CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số khó khăn, vướng mắc của Viện kiểm sát trong giải quyết các vụ án kinh tế và chức vụ

09/07/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Trong những năm qua tình hình vi phạm, tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và tội phạm về kinh tế, chức vụ diễn biến khá phức tạp. Các Viện kiểm sát địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, phát huy tốt chức năng nhiệm vụ của ngành trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, góp phần đáng kể trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm về kinh tế chức vụ nói riêng. Tuy nhiên thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử các vụ án kinh tế, chức vụ còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc sau:...
Một số khó khăn, vướng mắc của Viện kiểm sát
trong giải quyết các vụ án kinh tế và chức vụ
 
Trong những năm qua tình hình vi phạm, tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và tội phạm về kinh tế, chức vụ diễn biến khá phức tạp. Các Viện kiểm sát địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, phát huy tốt chức năng nhiệm vụ của ngành trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, góp phần đáng kể trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm về kinh tế chức vụ nói riêng. Tuy nhiên thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử các vụ án kinh tế, chức vụ còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc sau:
1. Về định tội danh:
- Tội “ Kinh doanh trái phép” quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự cấu thành cơ bản quy định “Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có …” Như vậy, trường hợp chủ hàng có đầy đủ giấy phép theo quy định nhưng kinh doanh hàng phạm pháp (như hàng không có nguồn gốc hợp pháp mà không chứng minh được phạm các tội khác) hoặc các đối tượng vận chuyển, cất giữ hàng không có giấy tờ hợp pháp trong các trường hợp không điều tra xác minh được chủ hàng thì có coi là phạm tội kinh doanh trái phép không.
- Tội “Mua bán trái phép hóa đơn” quy định tại Điều 164a. Đây là tội danh mới được quy định khi Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009 nhưng đến nay chưa có hướng dẫn thực hiện. Trước khi có tội danh này thì các hành vi mua bán hóa đơn giá trị gia tăng đã có nội dung được xử lý tội “Lưu hành giấy tờ có giá giả khác”.
- Trong quá trình áp dụng pháp luật đối với tội “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm” điều 155 Bộ luật hình sự các cơ quan tiến hành tố tụng thường gặp vướng mắc trong việc xác định yếu tố định lượng của hàng hóa mà nhà nước cấm kinh doanh làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong 19 nhóm hàng cấm theo quy định tại Nghị định số 59/2006 và Nghị định số 43/2009 đã có hướng dẫn về định lượng một số mặt hàng như pháo nổ, thuốc lá điếu, động vật hoang dã, còn lại hầu như các hàng cấm khác chưa được hướng dẫn ví dụ như: các sản phẩm văn hóa phẩm đồi trụy, mê tín dị đoan, đồ chơi trẻ em nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe trẻ em, phế liệu nhập khẩu … Một số mặt hàng cấm cũng là đối tượng của một số tội phạm khác nhưng cũng chưa có hướng dẫn trong trường hợp nào thì xử lý tội “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm”, trong trường hợp nào thì xử lý về tội phạm khác hay phải xử lý về hai tội: ví dụ hàng cấm là động vật quý hiếm cũng là đối tượng của tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; hàng cấm là sản phẩm văn hóa phẩm đối trụy cũng là đối tượng của tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy …
2. Một số quy định về tình tiết định tội, định khung khoản:
Trong chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và tội phạm về môi trường của Bộ luật hình sự có rất nhiều Điều luật quy định về các tình tiết để định tội, định khung khoản mang tính “định tính” và “định lượng” chưa cụ thể nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn thi hành ví dụ
- Tình tiết thu lợi bất chính lớn, rất lớn, đặc biệt lớn tại các Điều 153, 155, 156, 159, 160, 162, 163, 164a ….
- Tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng tại các điều 153, 156, 157, 158, 160, 164a, 165, 172, 173, 174 …
- Tình tiết số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn tại các Điều 158, 160, 164, 164a …
- Tình tiết gây thiệt hại nghiêm trọng ở Điều 162
- Tình tiết diện tích đất lớn, rất lớn, đặc biệt lớn hoặc có giá trị lớn, rất lớn, đặc biệt lớn ở Điều 174
- Các tội liên quan đến động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm I B: Tại Thông tư liên tịch số 19/2007 của Liên ngành trung ương hướng dẫn tại mục 4.2 “Vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loài động vật đó” là vận chuyển, buôn bán các loại sản phẩm như thịt, xương, sừng, da, lông, ngà, móng, vẩy, răng và các bộ phận khác từ cơ thể các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm I B mà không có giấy tờ hợp pháp. Trường hợp các loại sản phẩm này đã được chế biến, chế tác thành hàng hóa hoặc nguyên liệu sử dụng trong sản xuất …. thì xử lý theo quy định của pháp luật đối với hàng cấm. Vậy số lượng như thế nào thì được coi là hàng cấm có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn.
3. Khó khăn vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử
- Hiện nay các đối tượng phạm tội dùng rất nhiều thủ đoạn để trốn tránh việc điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng, rất nhiều vụ việc cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ các phương tiện vận chuyển, kho chứa hàng hóa (than, vải may mặc, hàng hóa tiêu dung ..), động vật rừng thuộc nhóm II B không có giấy tờ hợp pháp nhưng không bắt được chủ hàng, các đối tượng vận chuyển đều khai vận chuyển hàng hóa trong nội địa đồng thời không khai ra chủ hàng và không khai nhận việc đồng phạm với chủ hàng … Do còn vướng mắc trong áp dụng pháp luật (như đa nêu trên) nên quan điểm xử lý giữa cơ quan phát hiện bắt giữ và các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa thống nhất dẫn đến việc trao đổi thông tin tội phạm và phân loại xử lý gặp nhiều khó khăn.
- Một số vụ việc đối tượng phạm tội lợi dụng sơ hở trong quy định về kiểm hóa của hải quan đối với hàng tạm nhập, tái xuất ( phân luồng xanh, vàng, đỏ để kiểm tra, sau đó kẹp chì cho thông quan) để nhập lậu một số lượng lớn động vật và sản phẩm động vật thuộc nhóm I B, II B từ nước ngoài vào Việt Nam để xuất lậu sang Trung quốc. Khi bị phát hiện chủ hàng khai không biết về số hàng phạm pháp cất giấu trong lô hàng và đã được Hải quan đã kiểm tra, còn cán bộ kiểm hóa của Hải quan cũng khai không phát hiện vi phạm do việc kiểm hóa được quy định phân theo luồng. Dẫn đến nhiều vụ việc không quy kết cho chủ hàng và cán bộ Hải quan được.
- Các nguồn tin báo ban đầu, việc thu thập căn cứ để khởi tố gặp nhiều khó khăn vì doanh nghiệp thực hiện chế độ hạch toán, thu, chi tự chủ, lợi dụng các quy định chưa đầy đủ của pháp luật kinh tế để gian lận kinh tế như: mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, khai tăng chi phí đầu vào, giấu doanh thu để trốn thuế (có sự tiếp tay hoặc làm chưa hết trách nhiệm của cán bộ chuyên môn) làm thất thoát tài sản của nhà nước. Trong khi đó chưa có quy định rõ nên cơ quan điều tra không thể trực tiếp tiến hành điều tra, xác minh tại doanh nghiệp khi nghi vấn có dấu hiệu tội phạm hình sự..
