CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Rút kinh nghiệm một số vụ án hình sự có vi phạm về tổng hợp hình phạt, bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

29/06/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 12/6/2012, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự ban hành Thông báo số 137/TB-VKSTC-V3, về rút kinh nghiệm một số vụ án có vi phạm về tổng hợp hình phạt, bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng một số nội dung để bạn đọc tham khảo...
Rút kinh nghiệm một số vụ án hình sự có vi phạm về
tổng hợp hình phạt, bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
 
Ngày 12/6/2012, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự ban hành Thông báo số 137/TB-VKSTC-V3, về rút kinh nghiệm một số vụ án có vi phạm về tổng hợp hình phạt, bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng một số nội dung để bạn đọc tham khảo.      
 * Vụ án thứ nhất :
 Vũ Quốc Hội, sinh năm 1975; trú tại số 10 ngõ Hòa Bình 4, phố Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội bị kết án về các tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ở nhiều bản án thể hiện như sau:
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 325/2009/HSPT ngày 29/5/2009, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội áp dụng khoản 1 và khoản 4 Điều 267; điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự xử phạt Vũ Quốc Hội 12 tháng tù về tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 355/2010/HSPT ngày 6/7/2010 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; các điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 51 Bộ Luật hình sự, xử phạt Vũ Quốc Hội 12 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt với 12 tháng tù tại bản án hình sự phúc thẩm số 325/2009/HSPT ngày 29/5/2009 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, buộc Vũ Quốc Hội phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 13 năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 22/2/2008.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 269/2011/HSPT ngày 13/5/2011, của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; các điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 51 Bộ luật hình sự giữ nguyên bản án sơ thẩm số 188/2010/HSST ngày 19/4/2010 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xử phạt Vũ Quốc Hội 13 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; tổng hợp với hình phạt 12 tháng tù tại bản án hình sự phúc thẩm số 325/2009/HSPT ngày 29/5/2009 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, buộc Vũ Quốc Hội phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là 14 năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 22/8/2008.
 Bản án hình sự phúc thẩm số 269/2011/HSPT ngày 13/5/2011 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 188/2010 ngày 19/4/2010 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
 Tại Quyết định giám đốc thẩm số 06/2012/HS-GĐT ngày 27/3/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định hủy bản án hình sự phúc thẩm số 269/2011/HSPT ngày 13/5/2011 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 188/2010 ngày 19/4/2010 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội về phần quyết định: “áp dụng Điều 51 Bộ luật hình sự”, “Tổng hợp với hình phạt 12 tháng tù về tội làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức tại bản án hình sự phúc thẩm số 325/2009/HSPT ngày 29/5/2009 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là 14 năm tù” đối với Vũ Quốc Hội để tiến hành việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án theo đúng quy định của pháp luật.
Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Năm 2009, Vũ Quốc Hội bị Toà án nhân dân thành phố Hà Nội kết án 12 tháng tù về tội “làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” (tại bản án hình sự phúc thẩm số 325/2009/HSPT ngày 29/5/2009).
 Năm 2010, Vũ Quốc Hội lại bị Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội kết án 12 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tổng hợp với 12 tháng tù về tội “làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” của bản án số 325/2009/HSPT ngày 29/5/2009 buộc Vũ Quốc Hội phải chấp hành chung cho cả hai bản án là 13 năm tù ( tại bản án số 355/2010 của Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội).
 Với hành vi lừa đảo khác Vũ Văn Hội bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (tại bản án hình sự sơ thẩm số 188/2010/HSST ngày 19/4/2010) xử phạt 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo kháng cáo; Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã giữ nguyên bản án sơ thẩm và tổng hợp với hình phạt 12 tháng tù tại bản án hình sự phúc thẩm số 325/2009/HSPT của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, buộc Vũ Quốc Hội phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 14 năm tù. (tại bản án hình sự phúc thẩm số 269/2011/HSPT ngày 13/5/2011). Như vậy, lần này, khi tổng hợp hình phạt lại một lần nữa tổng hợp 12 tháng tù về tội “làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” tại bản án hình sự phúc thẩm số 235/2009/HSPT ngày 29/5/2009 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Trước đấy bản án hình sự phúc thẩm số 325/2009/HSPT ngày 6/7/2010 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã được tổng hợp hình phạt. Trong khi đó, hình phạt 13 năm tù tại bản án hình sự phúc thẩm số 355/2010/HSPT ngày 6/7/2010 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội lại không được tổng hợp với hình phạt 13 năm tù tại bản án hình sự phúc thẩm số 269/2011/HSPT ngày 13/5/2011 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội; nếu được tổng hợp hình phạt thì Vũ Quốc Hội phải chịu một hình phạt là 26 năm tù. Đây là sai lầm nghiêm trọng trong việc tổng hợp nhiều bản án đối với bị cáo Vũ Quốc Hội.
 Những thiếu sót trong việc tổng hợp bản án như đã phân tích ở trên, khi bị cáo phạm nhiều tội cần quan tâm ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố, và xét xử nhất là khi xác minh lý lịch bị can cũng như trích lục tiền án, tiền sự, Cơ quan điều tra cần làm rõ trong hồ sơ, tránh xem xét qua loa. Nhất là Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án phải hết sức thận trọng, lưu tâm trong quá trình tiến hành tố tụng. Chính những thiếu sót nêu trên cũng không được Kiểm sát viên phát hiện nên dẫn đến sai lầm từ cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm trong phần tổng hợp hình phạt đối với nhiều bản án; chỉ đến khi Vũ Quốc Hội chấp hành hình phạt tại trại giam thì mới được phát hiện những thiếu sót về tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Vũ Quốc Hội.
