An trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nâng cao tinh thần chủ động, sáng tạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong toàn Ngành. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Chỉ thị công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hai cấp của tỉnh Long An kịp thời quyết định những vấn đề quan trọng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức gắn liền địa giới hành chính, bao gồm 3 cấp và thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng ngang cấp và cấp dưới. Chính vì vậy, đã tạo được sự gắn bó giữa Viện kiểm sát nhân dân các cấp với nhân dân, sát với tình hình thực tế, am hiểu tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ trương, chính sách của địa phương. Từ đó vận dụng và cụ thể hóa nhiệm vụ cho phù hợp, góp phần tích cực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương và phù hợp với thực tiễn trình độ phát triển kinh tế cũng như nhận thức pháp luật của người dân địa phương.
* Kết quả thực thi các quy định của Hiến pháp về mối quan hệ giữa Viện kiểm sát nhân dân với các cơ quan khác trong bộ máy Nhà nước
Trên cơ sở thực hiện Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa Viện kiểm sát nhân dân với các cơ quan chính quyền địa phương ở cả hai cấp của tỉnh Long An đã được đổi mới. Thể hiện cụ thể như:
- Đối với Hội đồng nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân chịu sự giám sát và báo cáo tình hình chấp hành pháp luật và công tác kiểm sát trước Hội đồng nhân dân địa phương cùng cấp. Viện kiểm sát nhân dân địa phương đã thực hiện những kiến nghị về mặt pháp chế với các cơ quan chính quyền địa phương.
- Đối với Tòa án nhân dân, Cơ quan điều tra, Thanh tra, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Lãnh đạo ngành Kiểm sát nói chung và ngành Kiểm sát tỉnh Long An nói riêng luôn chú ý xây dựng quy chế phối hợp hoạt động với các ngành, nhất là Công an, Tòa án, Thi hành án, Thanh tra, Kiểm lâm, Hải quan, Bộ đội Biên phòng... để tạo sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan bảo vệ pháp chế trong việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, ngăn ngừa tội phạm và thi hành án, phục vụ tốt cho nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Tuy Viện kiểm sát nhân dân hoạt động theo nguyên tắc độc lập không phụ thuộc vào cơ quan quyền lực địa phương, song để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình thì trước hết phải có sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền địa phương, đơn vị, tổ chức xã hội; nếu không có sự hợp tác đó, chắc chắn ngành Kiểm sát sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác. Vì vậy, cần có sự phối hợp này theo chiều hướng tích cực và tiếp tục phát huy.
* Kết quả thực thi các quy định của Hiến pháp về các chức danh pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân
Từ nền tảng Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung), các cơ quan chức năng đã ban hành quy định về tiêu chuẩn và chế độ bổ nhiệm các chức danh pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân, tạo điều kiện pháp lý cho việc xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên các cấp. Ngoài ra, công tác bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát được quan tâm chú ý hơn nhằm đáp ứng yêu cầu về nhân lực của Ngành. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ Kiểm sát đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào đường lối đổi mới, giữ gìn phẩm chất đạo đức của người cán bộ Kiểm sát.
Có thể nói, trong 10 năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An đã thực hiện và hoạt động đúng theo quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) về chế định Viện kiểm sát nhân dân, bảo đảm cho việc chấp hành pháp luật được nghiêm chỉnh và thống nhất và đạt được nhiều thành tựu trước yêu cầu đổi mới phù hợp với thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước nói chung cũng như phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh Long An nói riêng, đặc biệt là yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được so với yêu cầu của công cuộc đổi mới, quá trình thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) về chế định Viện kiểm sát nhân dân của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót. Đó là: Viện kiểm sát nhân dân hai cấp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn theo luật định. Ở nhiều Viện kiểm sát cấp huyện, việc quản lý thông tin tội phạm chưa tốt;công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp chưa chặt chẽ nên còn để xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm, nhiều vụ án còn để kéo dài quá hạn luật định, tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung còn vượt ngưỡng 3%;vẫn còn để xảy ra một số trường hợp khởi tố, truy tố oan, sai; chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh tế, lao động tuy được nâng lên song chưa đáp ng vi yêu cu... Chất lượng đội ngũ cán bộ,Kiểm sát viên hiện nay tuy được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Công tác quản lý, rèn luyện cán bộ có lúc chưa tốt dẫn đến một số cán bộ mắc sai phạm phải bị xử lý kỷ luật...