- Đối với các vụ án vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, quá trình điều tra xử lý còn lúng túng trong việc xác định nguyên đơn dân sự để bồi thường thiệt hại vì hay có sự nhầm lẫn giữa đối tượng được giao rừng để quản lý và chăm sóc bảo vệ với người có quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với rừng. Thực tiễn có những vụ án các đối tượng khai thác trái phép ở khu rừng được giao cho Lâm trường hoặc hộ gia đình, cá nhân quản lý bảo vệ mà không phải do UBND trực tiếp quản lý. Mặc khác trong các trường hợp đối tượng khai thác gỗ rừng trái phép nhiều lần, diễn ra trong một khoảng thời gian dài, không liên tục, mỗi lần chỉ khai thác số lượng gỗ dưới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có được cộng tổng số khối lượng gỗ của các lần khai thác gỗ trái phép lại để truy cứu trách nhiệm hình sự không.
- Việc xử lý vật chứng đối với các tội quy định tại Điều 175, 176 Bộ luật hình sự: Đối với vật chứng là gỗ bị chặt hạ tại trong rừng không thể đưa về Cơ quan điều tra hoặc cơ quan chức năng để quản lý được nên sau khi khám nghiệm hiện trường, số gỗ là vật chứng được giao cho chủ rừng là UBND xã và Hạt kiểm lâm quản lý (theo điểm c khoản 2 Điều 75 Bộ luật hình sự ) song trong thực tế gỗ (vật chứng) nằm ở trong rừng sâu, núi non hiểm trở nên việc bố trí con người, kinh phí … để thực hiện việc quản lý rất khó khăn không thể thực hiện được. Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều vụ vật chứng bị mất nhưng người được giao quản lý không nắm được dẫn đến việc giải quyết sau này gặp rất nhiều khó khăn.
- Việc quản lý và xử lý tang vật của các địa phương chưa thống nhất về đầu mối quản lý và cách thức xử lý, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và xử lý tang vật. Mặc khác trong thực tế có nhiều vụ việc do bắt quả tang thu được tang vật, có vụ việc thông qua hoạt động kiểm tra phát hiện được tại hiện trường ở những địa bàn khác nhau, có vụ vật chứng (gỗ) ở trong rừng sâu đi lại khó khăn nên việc thu hồi, quản lý và xử lý gặp nhiều khó khăn, số vật chứng bị mất không rõ nguyên nhân xảy ra còn phổ biến.
Để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời giúp các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương giải quyết các vụ án kinh tế, chức vụ đề nghị các cơ quan tiến hành hành tố tụng ở trung ương nghiên cứu để:
- Ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể đối với những vướng mắc áp dụng điều luật;
- Sửa đổi một số điều trong Bộ luật hình sự theo hướng cụ thể hóa và bổ sung thêm các hành vi vi phạm xảy ra trong thực tế nhưng chưa được quy định trong luật;
- Cần quy định rõ về trách nhiệm và hình thức xử lý nghiêm đối với Thủ trưởng các cơ quan nhà nước không thông báo về các hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và lĩnh vực mình quản lý nhất là các trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng tới lợi ích của nhà nước;
- Việc định giá tài sản làm căn cứ để chứng minh trong những vụ án chiếm đoạt tài sản: Hiện tại Hội đồng định giá tài sản không có tư cách pháp nhân, khi cần định giá tài sản trong các vụ án thì Chủ tịch UBND huyện hoặc tỉnh quyết định thành lập Hội đồng định giá, Hội đồng này chỉ tiến hành định giá trong một vụ việc cụ thể, sau khi định giá xong thì tính chất pháp lý của Hội đồng định giá này không còn. Vậy trong trường hợp việc định giá tài sản không đúng sự thật, không chính xác dẫn đến giải quyết vụ án không chính xác thậm chí oan sai thì trách nhiệm việc việc oan sai được giải quyết như thế nào? Đề nghị cần thành lập hội đồng định giá chuyên môn, đảm bảo tư cách pháp lý và chịu trách nhiệm về những kết luận định giá.
- Tổ chức tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ có chức danh pháp lý để nâng cao trình độ nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay, cần phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quản lý kinh tế, tài chính, chứng khoán … nói chung cũng như đối với các tội phạm kinh tế mới được bổ sung trong Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009 cho Kiểm sát viên các cấp.
Thúy Hồng 
Tìm kiếm