 * Vụ án thứ hai:
Nguyễn Xuân Chính (tên gọi khác là Phúc), sinh năm 1967; trú tại phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội; có một tiền án; tại bản án hình sự sơ thẩm số 22/HSST ngày 4/3/1992 của Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm áp dụng khoản 1 Điều 95; Điều 38; điểm đ Điều 44 Bộ luật hình sự năm 1985, xử phạt Nguyễn Xuân Chính 15 tháng tù về tội “tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 30 tháng. Nguyễn Xuân Chính đã bị tạm giam từ ngày 15/8/1991 đến ngày 31/11/1991.
 Ngày 30/6/1995 Nguyễn Xuân Chính và đồng bọn thực hiện hành vi hiếp dâm và hành vi mua bán phụ nữ; bị bắt tạm giam ngày 12/7/1995.
 Tại bản án hình sự sơ thẩm số 78/HSST ngày 31/12/1996, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội áp dụng các điểm a, b và c khoản 2 Điều 112; các điểm c,d khoản 1 Điều 115; Điều 41 và Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1985; xử phạt Nguyễn Xuân Chính 10 năm tù về tội “hiếp dâm” và 06 năm tù về tội “mua bán phụ nữ”; buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 16 năm tù; tổng hợp hình phạt với 15 tháng tù về tội “tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” nhưng cho hưởng án treo, tại bản án hình sự sơ thẩm số 22/HSST ngày 4/3/1992 của Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm, buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 17 năm 3 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 12/7/1995.
 Ngày 01/01/1997 Nguyễn Xuân Chính kháng cáo xin giảm hình phạt.
 Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 888/HSPT ngày 17/6/1997 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 78/HSST ngày 31/12/1996 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
 Bản án hình sự phúc thẩm số 888/HSPT ngày 17/6/1997 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
 Tại quyết định giám đốc thẩm số 01/2012/HS-GĐT ngày 13/02/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định hủy bản án hình sự phúc thẩm số 888/HSPT ngày 17/6/1997 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội về phần quyết định:... “buộc bị cáo chấp hành hình phạt của bản án số 22 ngày 4/3/1992 của Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm. Tổng hợp hình phạt của hai bản án, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 17 năm 3 tháng ( mười bẩy năm ba tháng) và bản án hình sự sơ thẩm số 78/HSST ngày 31/12/1996 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về phần quyết định... “buộc bị cáo chấp hành hình phạt của bản án số 22 ngày 4/3/1992 của Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm. Tổng hợp hình phạt của hai bản án, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 17 (mười bẩy) năm 3 (ba) tháng tù” đối với Nguyễn Xuân Chính và đình chỉ vụ án với việc giải quyết phần quyết định này.
Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 22/HSST ngày 4/3/1992, Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm áp dụng khoản 1 Điều 95; Điều 38; điểm đ Điều 44 Bộ luật hình sự năm 1985, xử phạt Nguyễn Xuân Chính 15 tháng tù về tội “tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 30 tháng kể từ ngày tuyên án. Do bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nên đã có hiệu lực pháp luật. Như vậy, đến ngày 4/9/1994 thì thời hạn thử thách đối với Nguyễn Xuân Chính đã hết.
 Đến ngày 30/6/1995 Nguyễn Xuân Chính cùng đồng bọn thực hiện hành vi hiếp dâm, mua bán phụ nữ. Khi xét xử bị cáo về các tội này, Tòa án cấp sơ thẩm còn tổng hợp hình phạt với hình phạt 15 tháng tù về tội “tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” nhưng cho hưởng án treo của bản án hình sự số 22/HSST ngày 4/3/1992. Như vậy, Hội đồng xét xử có sự nhầm lẫn khi xét hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Xuân Chính thực hiện hành vi “hiếp dâm, mua bán phụ nữ” lại cho rằng Nguyễn Xuân Chính thực hiện tội phạm trong thời gian thử thách án treo ở tội tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng (án sơ thẩm số 22/HSST ngày 4/3/1992 của Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm).
 Đây là sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật (khoản 5 Điều 60 và Điều 51 Bộ luật hình sự). Sau khi xét xử phúc thẩm bị cáo kháng cáo, Tòa án cấp phúc thẩm đưa vụ án ra xét xử nhưng cũng không phát hiện ra sai lầm của Tòa án cấp sơ thẩm nên giữ nguyên bản án sơ thẩm làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nguyễn Xuân Chính.
 Những sai lầm nêu trên trách nhiệm thuộc về Hội đồng xét xử khi tổng hợp hình phạt. Nhưng với việc kiểm sát tuân theo pháp luật tại phiên tòa và kiểm sát bản án sau phiên tòa Kiểm sát viên cũng không phát hiện được những vi phạm trên, mãi sau 15 năm vi phạm này mới được phát hiện. Đây là những điểm cần lưu ý quan tâm khi gặp những trường hợp phải tổng hợp hình phạt và cũng cần rút kinh nghiệm chung trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự.
Thu Hương 
Tìm kiếm