CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự trong ngành Kiểm sát nhân dân

16/07/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Thực hiện Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hướng dẫn công tác nghiệp vụ của các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kế hoạch công tác năm 2012 của các đơn vị, Viện kiểm sát địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp, như: hướng dẫn Viện kiểm sát cấp huyện thực hiện một số trình tự trong hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, trọng tâm là bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm...
Một số vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự trong ngành Kiểm sát nhân dân
 
Thực hiện Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hướng dẫn công tác nghiệp vụ của các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kế hoạch công tác năm 2012 của các đơn vị, Viện kiểm sát địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp, như: hướng dẫn Viện kiểm sát cấp huyện thực hiện một số trình tự trong hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, trọng tâm là bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm; tiến hành làm việc với Tòa án nhân dân cấp tỉnh để thống nhất nội dung khi triển khai thi hành Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung, xây dựng quy chế phối hợp với Tòa án cùng cấp trong việc kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự; tổ chức tập huấn cho các đơn vị cấp huyện quán triệt, phân tích, so sánh những điểm mới giữa Luật hiện hành với Luật sửa đổi, bổ sung đặc biệt là vấn đề Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm; vấn đề kiến nghị, kháng nghị theo thẩm quyền; kết hợp với rút kinh nghiệm về kết quả hoạt động… Với sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, Kiểm sát viên, một số chỉ tiêu của Ngành trong 6 tháng đầu năm 2012 đã được Viện kiểm sát địa phương hoàn thành vượt mức đặt ra.
          Tuy nhiên thực tiễn áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 đã phát sinh một số vướng mắc, khó khăn cho Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng:
Một số trường hợp, quá trình Tòa án giải quyết vụ án đi tiến hành thu thập chứng cứ nhưng khi xét xử không thông báo cho Viện kiểm sát biết hoặc trong quyết định đưa vụ án ra xét xử không có thành phần Kiểm sát viên tham gia phiên tòa. Những trường hợp này, sau khi xét xử, Viện kiểm sát phát hiện có vi phạm tố tụng thì sẽ ra văn bản kiến nghị hay kháng nghị.
          Theo quy định của Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung thì trong quyết định đưa vụ án ra xét xử phải có họ tên Kiểm sát viên (Kiểm sát viên dự khuyết nếu có) tham gia phiên tòa nhưng hiện nay theo mẫu hướng dẫn của Ngành (mẫu số 4b) thì việc phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa lại quyết định trên cơ sở sau khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử, như vậy là chưa phù hợp.
          Hiện nay còn có nhận thức khác nhau, dẫn đến áp dụng pháp luật không thống nhất về việc phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Điều 234 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: Kiểm sát viên chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Điều 273a Bộ luật tố tụng dân sự quy định: Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm. Tuy nhiên tại khoản 4 Điều 45 Bộ luật tố tụng dân sự lại có quy định: Kiểm sát viên có nhiệm vụ, quyền hạn tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, phiên họp giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết quyết vụ việc dân sự. Quy định tại khoản 4 Điều 45 Bộ luật tố tụng dân sự cũng phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 21 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002.
          Những vụ án có vi phạm ở giai đoạn sơ thẩm mà Viện kiểm sát không tham gia phiên tòa hoặc có tham gia phiên tòa nhưng không phát hiện được vi phạm thì Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm có được phát biểu ý kiến về những vi phạm đó hay không?
          Những thiếu sót, vi phạm trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án đã được kiến nghị trước khi mở phiên tòa thì tại phiên tòa Kiểm sát viên có phát biểu lại những thiếu sót, vi phạm đã được kiến nghị trước đó nữa không?
          Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi, bổ sung) quy định thời hạn nghiên cứu hồ sơ của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án. Trên thực tế có nhiều vụ án phức tạp, thời gian giải quyết kéo dài, trải qua nhiều lần xét xử, đòi hỏi cần nhiều thời gian nghiên cứu kỹ nhưng do số lượng án thụ lý ngày càng tăng, để tránh vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử (nhất là ở giai đoạn phúc thẩm) nên cùng một lúc Tòa án cùng cấp chuyển nhiều hồ sơ cho Viện kiểm sát làm cho Viện kiểm sát rất bị động trong công tác nghiên cứu?
          Khi áp dụng các quy định mới ngoài các trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa (Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự), thực tiễn có nhiều trường hợp phát sinh chưa được hướng dẫn cụ thể, như: Trường hợp nào là tranh chấp đất đai bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở; trường hợp Tòa án tiến hành xác minh địa chỉ của đương sự, lấy lời khai của các con chung trong vụ án ly hôn; các trường hợp này Tòa án và Viện kiểm sát đều lúng túng do có nhiều quan điểm khác nhau về sự cần thiết bắt buộc thực hiện hòa giải hay việc tham gia của Viện kiểm sát, có trường hợp Tòa án cùng cấp không mời Viện kiểm sát tham gia phiên tòa bằng cách không thu thập chứng cứ, chỉ để đương sự viết bản tự khai và không chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát.
          Điều 269 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa phúc thẩm và bị đơn đồng ý nhưng vụ án lại có kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát. Trường hợp này, kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát sẽ được xử lý như thế nào?
Thực tiễn cũng có nhiều vướng mắc khi Tòa án quyết định hủy án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án nhưng không đề cập gì đến kháng nghị của Viện kiểm sát và cũng không có cơ chế đề Tòa án buộc phải thông báo cho Viện kiểm sát biết nguyên đơn đã có đơn xin rút đơn khởi kiện, đồng thời bị đơn cũng đồng ý.
          Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự Viện kiểm sát có quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, tuy nhiên hiện nay Bộ luật tố tụng dân sự không quy định cụ thể về cơ chế thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát. Mặt khác trong các biểu mẫu tố tụng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành không có biểu mẫu cụ thể về quyền yêu cầu. Trong thực tế nghiên cứu hồ sơ chuẩn bị xét xử Kiểm sát viên phát hiện nhiều vấn đề cần yêu cầu Thẩm phán thực hiện làm rõ trước khi mở phiên tòa nhưng khó thực hiện bằng văn bản mà chỉ trao đổi miệng với nhau mà không có văn bản để lưu hồ sơ kiểm sát hoặc báo cáo cấp trên khi cần thiết.
Tìm kiếm