CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Những biện pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra ở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

02/07/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự, nhằm đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, những năm qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã giành nhiều thành tích trong lĩnh vực này. Ngoài sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế còn nghiên cứu, áp dụng các biện pháp để đạt kết quả cụ thể, như sau:...
Những biện pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra ở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế
Thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự, nhằm đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, những năm qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã giành nhiều thành tích trong lĩnh vực này. Ngoài sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế còn nghiên cứu, áp dụng các biện pháp để đạt kết quả cụ thể, như sau:
Biện pháp Chỉ đạo sâu sát, kịp thời trong công tác:
Ngay từ đầu năm, Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thcủa Viện trưởng VKSND tối cao về việc nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự đến từng đơn vị huyện và các cán bộ, Kiểm sát viên bằng các Kế hoạch công tác kiểm sát số 15 ngày 10/01/2011, số 39 ngày 10/01/2012; Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ kịp thời xây dựng chương trình công tác, tổ chức Hội nghị triển khai công tác, rút kinh nghiệm về công tác kiểm sát điều tra án hình sự. Qua đó, Viện kiểm sát tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc để các đơn vị nghiên cứu thực hiện.
 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh yêu cầu các phòng nghiệp vụ và các Viện kiểm sát cấp huyện tự kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch công tác kiểm sát án hình sự nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ, chấn chỉnh thiếu sót, tồn tại. Các phòng nghiệp vụ có kế hoạch kiểm tra và hướng dẫn các đơn vị cấp huyện mỗi quý một lần; phân công Kiểm sát viên có trách nhiệm theo dõi sâu sát từng địa bàn cấp huyện, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các hoạt động nghiệp vụ; kịp thời trả lời hoặc tập hợp các vướng mắc, thỉnh thị của Viện kiểm sát cấp huyện.
Biện pháp về công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn cấp huyện thường xuyên kịp thời đảm bảo chính xác và hiệu quả cao khi áp dụng luật: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh thành lập 03 Đoàn kiểm tra tại 07/09 Viện kiểm sát cấp huyện .Qua kiểm tra, đã đánh giá kết quả công tác, chỉ ra những thiết sót, tồn tại cụ thể của từng khâu nghiệp vụ để rút kinh nghiệm. Khi kiểm tra, phòng nghiệp vụ tham mưu cho lãnh đạo Viện tỉnh và trực tiếp hướng dẫn 25 vụ việc có nhiều vướng mắc do cấp huyện thỉnh thị. Việc trả lời thỉnh thị đảm bảo kịp thời, đúng pháp luật, giúp cho Viện kiểm sát cấp huyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đưa công tác  nghiệp vụ kiểm sát điều tra đạt hiệu quả cao.
Biện pháp xây dựng nghiên cứu và tổ chức thực hiện các chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng áp dụng pháp luật:
Các phòng nghiệp vụ chú trọng xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng áp dụng trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự, như: chuyên đề: “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra”; “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự có người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên”; “Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án Lừa đảo, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; “Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố” và chuyên đề “Việc thực hiện Thông tư liên tịch số 17 ngày 24/12/2007 về áp dụng Điều 194 BLHS- Thực trạng và giải pháp”.
Chú trọng tổng hợp vi phạm, vướng mắc ban hành thông báo rút kinh nghiệm cho các đơn vị: đã chú trọng báo cáo, thông báo rút kinh nghiệm về những vụ án có thiếu sót của cấp huyện thông qua nghiên cứu các bản cáo trạng; thông báo rút kinh nghiệm qua các vụ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Thông báo “Một số kinh nghiệm trong việc đánh giá chứng cứ và đề ra yêu cầu điều tra đối với các vụ án ma túy truy xét”.
Biện pháp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan ở địa phương trong giải quyết án hình sự: với những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, có nhiều vướng mắc đều được Viện kiểm sát chủ trì tổ chức Hội nghị liên ngành các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp họp bàn, trao đổi thống nhất đường lối xử lý, đồng thời tranh thủ ý kiến chỉ đạo của cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên. Phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan, Chi cục Kiểm lâm, Thanh tra Nhà nước, Cục Thuế, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh ký Quy định số 560 ngày 11/5/2010 về “Phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết và quản lý tố giác, tin báo về tội phạm”;chủ trì Hội nghị với Công an, Toà án, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, ký kết Quy định số 304 ngày 27/4/2010 về “Phối hợp liên ngành trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp”. Nhiều Viện kiểm sát nhân dân huyện phối hợp xây dựng Quy định phối hợp liên ngành về giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Định kỳ 06 tháng chủ trì Hội nghị liên ngành với các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá kết quả công tác phối hợp giải quyết án hình sự, đề ra phương hướng, biện pháp phối hợp 06 tháng tiếp theo và trong thời gian tới; sau Hội nghị, Liên ngành ký ban hành Kết luận để tổ chức quán triệt trong từng cơ quan.
