CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự

29/03/2011
Cỡ chữ:   Tương phản
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm đối với các vụ án hình sự do Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm, bị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên cải sửa cơ bản về hình phạt chính, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản gửi Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung để bạn đọc tham khảo. ..
Thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự
 
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm đối với các vụ án hình sự do Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm, bị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên cải sửa cơ bản về hình phạt chính, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản gửi Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung để bạn đọc tham khảo.
- Vụ thứ nhất:
Khoảng 16h 40' ngày 22/10/2010, Y Kem Êban (không có giấy phép lái xe theo quy định) điều khiển xe máy kéo không biển số đi từ khối 4A, TT EaKnốp ra Quốc lộ 26, khi đi đến ngã 3 đường giao nhau giữa đường khối 4A, TT EaKnốp với quốc lộ 26, do không quan sát Y Kem Êban đã cho xe đi thẳng ra đường nhựa hướng Khánh Hòa - Đắk Lắk nên gây ra tai nạn với xe mô tô BKS 47K4 - 1615 do ông Ngô Hữu Hậu điều khiển đi ngược chiều, hậu quả làm ông Hậu bị thương tích 51%.    
Bản án hình sự sơ thẩm số 66, ngày 18 tháng 11 năm 2010 của Toà án nhân dân huyện Ea Kar đã áp dụng Điểm a, Khoản 2, Điều 202; các Điểm b, p Khoản 1, 2 Điều 46 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Y Kem Êban 03 năm tù.     
Sau khi án sơ thẩm xử xong, ngày 13/12/2010 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 21/QĐ-KNPT, kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm nói trên, yêu cầu Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm để cải sửa án sơ thẩm theo hướng áp dụng thêm Điều 47 Bộ luật hình sự và giảm mức hình phạt tù đối với bị cáo Y Kem Êban.
Ngày 01/3/2011, Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã xét xử theo thủ tục phúcthẩm tuyên chấp nhận kháng nghị phúc thẩm, sửa một phần bản án Hình sự sơ thẩm số 66, ngày 18 tháng 11 năm 2010 của Toà án nhân dân huyện Ea Kar, áp dụng Điểm a, Khoản 2, Điều 202, các Điểm b, p Khoản 1, 2 Điều 46; Điều 47; Khoản 1,2 Điều 60 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Y Kem Êban 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 03 năm.
Vấn đề cần rút kinh nghiệm: Việc cấp sơ thẩm truy tố và xét xử bị cáo Y Kem Êban theo Điểm a, Khoản 2, Điều 202 Bộ luật hình sự là có căn cứ pháp lý, đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, mức hình phạt 3 năm tù mà cấp sơ thẩm đã tuyên phạt đối với bị cáo Y Kem Êban là quá nghiêm khắc bỡi lẽ: bị cáo là người dân tộc thiểu số, có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, sau khi phạm tôi bị cáo đã thật thà khai báo, ăn năn hối cải và tự nguyện bồi thường thiệt hại cho người bị hại được người bị hại bãi nại; hậu quả của vụ tai nạn chỉ làm người bị hại bị thương tích tổn hại sức khỏe là 51%.
Tại phiên toà sơ thẩm Kiểm sát viên đã đánh giá đúng tính chất, mức độ do hành vi phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Y Kem Êban, nên đã đề nghị mức hình phạt từ 18 đến 24 tháng tù là phù hợp. Tuy nhiên HĐXX tuyên phạt bị cáo 03 năm tù là quá nghiêm khắc không mang tính giáo dục thuyết phục. Viện kiểm sát đã không kháng nghị phúc thẩm theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, bảo vệ quan điểm truy tố, vì vậy cấp phúc thẩm đã phải cải sửa cơ bản về hình phạt đối với bị cáo.
- Vụ thứ hai:
 Do nghi ngờ anh Ngô Trúc trộm cắp của mình hai con gà chọi nên vào khoảng 12h ngày 18/6/2010, Nguyễn Văn Đạt đi tìm Trúc để hỏi cho ra chuyện, khi gặp Trúc thì Đạt yêu cầu anh Trúc dừng xe lên vỉa hè gần quán bán nước của chị Nguyễn Thị Xuân Hương ở tổ dân phố 3, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ nói chuyện, anh Trúc đồng ý và chạy xe lên vỉa hè. Lúc này, Nguyễn Văn Đạt đi đến đứng đối diện với anh Trúc nói anh Trúc bắt trộm gà của mình, anh Trúc trả lời “Tao không bắt”, sau đó Đạt chửi thề và dùng tay trái túm ngực áo anh Trúc, tay phải đấm một cái vào vùng mặt anh Trúc làm anh Trúc ngã ngửa ra phía sau với tư thế tự do, không có bất cứ phản xạ gì, phần sau đầu (gáy) và lưng đập xuống đường quốc lộ 14 bất tỉnh, sau đó tử vong.
 Bản án hình sự sơ thẩm số 61, ngày 29 tháng 11 năm 2010 của Toà án nhân dân thị xã Buôn Hồ đã áp dụng Khoản 3, Điều 104; Điểm b, p Khoản 1, 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Đạt 4 năm tù.
Ngày 21/12/2010, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 22/QĐ-KNPT, kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm nói trên, yêu cầu Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm để cải sửa án sơ thẩm theo hướng áp dụng thêm Điểm d, Khoản 1, Điều 48 Bộ luật hình sự và tăng mức hình phạt tù đối với bị cáo Nguyễn Văn Đạt. 
Ngày 21/2/2011, Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã xét xử theo thủ tục phúcthẩm tuyên chấp nhận toàn bộ kháng nghị phúc thẩm, sửa một phần bản án Hình sự sơ thẩm số 61, ngày 29 tháng 11 năm 2010 của Toà án nhân dân thị xã Buôn Hồ, áp dụng Khoản 3, Điều 104; Điểm b, p Khoản 1, 2 Điều 46; Điểm d Khoản 1, Điều 48 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Đạt 7 năm tù.
Vấn đề cần rút kinh nghiệm: Việc cấp sơ thẩm truy tố và xét xử bị cáo Nguyễn Văn Đạt về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 3, Điều 104 Bộ luật hình sự là có căn cứ pháp lý, đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, mức hình phạt 4 năm tù mà cấp sơ thẩm đã tuyên phạt đối với bị cáo Nguyễn Văn Đạt là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội mà bị cáo gây ra, bởi lẽ: hành vi phạm tội của bị cáo là rất nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội, đã tước đi tính mạng của người bị hại. Mặt khác, hành vi của bị cáo còn có tính chất côn đồ được quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 48 Bộ luật hình sự nhưng án sơ thẩm chưa áp dụng đối với bị cáo là còn thiếu sót.
Viện KSND thị xã Buôn Hồ, do đánh giá chưa đúng tính chất và mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, chưa vận dụng đầy đủ tình tiết tăng nặng quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 48 Bộ luật hình sự nên đã đề nghị mức hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Văn Đạt từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù. Tòa án cùng cấp tuyên phạt Nguyễn Văn Đạt 04 năm tù là quá nhẹ. Vì vậy cấp phúc thẩm đã phải cải sửa cơ bản về hình phạt đối với bị cáo.
Thanh Tâm
                                                                                                                                                                                
Tìm kiếm