Trong công tác thống kê tội phạm (Điều 5 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân), thực tế, các cơ quan hữu quan còn có hiện tượng chạy theo thành tích, bỏ bớt những vụ án không khả năng phá án, tạo tình trạng số liệu thống kê và thực tế chênh nhau. Ngoài ra, về lý thuyết thì số liệu của Viện kiểm sát về tình hình tội phạm chính thức có giá trị pháp lý trong việc khai thác sử dụng số liệu thống kê để nghiên cứu phòng ngừa tội phạm nhưng thực chất việc khai thác, sử dụng số liệu chưa hiệu quả, còn hiện tượng không thống nhất và tùy tiện sử dụng số liệu của các cơ quan trong việc khai thác số liệu, tạo sự mâu thuẫn về số liệu giữa các ngành do chênh lệch thời gian, loại tội phạm... làm giá trị pháp lý của hoạt động thống kê chưa cao.
Công tác kháng nghị, kiến nghị cũng gặp nhiều khó khăn do không có quy định, chế tài ràng buộc, từ đó quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp còn hạn chế nhiều mặt.
Việc thực hiện các quy định của Hiến pháp về quan hệ giữa Viện kiểm sát với các cơ quan khác trong bộ máy Nhà nước, giữa Viện kiểm sát với các cơ quan tiến hành tố tụng (Công an, Tòa án), với các cơ quan hữu quan như Thanh tra, Hải quan, Biên phòng, Mặt trận Tổ quốc... và với các cơ quan khác như các đoàn thể còn hạn chế, chưa chặt chẽ nên sự phối hợp chưa đồng bộ, do đó, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác phối hợp tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ngoài ra, vì được tổ chức theo hệ thống ngành dọc nên Viện kiểm sát không được hoặc rất ít được cơ quan chính quyền ở địa phương quan tâm trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị... và trong việc thực hiện các chế độ chính sách như các chế độ trong chính sách đào tạo, chính sách thu hút cán bộ và các chế độ chính sách hỗ trợ khác...
Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đất nước trong tình hình mới, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 và Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị, đồng thời thực hiện việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:
Một là, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ tại buổi làm việc với Lãnh đạo chủ chốt của Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 02/3/2012, đó là: "Việc sửa đổi, mô hình Viện kiểm sát cần được tổng hợp, nghiên cứu nhưng vẫn phải giữ nguyên hai chức năng chính như hiện nay là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp...". Đồng thời, tại Phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã kết luận: "Tiếp tục duy trì mô hình Viện kiểm sát nhân dân như hiện nay; Viện kiểm sát nhân dân có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của Tòa án nhân dân, đồng thời, tiếp tục đổi mới, kiện toàn đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhiệm vụ chính trị theo đúng chủ trương, đường lối đã được xác định trong các Văn kiện của Đảng,... đồng thời, đặt chế định Viện kiểm sát nhân dân cùng chương với Tòa án nhân dân trong Hiến pháp...", đềnghị cần đổi mới tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân các cấp theo yêu cầu cải cách tư pháp một cách hợp lý, hoạt động có hiệu quả trên cơ sở chuyên môn hóa các hoạt động nghiệp vụ, theo hướng tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế gắn công tố với hoạt động điều tra, phù hợp với chủ trương xây dựng một nền công tố mạnh.
Hai là,để hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân ngày càng đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn nữa trong lĩnh vực hình sự, đề nghị cần tổ chức lại bộ máy làm công tác kiểm sát hình sự của ngành Kiểm sát thành một hệ thống bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, kiểm sát thi hành án hình sự và kiểm sát việc giam, giữ và cải tạo. Khắc phục tình trạng phân tán về tổ chức bộ máy trong lĩnh vực kiểm sát hình sự như hiện nay. Tiếp tục duy trì tổ chức và hoạt động Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát và không chỉ được tổ chức ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao mà cần được thành lập cho đến cấp tỉnh như trước đây nhằm tạo điều kiện cho cơ quan này thực hiện tốt thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự về các loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp đảm bảo khách quan và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ba là, về bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân, cần kết hợp xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên theo các tiêu chuẩn của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi, bổ sung năm 2011) với chế độ trách nhiệm cá nhân của Kiểm sát viên và các chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật. Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa trong việc thực hiện chương trình, nội dung đổi mới công tác đào tạo, tuyển chọn, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ trong ngành Kiểm sát đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp hiện nay.
Thành Vững - Hương Nhung 
Tìm kiếm