Làm tốt công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm: phân công cán bộ, Kiểm sát viên trực tiếp phụ trách theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình thụ lý và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; chủ động kiểm sát ngay từ đầu các hoạt động: khám nghiệm hiện trường, tử thi, công cụ, dấu vết...rà soát, đối chiếu, phân loại tin báo.Thường xuyên đôn đốc yêu cầu Cơ quan điều tra xác minh, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm theo đúng quy định của pháp luật;đồng thời kiểm sát trực tiếp tại các đơn vị Cơ quan điều tra Công an cùng cấp, phát hiện, ban hành kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra rút kinh nghiệm, khắc phục ngay việc giải quyết tin báo kéo dài, quá thời hạn luật định; giải quyết dứt điểm các tin báo tồn đọng, theo quy định tại Điều 103, Điều 114 BLTTHS, đảm bảo việc ra quyết định khởi tố vụ án hoặc quyết định không khởi tố vụ án được kịp thời, có căn cứ và đúng pháp luật; hạn chế bỏ lọt tội phạm,được chấp nhận.
Biện pháp kiểm sát chặt chặt chẽ hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra:phân công Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ Cơ quan điều tra đề nghị phê chuẩn, tham mưu cho nh đạo Viện quyết định phê chuẩn hay không phê chuẩn, bảo đảm các trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam có căn cứ, đúng pháp luật. Viện kiểm sát từ chối phê chuẩn Lệnh bắt khẩn cấp, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt tạm giam đối với những trường hợp chưa đủ căn cứ, tránh được oan sai. Kiểm sát chặt chẽ những trường hợp Cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án, hủy quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra và ra quyết định khởi tố... Ban hành các kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục thiếu sót.
Lãnh đạo Viện kiểm sát chỉ đạo, yêu cầu Kiểm sát viên chủ động nghiên cứu hồ sơ vụ án ngay từ khi khởi tố vụ án, bám sát, thường xuyên theo dõi hoạt động điều tra của Điều tra viên để kịp thời đề ra yêu cầu điều tra đảm bảo có có căn cứ, được Điều tra viên, Cơ quan điều tra tiếp thu thực hiện; trường hợp cần thiết tham gia cùng Điều tra viên hỏi cung bị can, nắm bắt kịp thời kết quả điều tra vụ án, đảm bảo cho việc đánh giá chứng cứ được chính xác và kết thúc điều tra trong thời hạn luật định. Khi Cơ quan điều tra chuẩn bị kết thúc điều tra, Kiểm sát viên xem xét lại toàn bộ hồ sơ để kịp thời góp ý kiến, yêu cầu điều tra bổ sung trước khi kết thúc điều tra, hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.Chấp hành nghiêm Thông tư Liên tịch số 01 ngày 27/8/2010 của Liên ngành Trung ương về trả hồ sơ điều tra bổ sung. Qua kiểm sát điều tra, đã đôn đốc Cơ quan điều tra kết thúc sớm việc điều tra các vụ án hình sự, đạt tỷ lệ, chất lượng cao khi đề nghị đưa ra truy tố trước pháp luật. Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung cho Viện kiểm sát chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số án đã truy tố chuyển sang tòa, đảm bảokhông có trường hợp nào trả hồ sơ điều tra bổ sung dẫn đến việc phải đình chỉ điều tra.Việc lập hồ sơ kiểm sát, từng kiểm sát viên được quán triệt sâu sắc phải thực hiện theo trình tự thủ tục quy định tại Quyết định số 07/QĐ-VKSTC ngày 02/01/2008 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Về phối hợp chặt chẽ với tòa án: giải quyết các vụ án trọng điểm và các vụ án dư luận xã hội quan tâm: Viện kiểm sát phối hợp với Cơ quan điều tra, Toà án xác định được các vụ án điểm: Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 24 vụ, Viện kiểm sát truy tố chuyển Tòa án để xét xử 23 vụ, Tòa án đưa ra xét xử 21 vụ, trong đó 17 vụ xét xử lưu động.Việc xác định và giải quyết thành công các vụ án điểm được lãnh đạo ba ngành chú trọng đặc biệt quan tâm như: yêu cầu điều tra nhanh gọn, sớm kết thúc chuyển Viện kiểm sát truy tố, chuyển tòa xét xử trong thời gian ngắn nhất, nhất là các vụ án có hành vi phạm tội hết sức nguy hiểm, dư luận xã hội quan tâm; việc điều tra, truy tố nhanh, đường lối xét xử nghiêm minh đã kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân và góp phần ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế với việc phát huy kết quả đạt được, sớm khắc phục tồn tại, sẽ đưa công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của tiến trình cải cách tư pháp.
TH
Tìm kiếm